Chống người thi hành công vụ bị xử lý thế nào?
–
Thứ năm, 19/05/2022 14:00 (GMT+7)
Bạn đọc có email [email protected] gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Xin hỏi, hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử lý như thế nào?
Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:
Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hành vi chống người thi hành công vụ như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Khoản 2, 3, 4 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ như sau:
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;
b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này
Như vậy, hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử lý theo các quy định nêu trên.
Tư vấn pháp luật
Hãy gọi đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi:
[email protected] để được trả lời.
Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe