Chuẩn mực đạo đức của nghề dạy học trong xã hội hiện nay

                               “Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
                                           Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
                                          Có một nghề không trồng cây vào đất
                                          Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm”

Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng, nghề thầy giáo xưa và nay luôn được mọi người coi trọng. Người giáo viên không chỉ dạy chữ, dạy làm người, mà hơn hết, họ là những kĩ sư tâm hồn, ươm những mầm xanh cho đất nước. Trong bất cứ xã hội nào, người thầy luôn là chuẩn mực đạo đức để cả xã hội noi theo. Một người công nhân tồi có thể chỉ làm hỏng một vài sản phẩm nhưng một người thầy tồi sẽ làm hỏng cả một thế hệ. Chính vì vậy, Bác Hồ kính yêu đã từng nói:

“Có tài mà không có đức là người vô dụng,

Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Thật vậy, trong nghề dạy học, yếu tố đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Và theo tôi, một người giáo viên tốt cần hội đủ 5 phẩm chất như sau:

– Thứ nhất, người giáo viên phải có phẩm chất chính trị vững vàng, tin tưởng và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước;

Thứ hai,người giáo viên cần có lối sống trong sáng, lành mạnh, đoàn kết, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Sống giản dị, khiêm tốn, hòa đồng và lịch sự với tất cả mọi người xung quanh;

-Thứ ba,người giáo viên tốt trước tiên phải có lòng yêu nghề. Luôn học tập, rèn luyện nâng cao trình độ bản thân và phải đối xử công bằng, minh bạch với tất cả học sinh của mình;

-Thứ tư, người giáo viên phải có ý thức tổ chức, kỉ luật cao;

– Và cuối cùng, người giáo viên cần phải biết giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi lại biết bao tấm gương sáng về người thầy như thầy giáo Chu Văn An, thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu… Những thầy giáo có công với cách mạng như thầy giáo Phạm Văn Đồng,thầy giáo Võ Nguyên Giáp và người thầy vĩ đại nhất đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Kế thừa và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ đi trước, ngày nay những người thầy vẫn luôn học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức của một nhà giáo. Thực tế cho thấy, chúng ta dễ dàng bắt gặp những tấm gương người thầy âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình để cứu học sinh trong cơn bão lũ. Và cảm động hơn nữa là đã có không ít những giáo viên đã sẻ chia một phần thu nhập ít ỏi của mình để giúp đỡ những em học sinh nghèo vượt khó. Những thước phim ngắn và bình dị nhưng đẹp đẽ ấy như những ngọn lửa làm bừng sáng cho sự nghiệp vẻ vang của nghề giáo nói chung cũng như chuẩn mực đạo đức của người thầy nói riêng. Các bạn thấy đấy,những người thầy đáng kính không thể cùng đi với học trò của mình trong suốt những chặng đường dài của cả cuộc đời nhưng bằng chính cái tâm của mình, họ đã – đang và sẽ truyền cho bao thế hệ học trò cảm hứng học tập, khơi gợi sự tò mò về kho tàng tri thức, bồi dưỡng tâm hồn để các em không ngừng học tập và tu dưỡng đạo đức trở thành những công dân có ích cho xã hội, “vừa hồng vừa chuyên” như mong muốn của Bác Hồ.

Giáo viên tổ chức hoat động giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm”

Hoạt động trải nghiệm rèn kỹ năng sống cho trẻ

Song, bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay,chúng ta vẫn phải nhắc tới một số những câu chuyện đáng buồn về hiện tượng tiêu cực, đâu đó còn có cá nhân giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, hay còn đó những cụm từ như bệnh thành tích,tiêu cực trong thi cử, nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm thi. Điều đó đã khiến cho không ít nhà giáo chân chính cảm thấy bị tổn thương. Hơn thế, vẫn còn những vụ giáo viên bạo hành, xúc phạm học sinh,.. Tuy chỉ là số ít, rất ít nhưng cũng là hồi chuông báo động rung lên đòi hỏi mỗi nhà giáo phải suy ngẫm, trăn trở.

Việc có được phẩm chất đạo đức nhà giáo đã tốt rồi nhưng việc giữ gìn, bổ sung, hoàn thiện những phẩm chất ấy càng cần thiết và quan trọng hơn. Chính vì vậy,với tư cách là những người thầy, chúng ta hãy chăm chỉ học tập, rèn luyện để có được đầy đủ những phẩm chất, năng lực của nghề trồng người. Hãy thể hiện bản lĩnh, sự trung thực của bản thân, đồng thời ra sức đấu tranh, lên án những hiện tượng tiêu cực để bảo vệ sự trong sáng, cao thượng và danh dự của người thầy. Để làm được điều đó, chúng tôi cũng rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội; cần thường xuyên có những lớp bồi dưỡng định kì về chuyên môn nghiệp vụ; và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục nhằm có những tác động tích cực để mỗi người thầy có ý thức hơn nữa trong việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, kĩ năng ứng xử; có những hình thức khen thưởng, kỉ luật kịp thời cũng như cần có các cuộc thi mang tính cộng đồng để thôi thúc tình đoàn kết, hợp tác, yêu thương của cán bộ, giáo viên.

Sự nỗ lực học tập và rèn luyện không ngừng của người thầy sẽ tạo nên nền tảng vững mạnh cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Mỗi giọt mồ hôi của chúng ta hôm nay sẽ là cơn mưa tắm mát cho học sinh mai sau.Chính chúng ta và biết bao thế hệ học sinh trong tương lai sẽ nắm giữ vận mệnh của đất nước, hơn ai hết, chúng ta phải là những người hiểu rõ nhất về “Chuẩn mực đạo đức của nghề dạy học” để đảm nhiệm trọng trách cao cả: dạy cho lớp lớp các thế hệ học trò biết hướng đến các giá trị chân – thiện – mĩ để trở thành những công dân có ích cho xã hội.