Chùm hài kịch Tốc độ: Cười… nấc nghẹn với bi kịch giao thông

Chùm hài kịch Tốc độ: Cười... nấc nghẹn với bi kịch giao thông - Ảnh 1.

Cảnh trong tiểu phẩm Bạn thân thuộc chùm hài kịch Tốc độ – Ảnh: T.ĐIỂU

Vì vậy, khán giả dễ dàng bị cuốn hút trước chùm hài kịch khá ấn tượng về chủ đề an toàn giao thông mà Nhà hát Tuổi Trẻ vừa cho ra mắt.

Năm nay, nằm trong dự án đặt hàng của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, 4 nhà hát ở Hà Nội gồm Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cùng xây dựng tác phẩm về chủ đề an toàn giao thông.

Riêng Nhà hát Tuổi Trẻ lựa chọn hình thức hài kịch – “đặc sản” của nhà hát này nhiều năm nay – để kể một cách thấm thía những bi kịch vì tai nạn giao thông mà người Việt phải chứng kiến quá nhiều.

“Đi đường thì thấy người Việt Nam rất khổ, cũng không biết đổ lỗi cho ai. Chúng tôi chỉ mong rằng những tiếng cười mà chúng tôi mang đến cho công chúng sẽ phần nào góp vào sự thay đổi trong văn hóa giao thông của người Việt.

Đạo diễn Sĩ Tiến

Chùm hài kịch mang tên Tốc độ gồm 4 tiểu phẩm: Đường tắc mắc duyên, Bạn thân, Quán ân nhân và Sương mù, do tác giả Đinh Tiến Dũng viết kịch bản và NSƯT Sĩ Tiến làm đạo diễn.

Đường tắc mắc duyên là câu chuyện đầy hài hước về một chiến sĩ cảnh sát giao thông đến nhà người yêu và chịu cảnh tra xét của bố mẹ vợ tương lai, ở đó lộ ra nhiều mâu thuẫn xã hội trong chuyện đi lại.

Bạn thân là những tiếng cười xen lẫn tiếng nấc nghẹn về tấn bi kịch của những bợm nhậu hễ gặp nhau là say không biết đường về, để rồi lần lượt người nọ người kia phải vào viện, mang thương tật vì tai nạn, khiến vợ trẻ, con thơ cơ cực.

Những tình huống hài hước dày đặc trong Quán ân nhân lại cho thấy rất nhiều thói xấu xung quanh chuyện đi đường của người dân. Nhiều người làm sai nhưng luôn tìm được lý do biện bạch cho mình.

Quán bán nước thật có lý do chính đáng để lấn chiếm vỉa hè vì gia đình cả 6 miệng ăn trông chờ cả vào đấy. Quán được bà bán nước đặt cho cái tên Ân Nhân vì ở đây bà đã giúp đỡ không biết bao nhiêu người bị xe đụng, nhưng bà đã không nhận ra họ bị tai nạn cũng chính vì vỉa hè bị lấn chiếm.

Kể bi kịch ngày trở về của người thanh niên vừa ngồi tù vì gây tai nạn giao thông chết người rồi bỏ chạy nhưng tiểu phẩm Sương mù lại đầy ắp tiếng cười về nhiều “trào lưu” làm giàu mới nổi trong xã hội như “nghề” YouTuber – nghề mà không ít người quan niệm chỉ cần thật nhảm nhí và độc lạ.

Những nghệ sĩ hài tên tuổi như Đức Khuê, Vân Dung, Thanh Tú, Quang Ánh, Bá Anh, Quỳnh Dương, Như Quỳnh, Mạnh Đạt… đã không để khán giả phải thất vọng.

Cách đạo diễn Sĩ Tiến xử lý các tình huống bi – hài vừa đủ khéo léo để những thông điệp ý nghĩa về câu chuyện an toàn giao thông vốn nhức nhối trong xã hội được ngấm tới khán giả một cách tự nhiên.

Việc sử dụng màn chiếu rất sáng tạo, biến những bức vách trang trí sân khấu thành màn hình đặt phía trước các diễn viên (không phải phía sau diễn viên như thường thấy), thỉnh thoảng trình chiếu những hình ảnh, âm thanh và cả múa để bổ sung cho diễn xuất của diễn viên, giúp khán giả cảm nhận rất thực và sống động về tình trạng hỗn loạn của giao thông và cả những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng.

Chùm hài kịch sẽ tiếp tục đến với khán giả vào tối 26-12 tại Nhà hát Tuổi Trẻ.

Công lý như mặt trời: Hiếm hoi vở kịch chống tham nhũng Công lý như mặt trời: Hiếm hoi vở kịch chống tham nhũng

TTO – Khá lâu rồi sân khấu TP mới có một vở diễn về quan tham ra mắt khán giả: Công lý như mặt trời (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Chánh Trực) của Nhà hát kịch 5B.