Chùa Tam Chúc ở Kim Bảng, Hà Nam – Phật giáo
Mục Lục
Chùa Tam Chúc ở đâu Hà Nam?
Khu du lịch tâm linh Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Từ thành phố Phủ Lý, theo đường quốc lộ 21 đi khoảng 12 km thì đến Tam Chúc. Nếu Đi từ Hà Nội đi quốc lộ 1A hoặc theo quốc lộ 21B qua Vân Đình – Ứng Hoà sẽ đến khu du lịch Tam Chúc khoảng 60 km.
Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc nằm ở vị trí đặc biệt, là điểm kết nối giữa Khu du lịch Chùa Hương (Hà Nội) với Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình); Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính; Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động (thuộc Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình) tạo thành Quần thể các khu du lịch tâm linh, sinh thái ngập nước nối liền giữa 3 tỉnh thành trong cả nước, tạo thành tour du lịch nổi bật nhất ở miền Bắc Việt Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Sự tích Chùa Tam Chúc
Tương truyền rằng Chùa Tam Chúc gắn liền với truyền thuyết về “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi nằm ở hướng Tây Nam hướng về chùa Hương có 99 ngọn núi. Trong đó có 7 ngọn núi gần với làng Tam Chúc nhất, được dân làng gọi là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”.
Trên 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao tỏa sáng như ánh hào quang. Người người thấy ánh hào quang đó kéo đến núi Thất Tinh đục đẽo, chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày hòng lấy đi 7 ngôi sao. Trong 7 ngôi sao có 4 ngôi sao bị đốt nhiều nên đã mờ dần, chỉ còn lại 3 ngôi sao còn sót lại. Vì thế ngôi chùa “Thất Tinh” sau này được đổi tên thành chùa “Ba Sao” (Chùa Tam Chúc ngày nay).
Tổng quan khu du lịch Tam Chúc
Toàn khu du lịch Tam Chúc có tổng diện tích 5100 ha (trong đó diện tích vùng lõi là 4000 ha).
Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét tuyệt mỹ được kiến tạo nên từ sự sắp đặt của tạo hóa và công sức tôn tạo của con người. Nơi đây được nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi địa thế “tựa sơn hướng thuỷ” (lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ). Nổi bật trên nền thiên nhiên nguyên sơ là những công trình kiến trúc tâm linh với quy mô đồ sộ nhưng lại vô cùng tinh tế và khoáng đạt.
Toàn bộ quần thể Khu Du lịch Tam Chúc có 4 khu chính gồm:
– Khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp phía bờ bắc hồ Tam Chúc): Là nơi đón tiếp, cung cấp thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về các dịch vụ thăm quan, nghỉ dưỡng, mua sắm và các hoạt động biểu diễn văn hoá văn nghệ dân gian.
– Khu Tâm linh (nằm dưới chân núi Thất Tinh và Thung Vạc): Với quần thể các công trình như; chùa Ba Sao, chùa Tam Chúc, chùa Cổ Sao, đền Mẫu, đền thánh Cao Sơn…Đây là nơi diễn ra các hoạt động thăm quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng, tìm hiểu về Đạo Phật và tổ chức các khoá học về Phật học ngắn hạn.
– Khu bảo tồn thiên nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc: Đây là nơi dành cho du khách thăm quan nghiên cứu hệ sinh thái tư nhiên và động vật đặc hữu; thăm quan hồ Tam Chúc, các công trình tôn giáo trong lòng hồ, tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, tam gia các lễ hội và các hoạt động thể thao rèn luyện sức khoẻ.
– Khu chăm sóc sức khoẻ và du lịch cộng đồng (thuộc phía tây nam hồ Tam Chúc): Đây là nơi diễn ra các hoạt động chăm sóc sức khoẻ phục hồi thể lực, điều dưỡng dài ngày, tìm hiểu đời sống, văn hoá, phong tục của người dân địa phương.
Chùa Ba Sao (Tam Chúc cổ tự)
Tương truyền, chùa Ba Sao được khởi dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc – Hậu Thất Tinh”. Tích xưa kể lại, có bảy tiên nữ giáng trần dạo chơi, khi đến vùng đất Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam thấy nơi này phong cảnh hữu tình nên đã lưu lại mà không chịu về trời. Bảy nàng tiên đã hóa thân thành bảy vì tinh tú toạ trên 7 ngọn núi nằm trong dãy 99 ngọn núi hình đầu voi ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương. Bảy ngôi sao lấp lánh suốt đêm ngày, ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn. Vì vậy, dân làng gọi đây là dãy núi Thất Tinh.
Lúc bấy giờ, Hoàng đế nhà Tống nghe kể về bảy vì tinh tú đó, cho rằng nếu huỷ hoại được ánh sáng vi diệu đó sẽ khiến dân An Nam không xuất hiện người tài, càng khuất phục mình, không còn ý nổi loạn nữa nên đã sai người lẻn qua ven dãy núi chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế vùng đất Ba Sao cũng được lấy tên từ tích ấy. Nhân dân địa phương thấy rằng đây là một vùng đất linh thiêng và vô cùng đặc biệt, nên đã chọn vị trí đẹp nhất để dựng chùa, khởi nguyên ngôi chùa được xây dựng bằng tranh tre nứa lá đơn sơ trên lưng chừng núi, mặt hướng ra dãy núi có ba đốm sáng tựa những ngôi sao vì vậy mà nhân dân địa phương vẫn gọi là chùa Tam Tinh.
Dưới thời Lý (1066-1141), Lý Triều Quốc sư – Thiền sư Nguyễn Minh Không đã đi men theo núi từ Ninh Bình đến Mỹ Đức (Hà Nội) tìm cây thuốc cứu dân. Ngài đi đến đâu thấy có hang động đẹp thì lại xây chùa thờ Phật. Khi đến đất Ba Sao, thấy ngôi chùa cổ nằm giữa một vùng núi non sông nước kỳ vĩ, với vẻ đẹp lạ thường, Thiền sư đã dừng chân, hái thuốc hành đạo cứu người, và đổi tên chùa thành chùa Ba Sao, tên gọi chùa Ba Sao vẫn còn cho tới tận ngày hôm nay.
Chùa Tam Chúc (Tam Chúc tân tự)
Quần thể Chùa Tam Chúc mở rộng nằm trên diện tích 47 hecta, nằm ẩn mình trong quần thể núi đá vôi ngập nước hình tay ngai. Chùa được xây dựng theo trục thần đạo, nghĩa là tất cả các công trình chính nằm trên một đường thẳng, còn các công trình kiến trúc phụ được tôn tạo đăng đối hai bên.
Tam Chúc là ngôi chùa rất đặc biệt, dù được thi công bởi rất nhiều thợ thủ công lành nghề đến từ nhiều quốc gia khác nhau, từ nhiều tôn giáo khác nhau gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, Hin đu giáo, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn của kiến trúc chùa cổ Bắc bộ Việt Nam. Quần thể chùa Tam Chúc là sự kết nối khi giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là sự phối hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây dựa trên nền tảng Phật giáo, được thể hiện qua bàn tay tạo tác khéo léo của những nghệ nhân điêu khắc đến từ Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Theo Thượng toạ Thích Minh Quang, Chùa Tam Chúc là biểu tượng của sự đoàn kết và hoà hợp giữa các nền tôn giáo trên toàn thế giới. Chùa Tam Chúc là nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019.
Giờ mở cửa chùa Tam Chúc
Mỗi ngày, chùa Tam Chúc mở cửa và tiếp đón du khách đến 21 giờ. Từ tháng Giêng đến tháng 3 là mùa lẽ hội, vào thời gian này sẽ có rất nhiều hoạt động vui nhộn, hấp dẫn diễn ra.
Thời điểm để du lịch chùa Tam Chúc thích hợp nhất vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, trong thời gian này sen nở, khí hậu mát mẻ để các bạn có thể đi Tham quan khu du lịch Tam Chúc ở Hà Nam được hết toàn bộ các địa điểm.