Chó cắn đã lâu, chích kháng dại được không?
Chúng tôi đã trao đổi với TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – xung quanh vấn đề này. TS Châu cho biết:
– Ngay sau khi bị chó cắn phải sơ cứu lập tức bằng cách rửa vết thương liên tục dưới dòng nước sạch và xà phòng (hoặc các loại dung dịch sát khuẩn như iodine có hiệu quả tiêu diệt virut tốt) trong vòng 15 phút. Sau đó lập tức đến cơ sở y tế để được điều trị dự phòng bằng chích kháng huyết thanh dại và chích văcxin ngừa dại.
Hai ngày nữa mới tiêm văcxin cho nạn nhân
Ngày 1-5, bác sĩ Nguyễn Hùng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên, cho biết đến ngày 4-5 sẽ mời sáu nạn nhân bị chó dại ở nhà ông Nguyễn Văn Trường cắn cách đây ba tháng đến trung tâm để tư vấn và có thể sẽ tiêm văcxin chống dại cho họ.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về quan điểm tiêm văcxin chống dại cho các nạn nhân càng sớm càng tốt như đề nghị của một cán bộ tại Viện Pasteur Nha Trang trước đó, ông Hùng cho rằng so với thời gian bị con chó cắn kéo dài hơn ba tháng, việc tiêm văcxin chậm một vài ngày là không đáng kể. Việc phải để đến ngày 4-5 mới tiêm văcxin không phải vì các đơn vị nghỉ bù lễ mà để có thời gian tư vấn tại cơ sở và tư vấn đồng thời cho cả sáu nạn nhân.
Việc sử dụng kháng huyết thanh dại phải được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là sau vài giờ bị chó cắn và không quá 24 giờ.
Cần lưu ý dù đã chăm sóc vết thương đúng cách và chích kháng huyết thanh lập tức ngay sau khi bị chó cắn, y văn vẫn ghi nhận một số trường hợp tử vong do chó dại cắn (hiệu quả không đạt 100%).
Ngoài ra, thời gian điều trị càng muộn thì hiệu quả càng kém và thông thường sau 24-48 giờ, việc điều trị có lẽ không còn ý nghĩa do virut đã xâm nhập và ẩn nấp an toàn bên trong tế bào thần kinh.
* Các nạn nhân nói trên đã bị chó dại cắn cách đây hơn ba tháng, vậy họ có được chích huyết thanh kháng dại không, hiệu quả ra sao?
– Việc sử dụng kháng huyết thanh muộn (sau 48 giờ) không có chống chỉ định (nghĩa là không cấm sử dụng). Như vậy vẫn có thể sử dụng kháng huyết thanh (dù quá muộn), nhưng như đã trình bày ở trên, hiệu quả của kháng huyết thanh khi đó rất thấp, thậm chí không còn.
Ngoài ra, kháng huyết thanh hiện đang sử dụng tại nước ta chủ yếu sản xuất từ huyết thanh ngựa, do đó khi sử dụng có thể gặp những tai biến huyết thanh (tuy ít gặp) như dị ứng hoặc sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong.
Các bệnh nhân ở Phú Yên không cần phải vào TP.HCM chích cho tốn kém mà nên đến Viện Pasteur Nha Trang để xin chích kháng huyết thanh dại.
* Phòng tránh bệnh dại an toàn như thế nào, thưa ông?
– Bệnh dại có thể phòng ngừa chủ động bằng cách tiêm phòng văcxin và có thể kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây bằng cách tiêm phòng dại cho chó. Nếu chó không bị bệnh dại thì người sẽ không bị lây bệnh dại khi bị chó cắn.
* Phải xử lý chó như thế nào sau khi nó cắn người?
– Bà con mình thường có thói quen tai hại là đập chết chó khi chó cắn bậy. Cách xử lý đúng là nên nhốt chó lại để theo dõi, nếu có điều kiện thì mang chó đến các cơ sở thú y để được xác định có nhiễm virut dại hay không. Nếu sau đó chó vẫn khỏe mạnh thì người bị cắn có thể an tâm hơn.
Việc ăn thịt chó dại đã nấu chín trên lý thuyết có thể không sao vì virut đã chết. Tuy nhiên, người làm thịt chó nếu bị dính nước bọt hoặc dịch trong não tủy của chó vào mắt hay bị các vết trầy xước ở tay do chạm vào răng chó thì có thể nhiễm bệnh. Tốt nhất nên chôn và rắc vôi xử lý xác chó bệnh dại.
Nên cấp tốc tiêm huyết thanh
Bệnh dại có thời gian ủ bệnh trung bình từ 10 ngày đến 2 năm, tùy theo vị trí vết thương bị chó cắn. Nếu chó cắn ở chân thì ủ bệnh rất lâu, nếu ở đầu hay mặt thì thời gian ủ bệnh rất ngắn.
Với một ít kinh nghiệm lâm sàng, tôi đã tư vấn cho gia đình của một cháu trai 4 tuổi bị chó cắn ở bàn tay, sau một tuần chó chết nhưng người nhà sợ tác dụng phụ của văcxin nên không đưa cháu đi tiêm phòng. Mãi một tháng rưỡi sau, người nhà nghe lời khuyên mới đưa cháu đi tiêm và đến nay đã năm năm cháu vẫn khỏe bình thường.
Đối với những người ở Phú Yên bị chó cắn cách đây khoảng ba tháng thì nên cấp tốc tiêm huyết thanh dại, vì chúng tôi vẫn hi vọng rằng virut dại chưa xâm nhập hệ thần kinh trung ương. Đây là cơ hội diệt được virut dại.