Chức năng của giáo dục

TTO – Để xác định chức năng của một hiện tượng xã hội, trong cuốn Những quy tắc của phương pháp xã hội học (Les règles de la méthode sociologique), Durkheim viết điều đầu tiên cần phải xác minh là “liệu có sự tương đồng nào giữa thực tế đang được xem xét với những nhu cầu chung của tổ chức xã hội và nếu có, thì sự tương đồng đó ở chỗ nào?”

TTO – Để xác định chức năng của một hiện tượng xã hội, trong cuốn Những quy tắc của phương pháp xã hội học (Les règles de la méthode sociologique), Durkheim viết điều đầu tiên cần phải xác minh là “liệu có sự tương đồng nào giữa thực tế đang được xem xét với những nhu cầu chung của tổ chức xã hội và nếu có, thì sự tương đồng đó ở chỗ nào?”

Trong một bài báo viết năm 1911 nhan đề “Giáo dục, chức năng và bản chất” trên tờ Giáo dục và Xã hội (Education et sociologie), Durkheim khẳng định: “mọi xã hội trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào đều có một hệ thống giáo dục áp đặt lên các cá nhân”. Mọi xã hội đều đặt ra những mẫu hình con người lý tưởng về các mặt trí tuệ, thể lực và đạo đức. Mẫu hình đó chính là điểm then chốt của giáo dục. Một xã hội “chỉ có thể tồn tại được nếu có sự thuần nhất giữa các thành viên”. Giáo dục duy trì và củng cố sự thuần nhất này bằng cách khắc sâu vào trí óc trẻ em những mối quan hệ cơ bản mà cuộc sống cộng đồng của xã hội đó đòi hỏi phải có. Thông qua giáo dục, “con người cá nhân” trở thành “con người xã hội”. Tuy nhiên, sự thuần nhất này chỉ mang tính tương đối, trong những xã hội mang đặc trưng phân chia lao động, sự khác biệt và thống nhất giữa các ngành nghề càng lớn, thì mức độ sai biệt cần thiết càng lớn. Durkheim viết:

“Vì vậy chúng tôi đi đến định nghĩa như sau: giáo dục là hành vi mà thế hệ trưởng thành thực hiện đối với những thế hệ chưa sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội. Mục đích của giáo dục là khơi dậy và thúc đẩy trong đứa trẻ những trạng thái về thể chất, tinh thần và đạo đức, mà xã hội nhà nước nói chung và môi trường sống của đứa trẻ nói riêng, đòi hỏi đưa trẻ phải có. Từ định nghĩa đó chúng ta có thể thấy giáo dục cũng bao gồm cả việc xã hội hoá một cách có hệ thống thế hệ trẻ”.

Quan điểm coi giáo dục là “sự xã hội hoá một cách có hệ thống” phù hợp với yêu cầu của xã hội đảm bảo nền tảng cho “các điều kiện tồn tại” và sự duy trì bền vững của bản thân xã hội đó. Quá trình này bắt đầu trong gia đình, ngay từ khi đứa trẻ mới được sinh ra và sẽ được tiến hành một cách có hệ thống ở nhà trường. Trường học trở thành một sự tiếp nối về mặt xã hội thông qua việc truyền tải các giá trị, chuẩn mực và kiến thức.

Tuy nhiên, khái niệm nói trên chỉ đơn thuần mô tả hiện thực hay bản chất thiết yếu của giáo dục tại một thời điểm nhất định trên quan điểm tĩnh. Các xã hội không chỉ biến đổi, phát triển và có một lịch sử, mà trong bản thân các xã hội đó, những hệ thống giáo dục phù hợp với yêu cầu của xã hội đó cũng phát triển và đặt ra những yêu cầu riêng của mình. Với ý nghĩa là việc nghiên cứu có mục đích của giáo dục đối với những hiện thực xã hội, khoa học giáo dục phải đặt những hệ thống này trong bối cảnh “động” chung được mô tả bằng cách phân tích nó trong các giai đoạn thực tế của xã hội.