Chọn tên miền cho blog thế nào để người đọc dễ nhớ và không “đụng hàng”?
Nhiều người nghĩ chọn tên miền cho blog là chuyện dễ dàng nhưng thực tế lại rất khó khăn và nhiều áp lực. Tên miền chính là cách để người ta nhớ đến bạn và giúp bạn thể hiện công việc đang làm. Tên miền còn là chính bạn và là nơi bạn kết nối với thế giới thông qua internet.
Việc lựa chọn tên miền cũng không dừng lại ở một cái tên, vì chúng ta cần phải kiểm tra tính khả dụng của tên miền đó trước khi mua, tức là xem đã có ai sử dụng tên miền đó hay chưa. Nếu đã có người dùng, bạn cần phải tìm một tên miền mới. Tôi biết, bạn sẽ không vui vẻ gì khi thấy cái tên mình vất vả suy nghĩ đã có người khác sử dụng trước.
Nhưng bạn đừng lo lắng. Vì tôi ở đây để giúp bạn giải quyết vấn đề chọn tên miền sao cho dễ dàng và không bị đụng hàng. Sau đó, bạn có thể an tâm viết blog và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Làm thế nào để chọn tên miền phù hợp và độc đáo cho blog?
Nguồn: Freepik
Nếu bạn đọc hết bài viết này, hãy chỉ nhớ một điều rằng: tên miền tốt nhất là tên miền dễ nhớ và dễ viết nhất.
Chúng ta đang sống trong thời đại bội thực nội dung. Thông tin từ mạng xã hội được sản xuất liên tục và không có điểm dừng. Hộp thư đến không ở trạng thái số 0 quá lâu. Một lượng lớn nội dung được tạo ra liên tục mỗi tháng và thật công bằng khi nói rằng, người dùng internet bây giờ đang ở trạng thái bội thực thông tin.
Vì vậy, bạn nên lựa chọn tên miền dễ nhớ.
Nếu bạn muốn người khác đến blog của mình và quay trở lại nhiều lần để đọc thêm nội dung mới, bạn cần phải giúp họ nhớ tên miền để trực tiếp gõ trên trình duyệt.
Bên cạnh đó, tên miền cũng cần dễ hiểu và dễ viết.
Nếu bạn giới thiệu blog của mình cho ai đó với tên miền dễ hiểu, họ sẽ lập tức gõ đường link trên thanh tìm kiếm. Nếu họ nghe xong nhưng ậm ừ vì khó hiểu hoặc khó viết, họ sẽ không bao giờ nhớ để truy cập blog của bạn.
Ví dụ như một blog có tên miền là The-Blogsmith.com. Cái tên khó nhớ và khó viết như vậy, độc giả thường có xu hướng bỏ qua ngay. Thay vào đó, bạn có thể biến đổi tên miền này thành blogsmith.com hoặc theblogsmith.com… thì người đọc sẽ dễ nhớ hơn.
Dưới đây là một số gợi ý bạn có thể cân nhắc khi chọn tên miền sao cho dễ nhớ mà vẫn độc đáo:
Sử dụng tên của bạn
Khi lựa chọn tên cho blog, việc sử dụng tên của bạn là một ý tưởng không nên bỏ qua và tránh được vấn đề bị trùng lặp, giúp người đọc nhớ lâu hơn. Ví dụ hanhtrang.co, lethingocquyen.com…
Bạn muốn kiểm tra tên mình có khả dụng hay không? Gõ tên miền bạn mới chọn vào đây để kiểm tra.
Khi bạn chia sẻ đường link blog sử dụng tên của mình lên mạng xã hội hoặc thậm chí với bạn bè, họ sẽ dễ nhớ đến blog của bạn vì tên miền này khá đơn giản.
Tuy nhiên, bất cứ điều gì cũng đều có ngoại lệ. Nếu tên bạn khó đọc, khó nhớ hoặc quá đại trà thì hãy cân nhắc khi sử dụng phương pháp này. Hoặc bạn tiếp tục đọc những phương án phía dưới để có thêm lựa chọn.
Sử dụng nickname
Một ví dụ về một blogger khá nổi tiếng đã sử dụng cách này: ryrob.com. Ryan Robinson, chủ nhân của blog, đã chọn tên miền này vì khi anh còn là sinh viên, bạn bè hay gọi anh ấy là “Ry Rob”. Từ đó, cái tên đã gắn bó với anh cho đến khi trở nên nổi tiếng như bây giờ. Hoặc như blog cá nhân của tôi, sử dụng tên MaoTruc – bút danh khi làm nghề viết – để đặt tên miền cho blog (maotruc.com).
Tên của bạn + tên đệm
Ví dụ như benlcollins.com. Ben Collins là chuyên gia phát triển Google và là người dạy các khóa học trực tuyến về Google Sheets. Vì họ và tên của mình khá phổ biến nên anh đã sử dụng tên lót. Một ví dụ khác, Hạnh Trang – một cây viết về sức khỏe, cũng sử dụng tên và tên lót cho blog cá nhân: hanhtrang.co.
Tên của bạn + những gì bạn làm
Nguồn: Freepik
Caroline Winn là một nhiếp ảnh gia chụp hình cưới có website tên carolinewinnphotograpy.com. Qua tên miền, bạn sẽ biết được công việc của cô ấy đang làm là gì.
Trường hợp khác là hanhnguyenwriter.com. Chủ website là chị Hạnh, một cây viết tự do toàn thời gian. Chị đã sử dụng tên và công việc viết lách để tạo tên miền cho blog cá nhân.
Google sẽ không phạt nếu bạn dùng gạch ngang để ngăn cách giữa các chữ. Đây là ví dụ của một người đã lựa chọn phương pháp này: kimberly-palmer.com. Kim Palmer là một nhà văn chuyên viết về tài chính cá nhân. Dấu gạch nối trong đường link làm cho tên miền của cô dễ đọc và không bị trùng.
Một lợi ích của việc sử dụng tên mình để làm tên miền cho blog cá nhân là bạn vẫn có thể sử dụng nó ngay cả khi muốn đổi sang nghề khác hoặc hướng đi khác. Ví dụ, bây giờ bạn chọn hướng chia sẻ trải nghiệm đi du lịch, nhưng vài năm nữa bạn muốn chuyển sang lĩnh vực tư vấn truyền thông. Khi đó, hướng đi mới sẽ không còn hợp với tên miền của bạn nữa. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước mua.
Ngoài ra, việc chọn tên miền là tên của bạn hoặc biến thể của tên cũng là cách giúp bạn quảng bá thương hiệu cá nhân. Người ta sẽ nhớ đến bạn, biết bạn là ai mỗi khi truy cập vào blog.
Tóm lại, nếu bạn không chắc chắn về nghề mình sẽ làm trong tương lai hoặc chưa tìm được thị trường ngách muốn theo đuổi, việc lựa chọn tên miền bằng tên của bạn là một lựa chọn an toàn.
Sử dụng tên doanh nghiệp của bạn
Việc sử dụng tên doanh nghiệp để làm tên miền cũng là một ý tưởng hay. Nhưng không phải lúc nào tên doanh nghiệp của bạn cũng khả dụng. Trong trường hợp nó đã bị người khác mua mất, bạn phải làm sao?
Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn biến đổi tên miền phù hợp với tên doanh nghiệp của bạn:
-
Kết hợp tên của bạn vào tên doanh nghiệp (ví dụ: MaddCopy)
-
Từ đồng nghĩa của các từ riêng lẻ tạo nên tên doanh nghiệp
-
Sử dụng ngôn ngữ khác (nếu có liên quan đến tên doanh nghiệp)
-
Sử dụng từ chỉ lĩnh vực hoạt động hoặc sản phẩm kết hợp với tên doanh nghiệp để mọi người biết họ đang ở đúng nơi họ muốn đến. Ví dụ mubaohiemandes.vn là sự kết hợp giữa mũ bảo hiểm (sản phẩm) và andes (tên thương hiệu)
-
Chơi chữ (Ví dụ: Groupon là rút ngắn thành gr.pn)
-
Sử dụng dấu gạch ngang giữa họ và tên của bạn (hoặc các từ trong doanh nghiệp của bạn)
-
Thêm mạo từ “the” vào tên doanh nghiệp nếu bạn sử dụng tiếng anh
-
Sử dụng các tính từ hoặc từ ngữ mạnh mẽ (power word)
Nếu bạn sử dụng đuôi .org, .net thay vì .com thì sao?
Nếu bạn không muốn sử dụng đường link có đuôi .com, bạn có thể dùng .org, .co hoặc .net. Nhưng có một số bất tiện khi bạn sử dụng .org, .co hoặc .net là:
Nhiều người cho rằng tất cả link website đều kết thúc là .com
Giả sử độc giả có thể nhớ tên bạn và nhập chính xác tên nhưng thay vì thêm .org, .co hoặc .net, họ kết thúc bằng .com. Khi đó, trang tìm kiếm sẽ đưa họ đến trang web khác thay vì blog của bạn. Như tôi đã nói ở trên về tầm quan trọng của việc tìm kiếm tên miền dễ nhớ, bạn sử dụng đuôi lạ sẽ khiến độc giả cảm thấy lúng túng, dẫn đến nhớ sai.
Đuôi .com dễ tăng khả năng xuất hiện trên trang tìm kiếm Google
Điều này một phần do đuôi .com tạo được sự tin cậy đối với Google. (.Edu và .gov cũng vậy, nhưng bạn có thể khó chọn cho doanh nghiệp của mình trừ khi liên kết với một tổ chức giáo dục hoặc tổ chức chính phủ.)
Nếu bạn xuất hiện ở vị trí cao trong trang tìm kiếm của Google, khách hàng có thể tìm thấy bạn dễ dàng hơn và bạn sẽ thu hút được nhiều lượng truy cập hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn không muốn lựa chọn đuôi .com cho blog (do không thích hoặc đã có người mua), bạn vẫn có thể chọn .org, .net. Vì hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng đuôi khác ngoài .com cho trang web của mình.
Hy vọng, bài viết này giúp bạn bớt đau đầu hơn trong việc chọn tên cho đứa con tinh thần sắp chào đời. Cuối cùng, bạn chỉ cần nhớ 1 điều này: tên miền tốt nhất là tên miền dễ nhớ và dễ viết nhất.
Thông tin dịch từ: How to Choose a Domain Name for Your Blog (thewritelife.com)