Chu kỳ sống của sản phẩm và chiến lược marketing từng giai đoạn
Trong kinh doanh, nếu nắm rõ từng giai đoạn thịnh suy của sản phẩm nhà kinh doanh sẽ có nhiều cơ hội chớp thời cơ để tạo ra nhiều bứt phá hơn. Chính vì thế, việc tìm hiểu chu kỳ sống của sản phẩm gần như là điều kiện tất yếu mà nhà kinh doanh cần phải trang bị nếu muốn phát triển bền vững. Vậy chu kỳ sống của sản phẩm là gì? Tất cả sẽ có trong bài viết sau đây.
Mục Lục
1. Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
Trong tiếng anh, cụm từ “Product Life Cycle” dịch ra chính là chu kỳ sống của sản phẩm hay còn được gọi là vòng đời của sản phẩm.
Cụm từ này biểu thị toàn bộ quá trình tồn tại và phát triển của một sản phẩm từ lúc triển khai – phát triển hưng thịnh – bão hoà và cuối cùng là suy thoái.
Chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
Không chỉ thế, chu kỳ sống của sản phẩm còn biểu thị chỉ số tương tác giữa khách hàng và sản phẩm trong từng khoảng thời gian cụ thể tính từ lúc chính thức đưa lên kệ (số lượng tiếp cận, số lượng tiêu thụ, tỷ lệ cạnh tranh….)
Chính vì những thông tin hữu ích mà chu kỳ sống của sản phẩm đưa lại, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đều tiến hành nghiên cứu, dự đoán vòng đời của sản phẩm để đưa ra những chiến lược marketing phù hợp.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết đánh giá ý tưởng sản phẩm
2. Những giai đoạn của chu kỳ sống của sản phẩm là gì?
Thông thường, trên cương vị là người tiêu dùng, chúng ta thường thấy có 3 giai đoạn tiêu biểu và dễ nhận biết nhất của sản phẩm bao gồm: Ra mắt – phủ sóng (tức là thấy sản phẩm ở khắp mọi nơi, mọi gia đình…) – biến mất (ít được nhìn thấy, biến mất hoàn toàn…)
Những giai đoạn của chu kỳ sống của sản phẩm
Tuy nhiên, trong con mắt của người kinh doanh, chu kỳ sống của sản phẩm được chia thành 4 giai đoạn. Thời gian của mỗi giai đoạn không được ấn định con số cụ thể mà phụ thuộc rất nhiều vào tính chất, đặc điểm của sản phẩm đó.
Tựu chung lại, 4 giai đoạn của chu kỳ sống của sản phẩm cụ thể như sau:
2.1 Giai đoạn 1: Ra mắt/ giới thiệu và chính thức đưa sản phẩm lên kệ
Đây chính là giai đoạn doanh nghiệp chuẩn bị khâu hoàn thiện cuối cùng và tiến hành tung sản phẩm ra thị trường. Ở giai đoạn này, hầu hết khách hàng đều chưa biết đến sự tồn tại của sản phẩm.
Bởi vậy, trong giai đoạn 1 việc doanh nghiệp cần làm là quảng cáo thông tin hình ảnh trên các kênh xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua các KOL…để gia tăng độ nhận diện thương hiệu đến với tệp khách hàng trọng tâm.
Có một lưu ý rằng, giai đoạn này càng kết thúc nhanh chóng, sản phẩm sẽ càng sớm được bước sang giai đoạn 2. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược quảng bá sản phẩm và hiệu quả mà các chiến lược này mang lại như thế nào? Từ đó doanh nghiệp mới có thể tiến hành cân nhắc sang giai đoạn tiếp theo.
2.2 Giai đoạn 2: Phủ sóng và tăng trưởng
Sau khi đã kết thúc giai đoạn 1, chu kỳ sống của sản phẩm bước sang giai đoạn thứ 2 được gọi là giai đoạn phủ sóng và tăng trưởng.
Ở giai đoạn này, doanh nghiệp có thể bắt đầu nhìn thấy sự tăng trưởng một cách rõ rệt thông qua kết quả doanh thu. Tại giai đoạn 1, càng nhiều khách hàng biết đến sản phẩm càng tạo nên thành công trong giai đoạn 2 này.
Doanh nghiệp có thể cân nhắc cắt giảm bớt chi phí quảng cáo để tập trung vào chiến lược bán hàng như sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm các đại lý phân phối sản phẩm…
2.3 Giai đoạn 3: Đạt đỉnh và bão hoà thị trường
Trong giai đoạn 3 chu kỳ sống của sản phẩm, chúng ta sẽ không nhìn thấy được sự phát triển vượt bậc như ở giai đoạn 2. Thậm chí, tại một thời điểm nhất định, chúng ta sẽ cảm nhận rõ ràng sự chững lại và các chỉ số có dấu hiệu đi xuống.
Sở dĩ xảy ra điều này là bởi khi khách hàng đã “quen mặt” với sản phẩm của bạn, tệp khách hàng trọng tâm đã khai thác hết, chưa có bước đột phá để thu hút khách hàng mới.
Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ cạnh tranh giữa các sản phẩm trên thị trường tăng cao, nhà kinh doanh muốn duy trì kết quả ổn định bắt buộc phải bỏ ra nhiều khoản chi hơn. Hoặc không, sản phẩm của bạn sẽ rất nhanh bước sang giai đoạn 4: Suy thoái
2.4 Giai đoạn 4: Suy thoái
Không một sản phẩm nào có thể tránh được giai đoạn cuối cùng của chu kỳ sống của sản phẩm đó là suy thoái. Đây cũng là thời điểm chủ doanh nghiệp dễ rơi vào trạng thái bị động nhất.
Ví dụ sản phẩm bị tồn kho quá nhiều, hàng cận date phải cắt lỗ, tệ hơn có thể dẫn đến khủng hoảng và thua lỗ bất cứ lúc nào nếu chủ doanh nghiệp không tìm ra hướng đi mới cho sản phẩm của mình.
Cũng không quá khó hiểu ở giai đoạn này, bởi lẽ thị trường kinh doanh luôn thay đổi từng ngày, mỗi 1 giờ trôi qua thị trường lại có thêm vô vàn sản phẩm cùng loại được “tung ra”. Người tiêu dùng sẽ có thêm rất nhiều lựa chọn, bởi lẽ khi này sản phẩm của bạn không gây được hiệu ứng như ban đầu nữa.
Giai đoạn 4: Suy thoái
Giai đoạn này được coi là giai đoạn vô cùng thử thách, buộc nhà kinh doanh phải có tầm nhìn thức thời, đón đầu xu hướng kinh doanh mới để tiếp tục tạo ra những chu kỳ sống của sản phẩm mới cho doanh nghiệp.
3. Chiến lược marketing phù hợp với từng chu kỳ sống của sản phẩm
Để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong doanh thu, sản xuất và tiêu thụ, nhà kinh doanh cần phải có những chiến lược phù hợp với từng giai đoạn. Bạn có thể tham khảo như sau:
3.1 Giai đoạn 1: Lựa chọn 1 trong 4 chiến lược
- Đưa ra mức giá cao + tiến hành các hoạt động quảng bá với các chiến dịch và thông điệp sản phẩm tương xứng với giá thành để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng.
- Đưa ra mức giá cao + hoạt động quảng cáo, viral thương hiệu diễn ra từ từ, tiếp cận khách hàng chậm rãi.
- Đưa ra mức giá thấp + các hoạt động marketing sôi nổi với mục đích đưa sản phẩm thâm nhập thị trường nhanh chóng.
- Đưa ra mức giá thấp + không dành nhiều chi phí cho các hoạt động marketing, sản phẩm sẽ thâm nhập vào thị trường một cách tự nhiên, từ từ.
3.2 Giai đoạn 2: Đề ra các chiến lược kinh doanh quyết liệt
Khi này, doanh nghiệp cần tập trung đề ra những chiến lược kinh doanh để thúc đẩy doanh thu cũng như duy trì hoạt động.
- Mở rộng kinh doanh tiêu thụ sản phẩm
- Không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm
- Tìm thêm những kênh chất lượng để phân phối và tiêu thụ sản phẩm
- Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh để tham khảo và điều chỉnh giá thành sản phẩm (nếu cần)
- Tập trung tạo dựng uy tín, niềm tin và hình ảnh thương hiệu
3.3 Giai đoạn 3: Thay đổi
Trong 4 chu kỳ sống của sản phẩm thì giai đoạn 3 là giai đoạn buộc doanh nghiệp cần phải tạo ra những thay đổi, những bước đột phá để duy trì tính hiệu quả của sản phẩm.
- Tiếp tục củng cố thương hiệu
- Thay đổi chiến lược marketing: Cho khách hàng thấy sự khác biệt giữa sản phẩm của mình với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
- Đẩy mạnh chăm sóc khách hàng, tổ chức thêm nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng
- Thay đổi về sản phẩm (chất lượng, mẫu mã…)
3.4 Giai đoạn 4: Kết thúc chu kỳ sống của sản phẩm
Trong giai đoạn 4, các chỉ số như doanh thu, lượng khách hàng mới, tỉ lệ quay lại của khách hàng cũ…sẽ sụt giảm một cách rõ rệt. Khi này, doanh nghiệp sẽ cần đưa sản phẩm của mình rút dần khỏi thị trường.
- Nếu cần thiết hãy tiếp tục cải thiện sản phẩm hoặc không bạn có thể giữ nguyên. Điều quan trọng là bạn cần phải biết cân đối sao cho hạn chế tối đa lượng hàng tồn trong kho sau khi doanh nghiệp đã rút sản phẩm.
- Mở ra nhiều đợt khuyến mãi đại hạ giá, thu hồi…với mục đích thanh lý toàn bộ sản phẩm.
- Thu hẹp và dần loại bỏ các điểm, kênh phân phối để giảm thiểu các chi phí duy trì trước đó.
- Lên ý tưởng và kế hoạch cho sản phẩm mới.
4. Tổng kết
Vậy chu kỳ sống của sản phẩm là vòng đời của 1 sản phẩm từ lúc đưa sản phẩm ra thị trường – Tăng trưởng – Bão hoà – Suy thoái.
Chu kỳ sống của sản phẩm được chia thành 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ cần phải có những chiến lược kinh doanh phù hợp để không làm đứt ngắt quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Hy vọng với những thông tin trong bài viết, bạn đã có thêm kiến thức về chu kỳ sống của sản phẩm, những giai đoạn trong chu trình cũng như những chiến lược kinh doanh phù hợp. Chúc các doanh nghiệp kinh doanh thành công với những sản phẩm chất lượng.