Chọn hướng tuyến cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Yếu tố đảm bảo kỹ thuật là ưu tiên số 1
Chọn hướng tuyến cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Yếu tố đảm bảo kỹ thuật là ưu tiên số 1
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải đặt hướng tuyến sao cho đảm bảo tốc độ thiết kế 350km/h và tốc độ khai thác 320km/h. Do đó, các yếu tố về hình học để đảm bảo kỹ thuật là ưu tiên số 1 để lựa chọn hướng tuyến.
Các địa phương dự kiến dự án đi qua
Xác định từng tọa độ để chọn hướng tuyến
Liên danh tư vấn TEDI- TRICC- TEDIS đang triển khai gói thầu tư vấn xây dựng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Thạc sỹ Phạm Hữu Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TCty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, báo cáo tiền khả thi sẽ phải hoàn thành vào cuối năm nay. Sau khi hoàn thành, đơn vị tư vấn sẽ trình Hội đồng thẩm định của Chính phủ. Sau đó, sang năm, Chính phủ sẽ trình Quốc hội.
Trong lúc chờ báo cáo tiền khả thi hoàn thành, điều mà dư luận quan tâm lúc này là cách chọn hướng tuyến cho đường sắt cao tốc. Theo ông Sơn, đây là khâu rất quan trọng, được lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Theo đó, Tổng Giám đốc TEDI cho biết, hướng tuyến nếu nhìn trên bản đồ sẽ không nói lên điều gì, Bộ GTVT đang yêu cầu phải khống chế từng tọa độ, làm việc với từng địa phương để xác định chi tiết hướng tuyến. “Do đó, thông tin cho rằng đoạn này đi sát biển, đoạn kia qua rừng núi là chủ quan, chưa chính xác”, ông Sơn nói.
Ông Sơn phân tích, việc xác định hướng tuyến quan trọng nhất là để làm sao đáp ứng được kỹ thuật khắt khe cho tàu cao tốc. Phải đặt hướng tuyến làm sao để đảm bảo tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h. Do đó, các yếu tố về hình học được ưu tiên hàng đầu, đó là ưu tiên số 1. “Nếu trong đường bộ cao tốc thì yếu tố hình học chỉ là ưu tiên số 2 thì đường sắt, yếu tố hình học rất quan trọng, là ưu tiên số 1”, ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng hướng tuyến sát biển hay không không quan trọng bằng việc đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đặt ra.
Theo ông Sơn, đường sắt cao tốc phải làm sao có hướng tuyến bằng phẳng và thẳng nhất, không có chuyện dốc ngược lên hoặc đột ngột rẽ hướng trái, phải. Lãnh đạo đơn vị tư vấn cho biết, ngoài ra, việc chọn hướng tuyến còn phải hạn chế đi qua khu dân cư, nhằm giảm thiểu chi phí giải phóng mặt bằng. Hướng tuyến cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển công nghiệp, giao thông, đô thị sau này ở các địa phương có đường sắt đi qua. “Xác định hướng tuyến không thể vuốt tay mà kẻ được; phải khống chế các điểm rất kỹ”, lãnh đạo đơn vị tư vấn tiền khả thi của dự án nói.
Sẽ thu hồi bao nhiêu đất?
Do mức độ quan trọng của việc xác định hướng tuyến, nên mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đến làm việc với hàng loạt địa phương dự kiến có đường sắt đi qua. Trước đó, đơn vị tư vấn đã đến các địa phương này khảo sát quy hoạch, lựa chọn hướng tuyến. Được biết, sau khi Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm việc với các địa phương xong, ông tiếp tục yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp với địa phương, thống nhất lại tọa độ, các điểm dự án sẽ đi qua rồi mới “chốt” lại phương án cuối cùng. “Do đó, ai đó nói hướng tuyến sẽ ra biển hay vào trong thì là chủ quan, chưa có văn bản chính thức công bố. Các nghiên cứu trước đây đã làm rồi giờ cũng chỉ để tham khảo”, lãnh đạo đơn vị tư vấn nói.
Dự kiến, chiều dài tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam là 1.542km, diện tích chiếm dụng đất rộng khoảng 50m, gồm đường sắt và hành lang bảo vệ. Như vậy, tính sơ, riêng diện tích đất thu hồi để thực hiện các hạng mục trên ít nhất đã là 77,1 triệu m2. Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc TEDI, dự án còn cần rất nhiều quỹ đất khác để thực hiện khoảng 23 nhà ga, khu kỹ thuật giữa các ga… “Nói như vậy để thấy, còn cần nhiều quỹ đất khác, không chỉ quỹ đất cho đường sắt đi qua và hành lang hai bên. Do đó, hiện giờ chưa ước tính được số đất sẽ thu hồi, chỉ biết là rất lớn”, lãnh đạo TEDI cho biết.
Tổng giám đốc TEDI cho biết thêm, đơn vị đang tính toán, nghiên cứu diện tích đất sẽ thu hồi để phục vụ dự án; sẽ chia ra từng loại đất khác nhau, gồm đất rừng, đất phòng hộ, đất nông nghiệp… của từng tỉnh.
Được biết, giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi của dự án có sự tham gia của một số DN Nhật Bản. Theo đó, Liên danh tư vấn Việt Nhật (VJC) Lập Báo cáo đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu, lập dự án cho các đoạn Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang.
Dự kiến chia thành 4 giai đoạn
Theo Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam, đến năm 2020, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ được nghiên cứu phương án xây dựng mới, đường đôi khổ 1.435 mm; trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP HCM như các đoạn Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang.
Toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến được chia thành 4 đoạn, bao gồm đoạn Hà Nội – Vinh (282 km); đoạn Vinh – Đà Nẵng (432 km); đoạn Đà Nẵng – Nha Trang (472km); đoạn Nha Trang – TP HCM (363 km).
Nguồn: BPL