Chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát
Đầu năm 2022, đàn lợn hơn 50 con của gia đình anh Triệu Văn Quy, thôn Bản Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình) bị DTLCP buộc phải tiêu hủy. Anh Quy cho biết, cả đàn lợn nái, lợn con, lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng thì bị dịch, tiền thức ăn chăn nuôi cho mỗi con hết khoảng 1,5 triệu đồng. Việc tiêu hủy hơn 50 con lợn khiến gia đình mất trắng khoảng 250 triệu đồng. Hiện nay, được sự hướng dẫn của cơ quan thú y, anh đã bắt tay vào việc tái đàn nhưng với số lượng dè dặt vì phải mua giống từ bên ngoài.
Trang trại lợn của bà Tạ Thị Kiều, thôn Đồng Tậu, xã Lương Thiện (Sơn Dương) từ năm 2021 đến nay luôn duy trì trên 200 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Do chủ động làm tốt công tác phòng chống DTLCP nên đàn lợn của gia đình không bị ảnh hưởng. Bà Kiều chia sẻ, với những hộ chăn nuôi lớn như gia đình bà, chỉ một chút chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Công tác phòng chống dịch được gia đình thực hiện rất chặt chẽ, chuồng trại được phun khử khuẩn thường xuyên, hạn chế người ngoài ra vào trại.
Ông Vương Văn Thượng, thôn Phục Hưng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) thường xuyên
vệ sinh khử trùng chuồng trại cho đàn lợn.
Không chỉ với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng dần ý thức hơn về công tác phòng, chống DTLCP. Ông Vương Văn Thượng, thôn Phục Hưng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) cho biết, để đảm bảo đàn lợn hơn 10 con khỏe mạnh, tránh những yếu tố dịch bệnh, theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, gia đình ông chủ động từ con giống cho đến hệ thống chăn nuôi khép kín, tuân thủ đảm bảo các vấn đề tiêm phòng, khử trùng, tiêu độc sát khuẩn chuồng trại để phòng bệnh dịch. Do đó, nhiều năm nay đàn lợn của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh không bị dịch bệnh nào.
Ông Nông Văn Thuật, nhân viên Thú y xã Lương Thiện cho biết, hiện, đàn lợn của xã có gần 1.300 con. Sau mấy năm DTLCP bùng phát mạnh, người dân trong xã đã quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi đã chủ động tiêm phòng cho đàn lợn, tổng vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại trước khi tái đàn. Con giống cũng chọn ở những khu vực không có dịch để đảm bảo an toàn. Mặc dù từ đầu năm 2021 đến nay, toàn xã không có ổ DTLCP nhưng trước nguy cơ xâm nhiễm, tái phát và lây lan bệnh dịch, UBND xã đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi không được chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của thú y về vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, tiêm phòng cho đàn lợn; kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; kiểm soát nguồn thức ăn để ngăn ngừa dịch lây lan từ bên ngoài vào chuồng trại. Khi tái đàn, tăng đàn, con giống phải được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh việc mua lợn giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng…
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, tính đến tháng 5-2022, DTLCP tái phát tại 41 hộ ở 21 thôn của 14 xã thuộc 7/7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Số lợn tiêu hủy là 505 con, trọng lượng 21.746 kg. Thực tế thời gian qua cho thấy, sự lơ là, chủ quan, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh DTLCP nói riêng của người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển lợn là một trong những nguyên nhân căn bản làm bùng phát, tái phát dịch bệnh trên địa bàn.
Mặc dù đến nay, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đã công bố hết DTLCP. Tuy nhiên, để kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống truyền thanh các cấp về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ tái phát và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi nắm vững, khi có lợn ốm, chết chủ động khai báo dịch, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn; rà soát, thống kê, nắm rõ số lượng các hộ chăn nuôi lợn, số lượng từng loại lợn trên địa bàn quản lý; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện, tuyệt đối không để lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, báo cáo chậm, giấu dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường…