Chợ truyền thống ở đô thị

Theo số liệu của Nielsen năm 2020, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm. Để so sánh, tổng giá trị thị trường xe hơi của Việt Nam trong năm 2021 là vào khoảng 6 tỉ USD. Dù thế, chúng ta chưa biết gì nhiều về giá trị kinh tế, vai trò lịch sử của mạng lưới thương mại truyền thống rộng khắp này.

“Bà gọt cho quả bí này mang về nấu luôn. Này, nhà cháu ở chung cư phía trước mặt đây phải không? Con bà cũng đang dọn dẹp ở tòa Sunshine đấy, hết ca làm nó còn đi giúp việc theo giờ, cuối tuần cũng đi dọn dẹp nên kiếm ra lắm. Đất của ông bà để lại, bà lại chia cho hai vợ chồng làm nhà ở rồi, cứ lo làm ăn thôi, chẳng phải suy nghĩ gì.

Thế cháu người ở đâu? Yên Bái à? Con dâu bà người miền núi đấy, chăm chỉ đáo để”.

Trong thời gian nạo quả bí nhỏ chỉ một phút, tôi đã kịp biết về gia cảnh của bà cụ bán rau trước đường vào chùa làng Nhật Tảo, kịp liên tưởng về nếp nhà của bà trong làng, nhiều hơn cả những gì tôi biết về người hàng xóm nơi chung cư mình đang ở gần nửa năm.

Bước ra khỏi tòa chung cư 40 tầng hiện đại và lạnh lùng, nơi không có/không biết tới lịch sử, chỉ vài trăm mét, vào chợ Nhật Tảo đã là một không gian có nhịp đập hoàn toàn khác.

Hiếm có không gian nào khiến người ta cởi mở được như ở chợ, nhiều thông tin như ở chợ, lắng nghe được nhịp sống nhiều như ở chợ. Cũng hiếm không gian nào thầm dung chứa những phận người, lặng lẽ như một nhân vật bên lề chứng kiến những đổi thay của làng mạc, của xã hội như chợ.

Trong bóng chiều, bà cụ quảy gánh đứng lên đi vào làng. Có lẽ đã cả nghìn năm từ khi lập ngôi làng bên bờ sông Hồng này, khoảnh khắc bóng dáng những người đàn bà quảy gánh đi về nhỏ dần nhỏ dần trong ngõ làng vẫn không đổi.

Chợ Nhật Tảo, cũng như phần lớn chợ truyền thống (cũng phần lớn là nhỏ, lẻ) là của đàn bà, những người cóp nhặt khi quả bí, mớ rau, quả trứng, con gà mang ra chợ, ai “chuyên nghiệp” hơn thì tranh thủ làm hàng xáo, hàng xay, bánh bún bán mỗi phiên.

Nhiều lần đi chợ, từ Bắc chí Trung, Nam, từ chợ Đồng Văn trên những dãy núi cheo leo nơi địa đầu Tổ quốc đến chợ Cái Răng, Cái Khế ven sông Hậu, tôi đều gặp những cảnh tranh bán tranh mua giữa những người đàn bà, gặp những bóng đổ ra về khi chợ tan của họ. Tôi đều nghe giới thiệu về sản vật đậm phong vị vùng miền, ngọn rau bò khai, giọt mật ong bạc hà miền núi đá cho đến những hạt xôi sầu riêng dẻo thơm, trái nhãn tiêu da bò từ những người phụ nữ ở chợ.

Chợ truyền thống ở đô thị - Ảnh 3.

Chợ rau Bà Chiểu, Sài Gòn, tranh trích trong cuốn Ký họa về Đông Dương: Nam Kỳ, 2015, tr.22. Thư viện Anh quốc, OIJ.915.97 – Ảnh: Tư liệu của tác giả

Chưa thấy có một con số thống kê nào về những người chạy chợ, nhưng quan sát hằng ngày cũng đủ cho ta thấy chợ là không gian đặc thù của nữ giới. Gần đây, khảo cứu dân tộc học “Sống đời ở chợ” (NXB Hội Nhà Văn, 2017) của Nguyễn Mạnh Tiến về giới tính những người bán hàng ở một loạt chợ ven Hà Nội đều cho thấy hơn 95%, thậm chí có nhiều phiên 100% là nữ.

Đông đảo nhất là độ tuổi trung niên (30-55), sau đó tới người già (trên 55) và độ tuổi thanh niên (15-30) ít nhất. Ở các chợ quy mô lớn, chợ đầu mối, bán buôn, nam giới tham gia phụ giúp vợ hoặc đứng bán hàng nhiều hơn.

Nhưng thực ra trong số khoảng 8.500 chợ (thống kê của Bộ Công thương) trong cả nước, thì 86% là chợ hạng 3 (chợ nhỏ, chưa xây dựng kiên cố, bán kiên cố, chủ yếu phục vụ dân trong xã, phường), nơi đàn ông ít khi tham gia buôn bán.

Vì thế ở đây chúng ta bắt gặp nghịch lý. Người phụ nữ chạy chợ đang gánh gồng lo toan vun vén cho gia đình nhưng vẫn bị coi là thứ lo toan tủn mủn, gắn liền với tính khí chao chát eo xèo của đàn bà. Trên bình diện xã hội, phụ nữ đang nắm trong tay khả năng chi phối mạng lưới thương mại truyền thống, nhỏ li ti nhưng là huyết mạch của đời sống từ làng tới đô thị, kết nối khắp cả nước.

Phụ nữ là mắt xích trọng yếu duy trì nhịp cầu cung ứng hàng hóa. Ngay cả ở thời hiện đại, chợ truyền thống vẫn đang đảm nhiệm 70% hàng hóa, bữa ăn ở đô thị (và tới 90% ở những vùng nông thôn), nhưng vẫn bị coi là làm điều kém sang, đôi khi là “hèn kém” – như nghĩa của từ mắng nhau “đồ chợ búa”.

Mặc cho xã hội và nhiều nam giới không thừa nhận mạng lưới thương mại đậm tính nữ, mặc cho lịch sử không ghi nhận đàn bà có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc xây dựng không gian thương mại, mặc cho chợ chưa từng được đứng ở vị thế ngang hàng với các không gian văn hóa xã hội khác, chợ vẫn cởi mở và dung chứa, vẫn âm thầm ghi dấu những đổi thay của lịch sử.

Chưa có một không gian nào có sức giãn nở, linh hoạt như chợ. Đa số chỉ có các chợ lớn mới được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, còn các chợ nhỏ không cần tới hạ tầng hoàn chỉnh, chợ (nhất là chợ tự phát) còn “thâu nạp” luôn cả những không gian vỉa hè, cổng chùa, cổng trường, cổng viện, gầm cầu… Thậm chí, kiểu chợ linh hoạt nhất là sau khi người chạy chợ hết phiên chưa bán xong, lại mang gánh hàng rong đi khắp nẻo thành phố.

Cũng không nơi nào đủ sức dung chứa như chợ, không chỉ là mạng lưới thương mại, sự sung túc cho những người bán hàng chuyên nghiệp, những người buôn thúng bán mẹt, nó còn cưu mang cả những phận người “đầu đường, xó chợ”.

Tư duy giãn nở chợ kiểu này vẫn được đánh giá là tùy tiện, manh mún tiểu nông. Nhưng hãy xem chợ manh mún tiểu nông ấy phục vụ ai? Cơ bản là dân nghèo thành thị, hoặc những người di cư từ nông thôn vào đô thị. Họ vốn không đủ khả năng với tới những cửa hàng, siêu thị hiện đại, tiện lợi và sang trọng, thường nằm ngoài tất cả các quy hoạch hạ tầng dịch vụ ở đô thị.

Chợ còn là một bể thông tin dân gian, một “mạng xã hội” sôi động nhất, tự nó lưu lại một lịch sử truyền miệng, những câu chuyện kể không hề có trong bất kỳ định chế xã hội nào khác. Chợ ghi nhớ lại các dòng sự kiện chính thức khác với lịch sử chính thống, bằng cái đói, no của từng người cụ thể, bằng những biến động gần gũi nhất với cộng đồng của khu chợ đó.

Chẳng hạn như qua đại dịch COVID-19, lịch sử chính thống và các văn bản hành chính sẽ lưu lại chủ yếu các quyết sách chính trị lớn, đóng hoặc mở cửa các thành phố, các chợ đầu mối, chợ dân sinh nhằm kiểm soát dịch bệnh. Nhưng chợ không “ghi nhớ” như vậy, ký ức của chợ là những đợt tăng giá trứng, tăng giá rau, những lần đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa.

Chợ còn ghi nhớ bằng những phận đời gắn liền với chợ, người ở chợ tự lưu lại ký ức về những quyết sách chưa được đánh giá hết vai trò của chợ truyền thống, sự tự tin (quá mức) vào vai trò của hệ thống siêu thị hiện đại.

Mặc dù có một lịch sử lâu đời, là một thiết chế trụ cột trong dòng chảy văn hóa lịch sử Việt Nam, chợ không được nhắc đến nhiều, hầu như ít được quan tâm tương xứng với những gì mà nó thâu nạp, dung chứa. Phần lớn những ghi chép về chợ đến nay đều rải rác ở một số văn bia, lác đác trong các ghi chép về lịch sử làng xã hoặc các ghi chép về phong tục.

Chúng ta chưa có những khảo cứu về lịch sử hình thành các mạng lưới chợ, vai trò của các mạng lưới này lớn tới mức nào trong đời sống xã hội, những biến động lớn của đời sống kinh tế xã hội có sự tham góp của chợ như thế nào. Ngay cả những tìm hiểu về vai trò của chợ truyền thống trong nền kinh tế thị trường hiện đại cũng còn sơ sài, ít ỏi.

Trong lúc đó thì chợ truyền thống ở thành phố đang đứng trước xu hướng thu hẹp, dần nhường đất diễn cho các siêu thị, cửa hàng hiện đại. Trong quy hoạch đô thị, từ góc nhìn của nhà quản lý, người ta thấy nhiều điểm bất lợi của mô hình chợ truyền thống: buôn bán nhỏ lẻ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mất mỹ quan…

Nhưng cho đến nay, với “tệp người lao động” và “tệp khách hàng” truyền thống của chợ, là bình dân thành thị, thì cái gì có thể thay thế được chợ? Chợ tạo ra công ăn việc làm cho không biết bao nhiêu người, chủ yếu là nữ giới, gấp nhiều lần so với siêu thị. Chợ vẫn là nơi những người phụ nữ nghèo thành thị khéo thu vén tìm được con cá, mớ rau tươi, trong một bối cảnh lương tối thiểu không đủ sống tối thiểu.

Tới đây chợ truyền thống ở các đô thị sẽ tiếp tục phát triển như thế nào vẫn là một câu hỏi. Bài toán hiện đại hóa chợ thực ra phải đặt trong bài toán tổng thể của đô thị hóa nói chung. Chúng ta mong muốn một đô thị sạch sẽ hiện đại hơn, nhưng không được quyền bỏ quên những người dân quê cũng đang dấn bước vào đô thị, trở thành dân nghèo thành thị và vẫn cần tới chợ.

Theo trí nhớ và hiểu biết của người viết, siêu thị đúng nghĩa đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất ra đời vào năm 1997 – góc ngã ba Vũng Tàu với cái tên Tây: Siêu thị Cora. Lần đầu tiên người Việt Nam được đứng trong một không gian tràn ngập hàng hóa, sáng choang và mát lạnh.

Trong ký ức người dân Đông Nam Bộ thời đấy có hình ảnh chờ đợi rất lâu mới chen chân được vào Cora, chỉ để mua cái bánh mì dài, ăn nho trên kệ trái cây và đổi dép lê lấy xăngđan đi về giả vờ quên trả tiền. Nhiều người vẫn thắc mắc mãi người mở cửa kính núp ở đâu mà khi mình bước vào, cửa lại được mở ra rất đúng nhịp.

Kể từ thời điểm đó, ngôi vị của cái chợ có tuổi đời trăm năm, thậm chí cả ngàn năm, nơi bà bán thịt có ít nhất ba đời đứng quầy đấy, ai mua loại nào, bao nhiêu cân, chỉ thấy mặt là biết mà không cần hỏi, nơi mà có người ngày nào cũng phải đảo qua để chào hỏi buôn chuyện với những người quen từ không biết bao nhiêu năm tháng – dù nhà không thiếu thức ăn – bắt đầu bị chia năm sẻ bảy.

Cora biến mất sau 10 năm, nhường lại cho một loạt tên tuổi khác, nổi bật nhất là Co.op Mart – doanh nghiệp quốc nội được Nhà nước bảo trợ bằng chính sách định vị vị trí đắc địa: tất cả những ngã tư lớn ở Sài Gòn, Co.op Mart là doanh nghiệp được ưu tiên.

Khoảng năm 2000, Co.op Mart quận 9 là điểm hiếm hoi sau 9h tối còn sáng đèn. Người dân Thủ Đức, quận 9 không có thú vui nào khác ngoài đi nhậu ở “làng Đại học” và… vô Co.op Mart chơi.

Tiếp theo sự ra đời của siêu thị – khái niệm giúp người Việt Nam bước lên một bước trong quá trình trở thành những thị dân đích thực – là hệ thống các cửa hàng tiện lợi. Cũng như sự phát triển của siêu thị, người tiên phong của hệ thống cửa hàng tiện lợi lại thất bại: hệ thống cửa hàng G7 của Đặng Lê Nguyên Vũ.

Chợ truyền thống ở đô thị - Ảnh 10.

Chợ Bến Thành đìu hiu, ảm đạm, các sạp mở bán thưa thớt – Ảnh: DUYÊN PHAN

Với sự tự tin đã làm nên hệ thống cà phê Trung Nguyên, G7 Convenience Shop định vị sẽ là nơi người tiêu dùng mua tất cả những gì họ cần cho nhà bếp, bắt đầu là từ gói cà phê và hộp sữa. Chính sách lên kệ của G7 không dựa vào mì tôm, xà phòng, gạo, kem đánh răng… nên đã thất bại. Chuỗi cửa hàng G7 mở khá ồ ạt dần teo tóp chỉ sau vài năm.

Nhưng nó là khởi đầu để một thời gian ngắn sau, Circle K, Family Mart, Seven Eleven…, những thương hiệu nổi tiếng của ngành cửa hàng tiện lợi khắp châu Á, thâm nhập thị trường Việt Nam.

Chợ truyền thống có thêm một đối thủ – với bối cảnh thời gian để một cửa hàng tiện lợi mới ra đời chỉ là tích tắc so với thời gian mang tính lịch sử để một khu chợ truyền thống thực sự ổn định, thành hình thành dạng, từ chỗ buôn có bạn, bán có phương.

Đến khi thương mại điện tử ra đời 5 năm sau nữa, khi những cái tên như Tiki, Shopee, Lazada… tràn ngập tất cả ngóc ngách của hầu như mọi trang tin điện tử nào, rồi sự đột phá của các “gúp” mua bán trên Facebook, Zalo, nhóm chat nhà chung cư…, chợ truyền thống chính thức đứng trước sự thật nghiệt ngã: nhiều khu chợ lâu đời rồi sẽ không còn khách hàng và phải bị khai tử. Không phải vì mô hình chợ truyền thống làm gì sai, ngược lại thì đúng hơn: mô hình đó đã chẳng làm gì cả!

Trong cuộc chiến giành giật chiếc giỏ của người nội trợ, các hình thức kinh doanh hiện đại đang dần thể hiện ưu thế không thể đảo ngược. Điểm yếu của họ về mặt giá cả cũng chỉ là trong giai đoạn khởi đầu. Khi số lượng địa điểm – “mapping” của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi họ đã phủ đủ rộng, giá cả cũng trở nên cạnh tranh hơn nhiều.

Số liệu thống kê của Nielsel&Nielsel năm 2019 cho thấy thị phần của chợ truyền thống, xét chung trên cả lãnh thổ Việt Nam, vẫn chiếm hơn 70% tổng lượng hàng hóa tiêu dùng cho các hộ gia đình, bất chấp sự bùng nổ của các loại hình kinh doanh hiện đại khác.

Ở những đô thị nhỏ và vùng nông thôn, chợ truyền thống vẫn là nơi buôn bán chủ yếu của phần đông dân cư bởi nhiều lý do: thói quen, sự tiện lợi của không gian rộng rãi, những đặc tính riêng biệt về văn hóa và không gian giao tiếp cộng đồng – thứ mà chỉ chợ truyền thống mới có.

Tuy nhiên, những lý do đấy theo thời gian và sự phát triển của tiến trình đô thị hóa sẽ bớt dần đi. Tốc độ phát triển của các loại hình chợ khác là trên 10% mỗi năm, còn chợ truyền thống là xấp xỉ… 1%.

Tương lai các chợ truyền thống giờ sẽ đứng trước một số kịch bản không thể tránh khỏi: biến mất hoặc phải thay đổi để giống với chợ hiện đại hơn, hòng cạnh tranh tốt hơn; hay trở thành một công năng khác – chuyên biệt cho văn hóa – du lịch (với nhiều ứng viên ở khắp mọi miền đất nước: chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, Đông Ba ở Huế, Bến Thành ở TP.HCM…).

Chợ truyền thống ở đô thị - Ảnh 12.

Người dân mua thực phẩm tại chợ Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chợ truyền thống không có khả năng mở rộng không gian, khó nâng cấp để áp dụng các công nghệ hiện đại – như tăng diện tích bãi đỗ xe, hiện đại hóa hệ thống quầy kệ, thanh toán thông minh…, và hầu như không thể làm cho nó sạch sẽ hơn và do đó, khó an toàn hơn. Đấy là những điểm yếu cố hữu không dễ thay đổi, vì bản chất chợ truyền thống đã được định danh như thế: “Ồn ào, lộn xộn như một cái chợ!”.

Điều đó dần dẫn đến quy tắc: Cái gì không có tiêu chuẩn, hoặc không đủ tiêu chuẩn để lên kệ siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi thì đem ra chợ bán. Thế nhưng, điều này đồng thời lại là điểm mạnh của chợ truyền thống: vô cùng hữu dụng và bao dung với các công ty khởi nghiệp.

Một ví dụ rõ ràng là các cửa tiệm điện máy, thiết bị đồ gia dụng ở các chợ trung tâm đô thị vừa và nhỏ, đây chính là nơi sản phẩm điện tử nội địa như Kangaroo, Sunhouse… bắt đầu thâm nhập thị trường trước khi có cơ hội lên kệ ở các siêu thị điện máy. Muốn bán được hàng điện máy chưa có thương hiệu, hãy tìm đến cổng chợ. Bí quyết đấy đến giờ vẫn nguyên giá trị.

Nhưng tại sao chợ truyền thống hầu như không có cơ hội phát triển nữa? Về phía cung, sản phẩm gì được sản xuất hàng loạt, có thể đóng gói, có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng, sớm muộn sẽ được ưu tiên đưa lên kệ, thay vì bày bán ở cái sạp tre. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là phía cầu: khách hàng.

Những loại hình kinh doanh mới biết cách tạo ra thứ mà ngôn ngữ marketing thời thượng gọi là “trải nghiệm khách hàng”. Họ biết lý do một người trẻ, đi làm ở thành thị, sẽ ngần ngại bước vào chợ truyền thống, sau khi đã mua hàng ở siêu thị: máy lạnh, sạch sẽ, thanh toán tiện dụng, giá cả rõ ràng… Cũng như lúc nhỏ trẻ con được ăn gà rán KFC thì lớn lên, gà đồi luộc lá chanh sẽ lạt lẽo.

Chỉ cần một thế hệ, người Việt Nam đã thay đổi được thói quen đứng chống chân vói tay mua bó rau còn cả con ốc sên bò lổm ngổm, để yểu điệu xách giỏ đi vào siêu thị nhón tay lấy hộp rau đã rửa sạch về nhà chỉ việc nấu. Giá phải trả cao hơn, đương nhiên, nhưng cái trải nghiệm văn minh giúp con người ta có thêm quyết tâm kiếm tiền thêm hòng duy trì trải nghiệm đấy.

Với chợ truyền thống, các nỗ lực làm mới – như cách kết hợp phía dưới truyền thống, phía trên hiện đại ở chợ Đầm Nha Trang cách đây 15 năm, hay chợ Hàng Bè ở Hà Nội – không thể gọi là thành công. Việc cộng cư của hai hình mẫu chợ trong một không gian – lý thuyết quy hoạch đô thị và kinh doanh nghe có thể hay, nhưng thực tế ở Việt Nam chưa có một ví dụ nào đủ sức thuyết phục.

Chợ truyền thống, do vậy, dần nghiêng về hướng phát triển công năng văn hóa và bảo tồn di sản bản địa. Nói nghe to tát, thực tế thì đơn giản thôi: đi du lịch Mũi Né thì phải đi chợ cá làng Chài ở Hòn Rơm; đi tour Hà Giang – Mèo Vạc là phải chạy thêm mấy mươi cây số để đến chợ tình Khâu Vai – dẫu nó không bao giờ còn như xưa; và thật ra với du khách người Việt tới một đô thị bất kỳ, rẽ vào khu chợ chính của nơi đấy vẫn là một nghi thức gần như không thể bỏ qua. Những đặc tính văn hóa bản địa đấy, siêu thị hay trung tâm mua sắm khó thể có được.

Nhưng bao nhiêu phần trăm ngôi chợ trên lãnh thổ Việt Nam có được cái bề dày truyền thống đủ để thu hút khách hàng bằng cách như vậy? Thêm nữa, các chợ truyền thống không có một mối liên kết hay một hiệp hội đúng nghĩa để ngồi lại với nhau hầu tìm những hướng đi mới, hay ít ra là giữ được những gì mình đang có. Bản thân chợ truyền thống chắc cũng có nhu cầu thay đổi, nhưng vấn đề là ai sẽ giúp được họ thay đổi?

Chợ truyền thống ở đô thị - Ảnh 15.

Người dân mua thực phẩm tại chợ Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không chỉ các chợ truyền thống, nhiều đơn vị bán lẻ theo mô hình hiện đại cũng gặp rất nhiều khó khăn hai năm vừa qua. Khác biệt nằm ở chỗ họ luôn đi tìm những công thức tăng trưởng mới và ngay khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, đã có kế hoạch phục hồi và mở rộng quyết liệt để bù đắp cho giai đoạn mất mát doanh số.

Thị trường bán lẻ đang dần được hâm nóng trở lại khi người tiêu dùng và khách du lịch bắt đầu quay lại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống. Gần như ngay lập tức, hàng loạt thương hiệu bán lẻ có dấu hiệu sẽ mở rộng quy mô quyết liệt.

Ghi nhận của Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý 1-2022, doanh số bán lẻ tăng nhẹ 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động bán lẻ hàng hóa tăng 10,7%, bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,9%, dịch vụ du lịch tăng 29,8% so với cùng kỳ.

Các con số đó không phản ánh hết sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường bán lẻ TP.HCM trong quý 1-2022. Cục Thống kê thành phố ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là gần 267 tỉ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Mức giảm lớn nhất tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ như karaoke, vũ trường, matxa, du lịch… do tốc độ mở cửa trở lại vẫn còn chậm.

Ngoài ra phải kể đến các nguyên nhân như thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn trong thời gian đầu sau kết thúc giãn cách, sức mua chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo sẽ đạt mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại.

Chợ truyền thống ở đô thị - Ảnh 18.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đáng chú ý, sau khi mở trở lại đường bay quốc tế, lượng khách du lịch quốc tế trong tháng 3-2022 đã tăng 115% so với cùng kỳ, đạt 41.700 lượt – mức cao nhất kể từ tháng 3-2020, với khách du lịch chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Năm 2021 chứng kiến lượng lớn các cửa hàng, nhà bán lẻ có tiềm lực tài chính yếu đóng cửa, đặc biệt ở phân khúc F&B và thời trang khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Nhưng năm 2022 có thể khởi đầu cho một chu kỳ phục hồi mạnh mẽ nhờ độ phủ vắc xin, việc nới lỏng hạn chế đi lại trong nước và giữa các quốc gia trên thế giới.

Nhận xét về triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, phó giám đốc nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam, cho rằng: “Những khó khăn từ kinh tế vĩ mô đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng trong ngắn hạn. Thị trường dự báo sẽ ấm dần lên và hồi phục vào những tháng cuối năm.

Lượng khách mua sắm đông đúc vào các kỳ nghỉ lễ, cuối tuần và lượng khách du lịch trong nước tăng cao vào kỳ nghỉ Tết cho thấy người tiêu dùng đã bắt nhịp với hoạt động bình thường mới. Tuy nhiên, sự mở rộng của các nhà bán lẻ dự kiến sẽ không đồng đều giữa các nhóm ngành thương mại khác nhau”.

Kênh bán lẻ hiện đại đang chứng kiến cuộc đua đầu tư và mở rộng quy mô khá gay cấn khi nhiều hãng bán lẻ lập kế hoạch đánh chiếm khoảng trống mà các đối thủ yếu hơn bỏ lại. Điển hình như Uniqlo với việc khai trương cửa hàng bán lẻ thứ 11 tại Saigon Centre TP.HCM, Pandora khai trương cửa hàng mới tại AEON Long Biên, Hà Nội.

Hãng AEON đặt mục tiêu mở 100 siêu thị AEON MaxValu đến năm 2025. BRG Retail hợp tác mở rộng chuỗi siêu thị Fujimart với Sumitomo Corporation thì đặt mục tiêu đạt khoảng 50 cửa hàng mới vào năm 2028.

Đáng chú ý, Tập đoàn Alibaba nâng cấp chuỗi giá trị kinh doanh tại Việt Nam bằng cách thành lập các trung tâm phân phối quy mô lớn ở Long An, Đồng Nai, hướng tới phục vụ nhu cầu lưu kho của các nền tảng thương mại điện tử chính ở Việt Nam.

Chợ truyền thống ở đô thị - Ảnh 20.

Thói quen mua sắm của người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ, đang có sự thay đổi mạnh mẽ – Ảnh: BẢO ANH / TTNews

Thời gian gần đây, một số công ty bất động sản cũng tìm cách lấn sân sang bán lẻ, như một cách xây dựng hệ sinh thái của riêng họ.

Đây là một chiến lược kinh doanh quen thuộc khi các công ty bất động sản có tiềm lực mạnh muốn xây dựng hệ sinh thái đa dạng bao gồm bán lẻ, nhằm tận dụng nguồn vốn, liên kết sản phẩm bán lẻ phục vụ chính cộng đồng cư dân và khách hàng của họ và bao phủ thương hiệu tới số đông người dùng.

Điển hình có thể kể đến Nova Retail của Tập đoàn NovaLand với chuỗi cửa hàng phân phối các thương hiệu nổi tiếng như Nike, GAP, The Face Shop, Sơn Kim Retail của Sơn Kim Group với chuỗi của hàng tiện lợi GS25 và chuỗi nhà hàng, spa đi kèm.

Song song kế hoạch mở rộng, một số chuỗi cũng đặt ưu tiên tái cấu trúc, cải thiện biên lợi nhuận. Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động cho biết sẽ tạm dừng mở mới trong năm 2022 để tối ưu hóa hoạt động.

Chuỗi cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch Thế Giới Di Động, giữ chức giám đốc điều hành – động thái khẳng định quyết tâm đưa Bách Hóa Xanh đạt điểm hòa vốn thông qua các điều chỉnh lớn về công thức vận hành. Ngoài Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động còn lấn sân sang các thị trường bán lẻ khác còn nhiều tiềm năng với thương hiệu AVA gồm AVAKids (sản phẩm mẹ và bé), AVAFashion (thời trang), AVASports (thể thao), AVAJi (trang sức) và AVACycle (xe đạp).

Còn Masan dự kiến sẽ tung ra mô hình “mini mall” – tức một cửa hàng tiện ích tích hợp nhiều dịch vụ như nhu yếu phẩm (WinMart), dịch vụ tài chính (Techcombank), trà và cà phê (Phúc Long), chăm sóc sức khỏe (Phano) và đã đặt mục tiêu mở 30.000 cửa hàng trước năm 2025.

Báo cáo tháng 2-2022 của Savills châu Á – Thái Bình Dương về thị trường bán lẻ cũng đánh giá mặc dù tỉ lệ tiêm vắc xin ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, tốc độ phục hồi của các thị trường lại không nhất quán.

Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường bán lẻ tại các thành phố lớn phục hồi nhanh nhất với hoạt động kinh doanh ổn định và gián đoạn định kỳ.

Trong khi các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hà Nội, TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng giá thuê một cách khiêm tốn từ khoảng 0,5-13% thì các thị trường lớn như Singapore, Hong Kong, Seoul, Tokyo, giá thuê mặt bằng tiếp tục sụt giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021 với mức từ -16% đến -28%.

Theo đánh giá của bà Trần Phạm Phương Quyên, quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM, sức tiêu dùng nội địa Việt Nam ngày càng lớn và ổn định, đồng nghĩa với tiềm năng về doanh thu lớn cho một vài ngành bán lẻ như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc mẹ và bé, thời trang thể thao, ẩm thực… Điều này đã thúc đẩy các nhà bán lẻ phải mở rộng thêm chi nhánh, không gian trải nghiệm, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Bà Quyên cũng cho biết trong thời gian qua, các tập đoàn bán lẻ lớn vẫn đang âm thầm đem thêm thương hiệu quốc tế mới về thời trang, phong cách sống, phụ kiện và đồ chuyên dụng thể thao ngoài trời… về Việt Nam, hứa hẹn giúp phục hồi và tạo ra sức sống mới cho thị trường.

Chợ truyền thống ở đô thị - Ảnh 23.

Người dân mua rau củ tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nội dung:

NGUYỄN THU QUỲNH – NHIÊN ANH – NAN MINH

Thiết kế:

NGỌC THÀNH