Chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non có nhiều thay đổi từ 2021
Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non có nhiều thay đổi từ 2021 (Ảnh minh họa)
Trước khi tìm hiểu về điểm mới của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, bạn đọc (đặc biệt là những người có công tác liên quan đến quy định này) cần phải xác định lại hạng chức danh nghề nghiệp mới của giáo viên mầm non (do có sự thay đổi về mã số và phân hạng) theo quy định mới.
Dưới đây, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT sẽ tóm tắt sơ lược các điểm mới nổi bật trong nhiệm vụ và tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non theo quy định mới nhất, cụ thể như sau:
1. Thay đổi nhiệm vụ của giáo viên mầm non thuộc hạng I, II, III
– Đối với giáo viên mầm non hạng III (tương đương hạng III và hạng IV theo Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV): Ngoài các nhiệm vụ đang thực hiện, giáo viên mầm non hạng III còn phải chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhóm, lớp được phân công phụ trách; thực hiện công tác giáo dục hòa nhập và quyền trẻ em; đồng thời, giáo viên mầm non phải gương mẫu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em.
– Đối với giáo viên mầm non hạng II (tương đương hạng IItheo Thông tư 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV): Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên mầm non hạng III, phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
+ Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa tại các lớp bồi dưỡng giáo viên mầm non cấp trường trở lên; hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chương trình và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
+ Đề xuất các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ (khối) chuyên môn;
+ Tham gia ban giám khảo các hội thi cấp học mầm non từ cấp trường trở lên;
+ Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như hội đồng tự đánh giá hoặc đoàn đánh giá ngoài; kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).
– Đối với giáo viên mầm non hạng I: Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên mầm non hạng II, phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng giáo viên mầm non cấp huyện trở lên;
+ Tham gia bồi dưỡng hoặc tham mưu, đề xuất hoặc tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắt, chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên mầm non từ cấp trường trở lên;
+ Tham gia ban giám khảo các hội thi của cấp học mầm non từ cấp huyện trở lên;
+ Tham gia hội đồng tự đánh giá hoặc đoàn đánh giá ngoài hoặc kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cấp huyện trở lên.
2. Thêm tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non hạng I, II
Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp đang áp dụng, giáo viên mầm non hạng I, II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Đặc biệt, giáo viên mầm non hạng I còn phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.
3. Nâng cao yêu cầu về trình độ chuẩn giáo viên mầm non theo quy định mới
Theo đó, giáo viên mầm non phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về bằng cấp như sau:
– Giáo viên mầm non hạng III: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên; (đối với vị trí tương đương theo Thông tư 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì có thể tuyển dụng đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm giáo dục mầm non trở lên)
– Giáo viên mầm non hạng II: Có bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và có bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên; (hiện tại theo Thông tư 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì yêu cầu có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm mầm non trở lên)
– Giáo viên mầm non hạng I: Có bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên; hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và có bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên.
4. Bãi bỏ tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên mầm non
Theo quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, các giáo viên mầm non hạng I, hạng II, hạng III đều không yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT và Thông tư 03/2014/TT-BTTTT mà chỉ cần đảm bảo có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên mầm non theo từng hạng và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao” tại tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, những giáo viên mầm non trước đây chưa đủ tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học thì đều không cần phải học để lấy chứng chỉ nữa.
Như vậy, hiện nay, giáo viên mầm non chỉ cần đạt 2 điều kiện về chuẩn trình độ đào tạo, đó là: đảm bảo yêu cầu về bằng cấp và phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng giáo viên mầm non.
Trên đây là một vài điểm mới nổi bật của quy định mới về nhiệm vụ và tiêu chuẩn đối với giáo viên mầm non từ ngày 20/03/2021. Để nhận được thông báo những cập nhật mới về các chính sách, chế độ của viên chức giáo dục và nhiều lĩnh vực pháp lý quan trọng khác, bạn đọc đăng ký Tại đây.