Chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
TÓM TẮT:
Chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics là nội dung rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã hội nhập khá sâu rộng trong kinh tế quốc tế, song hiện nay, pháp luật còn nhiều bất cập, hạn chế về chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics. Bài viết sau đây sẽ phân tích, đánh giá những điểm tích cực và hạn chế để đưa ra giải pháp cắt giảm những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ logistics tích cực hơn, giảm chi phí, thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường hội nhập trong khu vực và trên thế giới.
Từ khóa: Chủ thể kinh doanh, dịch vụ logistics, pháp luật Việt Nam.
1. Thực trạng quy định về chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics
1.1. Chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics có phải là pháp nhân
Trong lý luận cũng như thực tiễn hiện nay, việc xác định chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics tương đối khó khăn do các quy định, từ luật chung như Bộ Luật dân sự đến pháp luật chuyên ngành đều chưa cụ thể, rõ ràng.
Chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics được quy định tại điều 234 (Luật Thương mại 2005) về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, theo đó “thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp” có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Luật Thương mại 2005: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh”. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2005 định nghĩa về doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh”. Như vậy, các quy định hiện hành thiếu thống nhất, dẫn đến thực tiễn thi hành gặp nhiều vướng mắc. Chúng ta có thể hiểu, mọi doanh nghiệp chắc chắn đều là thương nhân, còn thương nhân có thể chưa chắc đã phải là doanh nghiệp, như hộ kinh doanh, hợp tác xã… Thực tiễn hiện nay, có nhiều thương nhân là hộ gia đình, hợp tác xã có tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ logistic, như vận tải, đóng gói, kiểm đếm…, song có lẽ họ có phải là chủ thể kinh doanh dịch vụ logistic không thì cần phải bàn thêm.
1.2. Điều kiện của chủ thế kinh doanh dịch vụ logistics
Dịch vụ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện này được quy định tại mục 61, phụ lục 4 của Luật Đầu tư năm 2014 và mục 60, phụ lục 4 của Luật Sửa đổi bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics dù là pháp nhân hoặc không phải là pháp nhân vẫn phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh nhất định tại điều 4 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 quy định chi tiết Luật Thương mại 2005 về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics: Thương nhân kinh doanh 16 dịch vụ cụ thể được quy định tại Điều 3 Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó. Nghĩa là thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics ngoài việc phải đáp ứng những điều kiện chung thì còn phải tuân thủ các quy định của luật chuyên ngành. Đây cũng là vấn đề cần phải bàn, vì kinh doanh dịch vụ logistic cũng là một ngành, tạo sự kết nối giữa các dịch vụ theo chuỗi. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay quy định đã không làm rõ được điều này. Ví dụ, khi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic muốn tham gia trực tiếp vào vận tải hàng hóa, thì doanh nghiệp này phải đăng ký ngành nghề vận chuyển và phải đảm bảo các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, như xe ô tô, bến bãi, bộ máy điều hành vận tải, an toàn giao thông… hay pháp nhân đăng ký đại lý hải quan thì phải có chứng chỉ đại lý khai thuê hải quan, điều kiện cấp chứng chỉ theo quy định của cơ quan hải quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, cũng theo Nghị định này, thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật chuyên ngành, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
1.3. Điều kiện đối với chủ thể là nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện cam kết về logistics với Tổ chức Thương mại thế giới và các nước khu vực là điều tất yếu. Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistic và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ lôgistic; theo quy định hiện nay vừa được sửa đổi để phù hợp với thực tế. Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 quy định chi tiết Luật Thương mại 2005 về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đã mở rộng đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp logistics nước ngoài, đồng thời thể hiện sự không phân biệt các loại hình doanh nghiệp và mà tạo ra sân chơi rộng lớn, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam, buộc họ phải nhanh chóng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển cùng với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường logistics Việt Nam và vươn ra môi trường quốc tế.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tùy thuộc vào quy mô và các tính chất khác của dự án, hoặc xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương.
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cần xin chủ trường đầu tư thì thủ tục đăng ký đầu tư sẽ được thực hiện bởi Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đó.
Đối với những dự án không thuộc diện xin chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.
Hiện nay, theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam đã mở cửa thị trường dịch vụ logistics bao gồm: Dịch vụ xếp, dỡ container, dịch vụ thông quan, dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa và các dịch vụ thực hiện thay mặt cho chủ hàng với những quy định hết sức cụ thể. Các dịch vụ cụ thể đều yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam, tỷ lệ vốn góp không quá 49%, 51%, 70% tùy từng dịch vụ và từng mốc thời gian cụ thể cho việc tăng vốn góp trong liên doanh hoặc thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc đáp ứng các điều kiện chung thì nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên tổ chức thương mại thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện quy định tại Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 quy định chi tiết Luật Thương mại 2005 về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó. Đây là một quy định rất mở cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng là để phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam.
2. Những tồn tại, vướng mắc căn bản tại quy định của pháp luật về chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam
2.1. Quy định pháp luật về chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics chưa cụ thể, chưa rõ ràng
Vì dịch vụ logistics vẫn còn mới nên những quy định pháp luật về chủ thể kinh doanh dịch vụ này chưa hoàn thiện một cách rõ ràng, cụ thể. Các quy định về chủ thể xuất phát từ bộ luật gốc là Bộ luật Dân sự, sau đó là các luật chuyên ngành nằm rải rác trong các văn bản như: Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Vì vậy, khi áp dụng rất khó khăn, các chủ thể phải tự tìm hiểu các quy định tại nhiều văn bản, thậm chí là chồng chéo, khó áp dụng. Chủ thể kinh doanh dịch vụ này có bắt buộc phải là pháp nhân hay không thì pháp luật chưa đề cập rõ.
2.2. Các chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics hạn chế về quy mô doanh nghiệp
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và thống kê từ nguồn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại thời điểm năm 2016, số lượng các doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics là khoảng 23.000 doanh nghiệp, trong đó có 3.000 doanh nghiệp có hoạt động logistics quốc tế. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics chủ yếu hoạt động với số vốn đăng ký nhỏ cũng như quy mô lao động hạn chế, hiện có tới 90% số doanh nghiệp dịch vụ có vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Sự hạn chế về quy mô doanh nghiệp là một trong những rào cản khi họ tham gia cung cấp chuỗi cung ứng, hạn chế sự cạnh tranh ngay cả trên thị trường nội địa chứ chưa nói đến thị trường khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam là chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics chỉ đảm bảo thực hiện được một hoặc một vài dịch vụ logistics nhỏ lẻ trong toàn chuỗi, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp nước ngoài, bán cước cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
3. Giải pháp hoàn thiện quy định về chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam
Nhằm thúc đẩy hơn nữa các chủ thể tham gia vào thị trường chuỗi cung ứng logistics, đồng thời tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, pháp luật quy định về chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics cần tập trung thêm các vấn đề sau đây:
3.1. Quy định chủ thế kinh doanh dịch vụ logistics phải là pháp nhân là cần thiết
Tại điều Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về pháp nhân như sau: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Pháp nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận, thể hiện là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Pháp nhân là một tổ chức tập thể gồm nhiều người, được sắp xếp tạo nên một hình thức cụ thể nhằm thực hiện một chức năng nhất định. Pháp nhân có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, thống nhất và có khả năng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của tổ chức đó khi được thành lập. Sự độc lập của tổ chức được coi là pháp nhân giới hạn trong quan hệ dân sự, kinh tế, lao động với chủ thể khác. Pháp nhân không bị chi phối bởi các chủ thể khác khi quyết định các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của tổ chức đó trong phạm vi điều lệ, quyết định thành lập và các định của pháp luật đối với tổ chức đó. Pháp nhân có tài sản riêng. Tài sản riêng của pháp nhân là tài sản thuộc quyền sở hữu của pháp nhân độc lập với tài sản cá nhân là thành viên của pháp nhân. Tài sản đó được thể hiện dưới dạng vốn, các tư liệu sản xuất và các loại tài sản khác phù hợp với từng loại pháp nhân. Trên cơ sở có tài sản riêng, pháp nhân phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Sự độc lập về tài sản và chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của pháp nhân là tiền đề vật chất để một tổ chức tham gia vào quan hệ dân sự như một chủ thể độc lập với tư cách riêng, được hưởng quyền và phải gánh chịu các nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định và phù hợp với điều lệ của pháp nhân.
Logistics là chuỗi hoạt động phức tạp, rủi ro cao. Quy định chủ thể cung cấp dịch vụ là pháp nhân là cần thiết, đảm bảo sự quản lý của nhà nước, phòng ngừa những rủi ro và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động trước đối tác và khách hàng.
3.2. Xem xét bỏ quy định kinh doanh dịch vụ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Hiện nay, để kinh doanh dịch vụ logistics, các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất hai điều kiện kinh doanh, một là điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và hai là điều kiện chung của chuỗi logistics khi bị gọi là ngành nghề kinh doanh. Một số chuyên gia cho rằng bản chất logistics cũng không phải là ngành kinh doanh mang tính chất đặc thù ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe đến con người hay đến anh ninh quốc gia. Logistics là một ngành mang tính chất kinh tế kinh doanh thông thường với các chuỗi hoạt động có mối liên hệ với nhau mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể kinh doanh. Vì vậy, nên bỏ dịch vụ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện này được quy định tại mục 61, phụ lục 4 của Luật Đầu tư năm 2014 và mục 60, phụ lục 4 của Luật Sửa đổi bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Theo đó, cũng nên bỏ phần điều kiện chung mà Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đã quy định tại điều 4, khoản 2: “Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử”. Logistics thực ra không phải là một ngành nghề riêng biệt mà chỉ là một chuỗi hoạt động bao gồm rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến nhiều ngành nghề, như: Vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… Luật Thương mại 2005, điều 233 đã định nghĩa: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàn hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Việc ra kinh doanh có điều kiện với chuỗi ngành nghề này sẽ hạn chế sự phát triển của ngành và sẽ tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh và không tạo được động lực cho các chủ thể tham gia kinh doanh dịch vụ này ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistic và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic;
2. Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;
3. Luật Thương mại 2005;
4. Luật Doanh nghiệp 2005;
5. Luật Đầu tư 2014;
6. Bộ luật Dân sự 2015.
7. Bộ Công Thương – Báo cáo Logistics Việt Nam 2017, Logistics: Từ kế hoạch đến hành động, Nhà xuất bản Công Thương 2017.
BUSINESS SUBJECT OF LOGISTICS SERVICES ACCORDING
TO THE CURRENT VIETNAMESE LAW
● DAO THI CAM
Department of Legal Affairs, Ministry of Industry and Trade
ABSTRACT:
The business subject of logistics services business is a very important content in the legal system of countries, including Vietnam. Although Vietnam has deeply integrated in the international economy, the country’s legal system still has many shortcomings and limitations on the business subject of logistics service business. This article is to analyze and evaluate the positive and limited points to propose solutions to cut business conditions that are no longer appropriate in order to encourage enterprises to participate in more active logistics services business, reduce logistics costs, promote competition and enhance the regional and global integration.
Keywords: Business subjects, logistics services, Vietnamese law.