Cho người thân vay tiền chẵn, chật vật đi đòi từng đồng lẻ

Cho em họ mượn 70 triệu từ năm 2014, tới giờ anh Tùng (Từ Liêm, Hà Nội) mới đòi được 20 triệu sau vài lần gọi điện, năn nỉ. 

“Cậu ta và mình vừa là anh em, vừa học chung lớp nên khá thân. Hồi đó, cậu ấy gặp khó khăn trong làm ăn, mình cũng chỉ có vài chục triệu gửi ngân hàng, liền rút ra luôn cho mượn, chẳng viết giấy tờ gì. Hẹn ba tháng sau trả lại, thế mà giờ hơn 3 năm rồi vẫn chưa xong”, anh Tùng (Từ Liêm, Hà Nội) kể. 

Anh Tùng cho biết, khi qua hạn trả cả năm, một lần con ốm phải vào viện, anh gọi hỏi thì người mượn khất chưa có, anh nhắn tin họ chẳng đáp lại. Một tuần sau, họ mang tới trả 10 triệu nhưng với thái độ trách móc rằng “Con nhà em vài tháng nay chả được uống sữa, tiền học chưa đóng mà bác chỉ biết giục đòi tiền”.

Vài lần khác có việc như cần vốn làm ăn, sửa nhà, anh lại gọi điện nhắc thì họ không thèm nghe máy. “Mình tới tận nhà hỏi thì vợ chồng cậu ta tỏ ra khó chịu, sau đó có lần mang ra 10 triệu nói ‘Nhà em nhặt nhạnh hết chỉ được có thế!’. Đi đòi tiền mà phẫn uất như thể mình phải ngửa tay xin”, anh Tùng kể. 

cho-nguoi-than-vay-tien-chan-chat-vat-di-doi-tung-dong-le

Ảnh minh họa: The Globe and Mail.

Vợ chồng anh Quang (Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) nhiều lần còn cãi nhau chỉ vì món nợ cho em gái vay. Anh Quang kể, 5 năm trước, em gái anh mua nhà và vợ chồng anh dù chưa dư giả gì cũng dồn hết các khoản lại, cho em mượn 95 triệu đồng. Hứa sẽ trả lại trong vòng một năm nhưng mãi 2 tháng trước, khi anh liên tục nhắc nhở, cô em mới đưa 50 triệu, hẹn cuối năm gửi nốt kèm câu “mặc cả”: “Có thưởng tết em sẽ trả nốt hai bác 40 triệu, còn số lẻ 5 triệu, bác cho hai cháu mua quần áo rét nhé”. 

“Vợ mình bức xúc vì biết các em bây giờ khấm khá hơn nhiều rồi, có tiền mua sắm đồ, thậm chí có tiền gửi tiết kiệm, nhưng vẫn chây ỳ khoản tiền vay anh chị. Mình cũng không đồng tình với em gái nhưng im lặng vì sợ đổ dầu vào lửa, không ngờ càng khiến bà xã tức giận”, anh Quang bày tỏ. 

Thương em trai đổ bể làm ăn, chị Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) đi thế chấp cả sổ đỏ để vay 200 triệu cho em đầu tư mua máy móc gỡ lại. Giờ hàng tháng chị phải giấu chồng đi trả lãi ngân hàng thay em.

“Hồi đó cậu ấy nói chị mà không vay hộ, em phải mượn bên ngoài lãi cắt cổ, tôi thương quá nên hết lời thuyết phục chồng cùng giúp. Cậu ấy hứa chỉ một năm là trả hết. Giờ 3 năm rồi vẫn im hơi lặng tiếng. Tôi nói dối chồng là cậu ấy vẫn trả lãi đều nhưng thực ra là tôi phải tự xoay sở hết. Giờ mà nhà chồng biết chuyện thì không biết tôi còn được ở trong nhà này không nữa”, chị Hoàng than thở.

Từng nhiều lần không đòi lại được các khoản đã cho người thân vay, tới giờ, hễ anh em, họ hàng mượn tiền, vợ chồng chị Hảo ở Kim Ngưu, Hà Nội nói thẳng là nhà mình không có nhiều cho vay, chỉ có khoản nhỏ vài triệu, biếu ngay không cần trả lại.

“Xác định cho vay là mất nên tốt nhất cứ cho trước như vậy còn được tiếng tốt, lại đỡ mất lòng nhau sau này khi phải mặt dày đi đòi”, chị Hảo chia sẻ. 

Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM) cho biết, người Việt vốn trọng tình, chuyện giúp đỡ người thân về tiền bạc, vật chất lúc khó khăn vốn rất phổ biến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người cho vay phải chật vật khi đòi nợ, thậm chí mất trắng. Theo ông, lý do có thể là: Người mượn quá bí bách về kinh tế, làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả; Một số người có tâm lý chây ỳ và chỉ biết lợi cho bản thân; Do từ đầu họ đã có ý định lừa đảo, lợi dụng. 

Để hạn chế rủi ro “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, theo ông Hiền, tốt nhất là “mất lòng trước, được lòng sau”, cần xem xét khả năng có thể trả lại của người vay trước khi quyết định. Nếu thấy khả năng này thấp, cảm giác không tin tưởng ở người vay thì nên từ chối ngay hoặc chỉ cho mượn một khoản nhỏ. Nên cảnh giác với những khoản mà người vay hứa hẹn sẽ trả lãi thật cao hoặc mượn với mục đích làm ăn kinh doanh nhưng chưa có kế hoạch rõ ràng. Nếu người thân mượn tiền cho những việc cần kíp như mua nhà, cưới hỏi, chữa bệnh, ma chay… bạn có thể hỗ trợ sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. 

Chuyên gia về tài chính cá nhân, gia đình Trần Bích (TP HCM) cho rằng, về lý, bạn cần rành mạch ngay từ đầu bằng văn bản với người vay về số tiền, thời hạn trả, phương án xử lý nếu nợ quá hạn. Nhưng thực tế, với anh chị em, họ hàng, mọi người thường ngại việc này có thể gây mất tình cảm, tạo cảm giác quá sòng phẳng, thực dụng. Bởi vậy, đây thực sự là một bài toán khó mà chỉ mỗi cá nhân mới tự đưa ra được đáp án là có cho người thân vay tiền hay không.

Dù vậy, bạn phải nhớ một điều rằng, khi bản thân có vững về tài chính thì mới có thể giúp đỡ người khác. Vì thế, hãy đảm bảo là chỉ cho vay khoản tiền mà xác định rằng nếu mất hẳn cũng không gây nguy hiểm cho tài chính của bạn và gia đình. 

Bảo Ngọc