‘Chợ đêm’ ở Huế: Cầu xin thêm 25 ngày để có cái ‘Tết vui’

Ban đầu là nơi bày bán nhỏ lẻ của người dân nghèo sống ở TP Huế và các khu vực lân cận, nằm nhếch nhác các tuyến đường quanh siêu thị Big C, nhiều lần có sự ngăn cản của lực lượng chức năng, họ đã “lê lết” hết chỗ này chỗ nọ để “kiếm từng hạt gạo” để rồi hình thành ở khu vực hiện tại.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành văn bản số 6507/UBND-DC đã thông báo về việc kiểm tra xử lý dứt điểm vi phạm sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại khu vực này, vì sử dụng đất sai mục đích quy hoạch…

Một khu
 
 

Một khu chợ đêm chưa được thừa nhận ở Huế.

Hình thành bởi nhu cầu thực tế

Hàng chục hộ kinh doanh nghèo tại “chợ đêm” hình thành tự phát trên khu đất trống của Công ty CP Espace Business Huế (chủ sở hữu Big C Huế) thuộc phường Phú Hội, TP Huế, vừa có đơn “kêu cứu” các ban ngành chức năng, xin được tạo điều kiện để tiếp tục được mua bán, kinh doanh cũng như ổn định cuộc sống của họ.
 
Khu chợ tự phát này hình thành trên khu đất rộng 580m2, là một phần trong diện tích hơn 10.000m2 đất (có siêu thị Big C hiện tại) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho phép Công ty CP Espace Business Huế thuê để làm trung tâm thương mại dịch vụ giải trí.
 
Qua nhiều biến động hiện nay khu đất cho Công ty TNHH MTV DV Him Ken (Công ty Him Ken) thuê lại để đầu tư, rồi trở thành khu “chợ đêm” như hiện tại.
 
Nguy cơ đón Tết buồn của hàng chục hộ gia đình…
 
Theo đó, mới đây UBND phường Phú Hội đã gửi Giấy mời đến các hộ kinh doanh nêu trên và đại diện Công ty Him Ken để thông báo về “số phận” của những hộ kinh doanh.

Tại buổi gặp lãnh đạo phường Phú Hội đã thông báo đến các hộ kinh doanh là có chỉ đạo của cấp trên rằng: “Khu vực mà bà con đang kinh doanh sẽ được hoàn trả mặt bằng trước ngày 9/1, còn buổi gặp này bà con cứ nói nguyện vọng của mình, phía phường sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến rồi trình lên cấp trên xem xét giải quyết”.

Thông báo đưa ra như một tin “sét đánh” chị Hà Thị Sen nói trong nước mắt: “Chúng em hiện nay đã nhỡ mua hàng về bán Tết, còn ít ngày nữa là không được bán tụi em biết phải làm răng đây”.


 

Chị Hà Thị Sen nói trong nước mắt: “Chúng em hiện nay đã nhỡ mua hàng về bán Tết, còn ít ngày nữa là không được bán tụi em biết phải làm răng đây”.

Cũng như tình cảnh của chị Sen, chị Hiền nghẹn ngào phát biểu: “chúng em phải vay mượn tiền để mua hàng về bán Tết, em mong cơ quan có thẩm quyền thương xót cho em bán xong trong đợt Tết ni nữa là thôi…”.
 
Bên cạnh đó các hộ kinh doanh nơi đây còn có gửi đơn xin cứu xét đến các cơ quan chức năng, trong đơn có đoạn: “Mong sao chính quyền địa phương có cách giải quyết thấu tình đạt lý, thương lấy bà con đang ở trong tình trạng nguy cơ mất đi con đường mưu sinh và phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt…”.
 
Cũng trong buổi gặp giữa lãnh đạo phường Phú Hội và các hộ kinh doanh một lãnh đạo phường này chia sẻ:”tôi biết nỗi khổ của bà con, bản thân vợ tôi cũng là người buôn bán nên rất hiểu, nhưng vấn đề giải quyết vượt quá thẩm quyền của phường…”
 
Xin chính quyền thương tình cho thêm “25 ngày” buôn bán!

 
Trước thông tin yêu cầu hoàn trả mặt bằng trước ngày 9/1 Công ty Him Ken đã có đơn xin xem xét, trong đó Công ty này xin được kéo dài thời hạn dọn dẹp trả lại hiện trạng ban đầu thêm 25 ngày so với ngày 9/1. Bởi những ngày này Tết đã đến cận kề, khi chợ đêm bị dẹp bỏ các bà con sẽ không có địa điểm mưu sinh…

Đơn xin cứu xét của bà con gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.

Đơn xin cứu xét của bà con gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.

 

 

 
Liên quan đến vấn đề nêu trên, trước đó trao đổi với PV ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Về vấn đề này trước đây là do cơ quan chức năng thành phố Huế không cương quyết xử lý vi phạm triệt để, còn bây giờ cũng khó khăn cho bà con lắm. Nhưng không xử lý là không được…”.
 
Trao đổi với PV sáng 6/1 một vị nguyên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ về ý kiến quan điểm cá nhân rằng: “Ví rằng, hiện này tại khu vực đó phải bàn giao cho một chủ đầu tư nào đó để sử dụng… thì có thể việc tạo điều kiện cho bà con buôn bán thêm 25 ngày là khó. Tuy nhiên ở đây, nếu có trả hoàn trả mặt bằng cũng chưa trở thành vấn đề cấp bách. Nên chăng tạo điều kiện cho bà con buôn bán, kiếm đôi ba đồng ăn Tết ấm áp hơn”.
 
Theo quan điểm của tác giả bài viết này, không khuyến khích cái sai, cái không đúng chủ trương. Tuy nhiên, một quyết định một chủ trương cùng một phương án thấu tình đạt lý sẽ khiến hàng hàng con người đang bám víu, mưu sinh nơi đây có một cái Tết vui.