Chức năng của tuyến tụy và một số bệnh lý thường gặp

Tuyến tụy là một trong các cơ quan thuộc về hệ thống nội tiết và tiêu hóa của cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, cơ quan này có chức năng gì, cũng như có các vấn đề sức khỏe nào liên quan đến nó thì không phải ai cũng biết. Bài viết sau đây của MEDLATEC sẽ giúp đọc tìm hiểu các thông tin cần thiết đó.

01/09/2022 | Ung thư tuyến tụy nguy hiểm mức độ nào và làm sao để phòng tránh?
22/10/2021 | Suy tuyến tụy ngoại tiết: Nguyên nhân và cách điều trị

1. Tuyến tụy có chức năng gì? 

Tuyến tụy là một cơ quan có vị trí ở trong khoang bụng, cụ thể là ở vùng bụng trên bên trái, phía sau dạ dày và được ruột non, gan, lách bao xung quanh. Với hình dạng tương tự một quả lê phẳng hoặc một con cá kèo, cơ quan này dài theo chiều ngang của bụng và vào khoảng từ 15 đến 25cm. 

Nó đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi thành nhiên liệu cho các tế bào của cơ thể từ các thực phẩm được đưa vào. Cụ thể, chức năng của cơ quan này như sau:

1.1. Chức năng ngoại tiết

Đây là cơ quan có các tuyến ngoại tiết thực hiện nhiệm vụ trong sản xuất các enzyme bao gồm: trypsin và chymotrypsin rất quan trọng đối với quá trình tiêu hoá của cơ thể. Các enzyme này giúp hoạt động tiêu hóa protein, amylase được thúc đẩy với vai trò hỗ trợ tiêu hóa carbohydrate và lipase để phân huỷ chất béo.

Với quá trình hoạt động của tuyến tụy được diễn ra khi thức ăn được đưa vào đến dạ dày, các loại dịch tụy và mật tụy được giải phóng vào tá tràng sẽ giúp cho cơ thể hấp thụ được các dưỡng chất như chất béo hay protein.

Tuyến tụy giúp cơ thể hấp thụ chất béo hay protein

Tuyến tụy giúp cơ thể hấp thụ chất béo hay protein

1.2. Chức năng nội tiết 

Về chức năng nội tiết, cơ quan này giúp duy trì đường huyết của cơ thể. 

Cụ thể: 

  • Trường hợp mức đường huyết quá cao, nó sẽ tiết ra insulin. 

  • Trường hợp mức đường huyết quá thấp, sẽ tiết ra glucagon.

Điều này được thực hiện bởi các tế bào tuyến tụy; nhờ đó, lượng đường trong máu được duy trì. 

2. Có những dấu hiệu nào cảnh báo tuyến tụy đang gặp vấn đề?

Các triệu chứng của bệnh ở tuyến tụy thường khó để phát hiện ra, nhưng bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu sau đây để nhận biết. Chúng bao gồm: 

2.1. Phân khác thường 

Phân có vẻ khác thường ở đây có thể là tình trạng phân lỏng, nhẹ hơn, trông rất nhờn hoặc có mùi hôi. Đây có thể là biểu hiện cho thấy tuyến tụy đang bị rối loạn do ảnh hưởng của một vấn đề bệnh lý nào đó. Và làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất các enzyme giúp tiêu hóa chất béo và hấp thụ các vitamin như A, E, K của tuyến tụy, dẫn đến triệu chứng này khi đi ngoài. 

2.2. Đau bụng 

Khi cơ quan này gặp vấn đề cũng có thể gây ra các cơn đau bụng với tính chất đau khác nhau ở trường hợp bị bệnh ung thư tuyến tụy hoặc viêm tụy cấp.

Đau bụng bất thường là một triệu chứng cần chú ý 

Đau bụng bất thường là một triệu chứng cần chú ý 

2.3. Buồn nôn và nôn sau khi ăn thức ăn nhiều chất béo 

Buồn nôn và nôn sau khi ăn đồ ăn có nhiều dầu mỡ và chất béo cũng là một dấu hiệu cảnh báo có một vấn đề nào đó liên quan đến tuyến tụy. Bởi tình trạng này xảy ra khi các enzyme do cơ quan này sản xuất ra không thể phá vỡ được các chất béo. Từ đó, làm xuất hiện cảm giác buồn nôn. Trong đó, có một số thực phẩm như quả bơ, các loại hạt, hamburgers hay pizza, bơ,… thường dễ gây buồn nôn. 

2.4. Bị sụt cân nhanh 

Tình trạng bị sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân cũng là một trong các triệu chứng biểu hiện của bệnh ung thư tuyến tụy. Đó là khi sự xuất hiện của khối u làm phá vỡ quá trình cơ quan này sản xuất enzyme tiêu hóa giúp cơ thể hấp thụ hoàn toàn các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, làm cơ thể người bệnh đối diện với những khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn. Do vậy, khiến tình trạng bị giảm cân nhanh xuất hiện.

3. Có các vấn đề sức khỏe và bệnh lý liên quan đến tuyến tụy nào? 

Như đã đề cập, một số dấu hiệu xảy ra khi khả năng hoạt động của tuyến tụy gặp vấn đề có thể là do vấn đề sức khỏe và bệnh lý liên quan đến cơ quan này. Trong đó, bao gồm một số bệnh sau đây: 

3.1. Viêm tụy

Đây là tình trạng cơ quan này bị viêm, xảy ra khi bài tiết enzym, tuyến tụy có thể tích tụ và tiêu hóa chính nó. Bệnh có thể dẫn đến các cơn đau cấp tính trong vài ngày, nhưng cũng có trường hợp nó trở thành mạn tính và tiến triển trong nhiều năm.

3.2. Ung thư tuyến tụy 

Nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư này có thể là bệnh viêm tụy mạn tính không được điều trị kịp thời dẫn đến nó. Đi kèm với đó, một số thói quen không tốt ví dụ là hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hoặc người có tiền sử có người thân trong gia đình mắc bệnh cũng làm tăng nguy cơ gặp phải bệnh lý này.

Thói quen uống rượu bia có thể là tác nhân gây ung thư tuyến tụy

Thói quen uống rượu bia có thể là tác nhân gây ung thư tuyến tụy

3.3. Tiểu đường 

Khi tuyến tụy xuất hiện sự bất thường trong hoạt động cũng có thể gây ra bệnh tiểu đường. Bởi đây là cơ quan có chức năng duy trì lượng đường huyết trong máu. Những đối tượng phải đối diện với các vấn đề liên quan đến cơ quan này sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

Sự rối loạn hoạt động của tuyến tụy cũng có thể gây bệnh tiểu đường 

Sự rối loạn hoạt động của tuyến tụy cũng có thể gây bệnh tiểu đường 

3.4. Tình trạng tăng và hạ đường huyết 

Sự rối loạn hoạt động xảy ra ở tuyến tụy cũng sẽ gây nên tình trạng tăng hay hạ đường huyết. 

Cụ thể, sản xuất quá mức của hormone glucagon làm tăng đường huyết. Ngược lại, sản xuất quá mức của insulin làm hạ đường huyết. 

Như vậy, thông tin về chức năng kèm theo một số vấn đề sức khỏe và bệnh lý liên quan đến tuyến tụy đã được chia sẻ trên đây. Có thể thấy rằng khi cơ quan này gặp dấu hiệu bất thường nào đó đều có khả năng ẩn chứa trong đó các rủi ro đối với sức khỏe của chúng ta. Do vậy, đừng chần chừ và chủ quan khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Điều cần thiết là hãy chú ý đến chúng và hãy đến gặp bác sĩ ngay. 

Quý khách có thể đến thăm khám trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được kiểm tra tình trạng sức khỏe và có giải pháp xử lý kịp thời. Liên hệ tới đường dây nóng của chúng tôi theo số điện thoại 1900 56 56 56 để được tư vấn và hướng dẫn đặt lịch khám chi tiết.