Chu kỳ sống của sản phẩm / dịch vụ – Product Life Cycle (PLC)

Cùng với sự phát triển của xã hội và khoa học, công nghệ, nhu cầu và mong muốn của con người luôn biến đổi. Ở những mốc thời gian khác nhau, nhu cầu và mong con người sẽ khác nhau, như một điều tất yếu, các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng những nhu cầu ấy cũng sẽ khác nhau. Chính vì thế, vòng đời (thời gian tồn tại) của một sản phẩm/dịch vụ trên thị trường luôn là hữu hạn. Có những sản phẩm có vòng đời rất dài, những có những sản phẩm khác có vòng đời rất ngắn. Tuy nhiên, tất cả các vòng đời sản phẩm luôn có một điểm chung là trải qua chung 1 chu kỳ với 4 giai đoạn: Thâm nhập, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái.

Trong bài viết này, hãy cùng hocmarketing.org đi sâu vào vấn đề đã nêu trên nhé!

1. Khái niệm về vòng đời sản phẩm – Product Life Cycle (PLC)

Chu kỳ sống (vòng đời) của sản phẩm / dịch vụ – Product Life Cycle (PLC) là gì? – FAQ

Chu kỳ sống của sản phẩm

Chu kỳ sống của sản phẩm là một thuật ngữ trong marketing ám chỉ quá trình biến đổi về giá bán, doanh thu và lợi nhuận của một sản phẩm/dịch vụ, tính từ thời điểm sản phẩm/dịch vụ ấy được tung ra thị trường đến lúc được rút hoàn toàn khỏi thị trường.

Trong một số tài liệu về marketing, chu kỳ sống của sản phẩm được viết tắt là PLC – Product Life Cycle.

2. Các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm

Chu kỳ sống (vòng đời) của sản phẩm / dịch vụ trải mấy giai đoạn?

Như đã nêu ở nội dung mở đầu, chu kỳ sống của một sản phẩm/dịch vụ sẽ phải trải qua tổng cộng 4 giai đoạn: Thâm nhập, tăng trưởng, bão hòa, suy thoái. Để có thể có một cái nhìn rõ hơn về 4 giai đoạn này, chúng ta có thể xem qua biểu đồ dưới đây.

Chu kỳ sống của sản phẩm

Giai đoạn 1: Thâm nhập (Triển khai)

Sau khi hoàn tất quá trình phát triển một sản phẩm mới, sản phẩm/dịch vụ ấy sẽ được doanh nghiệp tung ra thị trường và bắt đầu 1 chu kỳ sống. Giai đoạn đầu tiên của chu kỳ sống chính là “thâm nhập”. Trong hầu hết các trường hợp, phần lớn đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp đều chưa biết đến sự tồn tại của sản phẩm/dịch vụ mới này. Chính vì thế mục tiêu của doanh nghiệp trong giai đoạn này là quảng bá thông tin về sản phẩm, cũng như truyền tải các thông điệp về marketing liên quan đến sản phẩm đến các khách hàng mục tiêu.

Sau một thời gian đưa sản phẩm mới vào thị trường, doanh nghiệp bắt đầu có doanh thu, nhưng khả năng cao, con số ấy sẽ khá thấp và lợi nhuận sẽ ở mức âm. Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng chiến lược giá thâm nhập thị trường với một mức giá ban đầu khá thấp, để sản phẩm được dễ dàng đón nhận hơn.

Một số ít doanh nghiệp khác rất thành công trong giai đoạn này, tiêu biểu là Apple, với những chiến dịch PR rất thông minh trước thời điểm sản phẩm mới được ra mắt. Các sản phẩm mới của những doanh nghiệp này vào thời điểm ra mắt được biết đến và đón nhận rất nồng nhiệt. Doanh nghiệp có thể đạt mức hòa vốn hoặc thu về lợi nhuận trong khoảng thời gian ngắn. Chiến lược giá hớt ván sữa – price skimming, là chiến lược giá thường được áp dụng trong trường hợp này, khi sản phẩm được định giá ở mức cao nhất so với các giai đoạn khác trong chu kỳ, nhằm thu về lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp.

Để giảm thiểu rủi ro, hầu hết các doanh nghiệp trong giai đoạn này đều chọn phương án sản xuất sản phẩm với số lượng vừa đủ và phân phối qua một số kênh chọn lọc.

Mì gói

Các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như mì gói thường có giá rất thấp khi mới tung ra thị trường (chiến lược giá thâm nhập thị trường)

Iphone 11

Ngược lại, các sản phẩm công nghệ thường có mức giá rất cao khi mới được giới thiệu trên thị trường (chiến lược giá hớt ván sữa)

Giai đoạn 2: Tăng trưởng

Dấu hiệu tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận chính là cột mốc ấn định sản phẩm/dịch vụ bắt đầu đi vào giai đoạn “tăng trưởng”. Khi phần lớn khách hàng mục tiêu đã biết đến sự tồn tại của sản phẩm mới, các doanh nghiệp sẽ tiết giảm các chương trình quảng bá rầm rộ trước đó, để tập trung ngân sách vào sản xuất, phân phối và bán hàng.

Đôi khi các doanh nghiệp sẽ tung ra thị trường các phiên bản mở rộng dựa trên sản phẩm gốc để khách hàng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình hơn.

Gia tăng tốc độ sản xuất và mở rộng phân phối là chìa khóa thành công ở giai đoạn này. Bởi lẽ, việc chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ sản phẩm mới của doanh nghiệp bị đánh bại bởi sản phẩm khác của đối thủ và có thể họ đã đi trước một bước trong việc chiếm lĩnh thị phần.

Bên cạnh việt đẩy mạnh bán hàng, chăm sóc khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng để duy trì mức độ ổn định của tốc độ tăng trưởng.

Iphone 11 family

Sau khi ra mắt sản phẩm Iphone 11, Apple đã tung thêm 2 dòng sản phẩm cải biến là Iphone 11 Pro và Iphone 11 Pro max

Giai đoạn 3: Bão hòa

Giai đoạn bão hòa của một sản phẩm/dịch vụ chứng tiến sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng doanh thu, hay nói cách khác, tốc độ tăng trưởng doanh thu bắt đầu có dấu hiệu chậm và chững lại trong giai đoạn này. Lý do cho vấn đề này có thể giải thích bởi một lý do đơn giản, nguồn khách hàng mới là có hạn, và doanh nghiệp đã khai thác gần hết nguồn khách ấy.

Ở thời kỳ này, doanh nghiệp bắt đầu tiết giảm cường độ sản xuất và tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Một trong những yếu tố gây bất lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn này chính là “mức độ cạnh tranh cao”. Sản phẩm của doanh nghiệp có thể vấp phải sự cạnh tranh từ những sản phẩm thay thế khác đến từ đối thủ. Chính vì vậy, để có thể thích ứng với mức độ cạnh tranh ấy, doanh nghiệp cần duy trì chất lượng sản phẩm/dịch vụ thật ổn định, đưa ra thêm các dịch vụ hỗ trợ khác, cũng như tăng cường hoạt động chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, tùy theo mức độ cạnh tranh và chi phí sản xuất, doanh nghiệp có thể cân nhắc giảm giá bán để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm/dịch vụ.

Giai đoạn 4: Suy thoái

Khi doanh thu hàng tháng bắt đầu sụt giảm chính là dấu hiệu cho thấy sản phẩm/dịch vụ đã bước vào gian đoạn suy thoái. Sự sụt giảm ấy đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do sự thay đổi về các yếu tố trong môi trường vĩ mô như môi trường tự nhiên, công nghệ… khiến sản phẩm/dịch vụ ấy mất dần khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp bắt đầu giảm mạnh số lượng sản phẩm sản xuất ra thị trường và bắt đầu quá trình phát triển, nghiên cứu sản phẩm mới.

Việc giảm giá bán là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp có thể thanh lý lượng hàng tồn kho, góp phần tăng thêm nguồn thu và giảm tải chi phí cho doanh nghiệp.

Iphone X, XS max

Đến năm 2020, Apple đã ngừng sản xuất các dòng Iphone của các năm trước (6, 7, X) để tập trung vào sản xuất các dòng sản phẩm mới