Chữa khản tiếng, mất tiếng | BvNTP

1. Chữa khản tiếng bằng mật ong và chanh 

Chanh chứa nhiều vitamin C có tính kháng khuẩn kết hợp với vitamin E dồi dào trong mật ong vừa giúp chống lại tình trạng viêm nhiễm, vừa có tác dụng làm dịu các niêm mạc, giảm tình trạng tổn thương trong cổ họng nhanh chóng.

Nguyên liệu

1 quả chanh

2- 3 thìa cà phê mật ong

Thực hiện

Bước 1: Chanh rửa sạch, cắt thành những lát mỏng.

Bước 2: Ngâm chanh với mật ong đã chuẩn bị trong 1 – 2 tiếng cho ngấm.

Bước 3: Ngậm chanh trong miệng rồi nuốt nước từ từ xuống cổ họng. Thực hiện 2 – 3 lần mỗi ngày.

 

2. Chữa khản tiếng bằng chanh tươi và muối

Muối có tính sát khuẩn, chữa lành các mô bị kích thích trong thanh quản kết hợp với khả năng chống viêm của chanh sẽ giúp khôi phục thanh quản rất tốt. Chỉ sau vài lần sử dụng, giọng nói của bạn sẽ dần trong trẻo trở lại.

Nguyên liệu

1 quả chanh

2 – 3 thìa cà phê muối sạch

Thực hiện

Bước 1: Chanh rửa sạch, cắt thành những lát mỏng.

Bước 2: Mỗi lần lấy một lát chanh rồi rắc lên bề mặt chút muối trắng.

Bước 3: Ngậm chanh trong vài phút  rồi nuốt nước từ từ xuống cổ họng. Thực hiện 2 – 3 lần mỗi ngày.

 

3. Mẹo chữa khản tiếng bằng quả quất (trái tắc)

Tương tự như chanh, trong quất cũng chứa nhiều tinh dầu và vitamin C giúp kháng khuẩn hiệu quả. 

Nguyên liệu

5 – 6 quả quất

10 thìa cà phê mật ong

Thực hiện

Bước 1: Quất rửa sạch, thái thành những lát mỏng.

Bước 2: Cho quất và mật ong vào bát.

Bước 3: Hấp cách thủy quất và mật ong trong 15 phút.

Bước 4: Ngậm hỗn hợp trong miệng và nuốt nước từ từ. Thực hiện 2 lần mỗi ngày.

4. Cách chữa khản tiếng bằng giá đỗ

Giá đỗ chứa nhiều sắt, vitamin B, C,… giúp tăng cường sức đề kháng và có tác dụng giải độc, giảm tình trạng kích ứng niêm mạc trong thanh quản, nhanh chóng đẩy lùi khàn tiếng.

Nguyên liệu

100g giá đỗ

Thực hiện

Bước 1: Dùng cối giã nát giá đỗ.

Bước 2: Cho giá đỗ vào nồi, đổ thêm 1 lít nước sạch. Đun sôi hỗn hợp trong 5 phút.

Bước 3: Lọc bỏ bã, lấy nước cốt. 

Bước 4: Dùng nước giá đỗ uống nhiều lần trong ngày.

 

5. Chữa khản tiếng bằng lá hẹ

Lá hẹ chứa nhiều saponin, odorin,… có tác dụng như kháng sinh ức chế tụ cầu và một số loại vi khuẩn hiệu quả.

Nguyên liệu

100g lá hẹ

3 -5 thìa cà phê mật ong

Thực hiện

Bước 1: Lá hẹ rửa sạch, cắt khúc 1cm.

Bước 2: Cho lá hẹ và mật ong vào chén, trộn đều.

Bước 3: Hấp cách thủy hỗn hợp trên khoảng 20 – 30 phút.

Bước 4: Chắt nước lá hẹ, uống mỗi lần 2 thìa khi còn nóng. Mỗi ngày uống 3 lần.

 

6. Mẹo chữa khản tiếng bằng gừng

Gừng có tác dụng chống viêm, giảm đau nhanh chóng. Zingiberol, zingiberene trong gừng có tác dụng kích thích lưu thông máu, giúp phục hồi niêm mạc thanh quản nhanh chóng.

Nguyên liệu

1 củ gừng tươi

2 – 3 thìa mật ong

Thực hiện

Bước 1: Gừng rửa sạch, thái lát mỏng.

Bước 2: Cho 3 – 4 lát gừng vào một cốc nước sôi. Đậy kín miệng cốc trong 10 phút đến khi nước chuyển sang màu vàng nhạt.

Bước 3: Thêm mật ong theo khẩu vị rồi nhấm nháp trà gừng từ từ. Thực hiện 3 -4 lần mỗi ngày.

 

Một số phương pháp chữa khản tiếng, mất tiếng khác

Ngoài các mẹo chữa khản tiếng trên, trong Tây y và dân gian còn có rất nhiều phương pháp khác mà bạn có thể tham khảo thêm.

  • Thuốc Tây y điều trị khản tiếng: Thông thường, các bác sĩ thường sẽ kê cho bạn một số loại thuốc như: Thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc tiêu đờm, thuốc chống viêm,…

  • Các bài thuốc Đông y chữa khản tiếng, mất tiếng: Thanh táo cứu phế thang, kha tử thanh âm, gia vị bổ trung ích khí thang, dưỡng kim thang,….

  • Lưu ý khi bị khản tiếng, mất tiếng:

    • Hạn chế nói chuyện nhiều nhất có thể.

    • Uống đủ nước, tối thiểu 2 lít mỗi ngày. Nên uống nước ấm, không uống nước quá nóng hoặc quá lạnh sẽ làm thanh quản tổn thương thêm.

    • Không ngồi trước máy lạnh, quạt quá lâu sẽ làm khô niêm mạc mũi, họng.

    • Không hút thuốc.

    • Hạn chế rượu, bia, caffeine và các chất kích thích.

    • Loại bỏ các yếu tố dị ứng, khói bụi khỏi môi trường sống và làm việc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp