Chợ Mới chủ động chăm sóc cam, quýt sau thu hoạch

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã chú trọng phát triển cây cam, quýt và mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện toàn huyện có khoảng 288ha cây cam, quýt, trong đó có khoảng 278ha đang cho thu hoạch, tổng sản lượng hằng năm ước đạt 2.200 tấn.

Cây cam, quýt được trồng chủ yếu ở các xã Mai Lạp, Thanh Mai, Thanh Vận, Thanh Thịnh. Sau mỗi vụ thu hoạch, để đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất, sản lượng cao. Hiện nông dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đang tích cực tỉa cây, chăm sóc cho cây trồng phát triển.

Chợ Mới chủ động chăm sóc cam, quýt sau thu hoạch ảnh 1

C

hị Lý Thị Thiệm thôn Khau Ràng, xã Mai Lạp đang tích cực làm cỏ, bón phân

cho cây trồng.

Xã Mai Lạp là địa phương có diện tích cây cam, quýt lớn nhất của huyện với khoảng 90ha, đa số diện tích đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay. Để nâng cao chất lượng quả trong vụ tới, thời gian này, người trồng cam, quýt trên địa bàn xã đang chú trọng khâu chăm sóc cây trồng. Thời điểm này, gia đình chị Lý Thị Thiệm thôn Khau Ràng, xã Mai Lạp đang tích cực làm cỏ, bón phân cho 400 cây cam, quýt tại đồi nhà. Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cây, chị mua 30 bao phân chuồng kết hợp với phân lân NPK nhằm bổ sung dưỡng chất tốt nhất cho cây trồng sau thu hoạch. Đồng thời tiến hành cắt tỉa cành sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu để cây cam, quýt phát triển ổn định, đảm bảo năng suất, chất lượng quả vụ thu hoạch tới. Theo chị Thiệm, việc chăm sóc cây trồng là khâu rất quan trọng vì nó quyết định đến năng suất, chất lượng quả. Bởi vậy, hằng năm vào khoảng tháng 2 dương lịch, ngay sau Tết Nguyên đán chị đã bón thúc lần thứ nhất để cho cây được phục hồi nhanh.

Cũng như các hộ dân trồng cam, quýt trong thôn Khau Ràng, gia đình chị Lường Thị Thương đang khẩn trương dùng máy phát quang cỏ dại tại vườn cam, quýt của mình để chuẩn bị bón phân cho cây trồng trước khi ra hoa, có dưỡng chất để đậu quả. Khi cây xuất hiện sâu bệnh hại gia đình chị đã tìm mua sản phẩm thuốc phòng trừ sâu bệnh uy tín trên thị trường, an toàn khi sử dụng, nhất là các sản phẩm được chế từ thảo mộc. Với 300 cây cam, quýt được trồng từ năm 2014 đến nay, gia đình chị đã được thu hoạch từ 3 năm trở lại đây. Cam, quýt đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình nên việc chăm sóc sau thu hoạch là rất cần thiết.

Theo lãnh đạo xã Mai Lạp, địa phương hiện có 45/90ha cam, quýt đang cho thu hoạch. Đây là cây trồng thế mạnh của địa phương, tuy nhiên, những năm gần đây, cây cam, quýt tại địa phương này đang có dấu hiệu giảm do một số diện tích cây già cỗi người dân đã phá bỏ chuyển sang trồng cây lâm nghiệp. Để phát triển cây cam, quýt, chính quyền xã Mai Lạp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng. Cùng với đó, hướng dẫn Nhân dân thực hiện việc chăm sóc cam, quýt theo quy trình kỹ thuật để cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là khi mùa quả kết thúc, đây cũng là thời điểm cây cần được chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng để tái tạo, phục hồi. Qua đó, người dân đã có ý thức chủ động chăm sóc ngay sau khi thu hoạch, bà con tích cực mua phân bón chăm bón cho cây cam, quýt, dùng thuốc trừ sâu tiến hành phun phòng trừ các bệnh phổ biến như: Sâu nhớt, sâu vẽ bùa khiến cho lá bị vàng, xoăn, sâu đục thân, nhện đỏ… Giai đoạn này, cây đang chuẩn bị nở hoa, đậu quả nên người dân cần hết sức chú ý, thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh.

Việc người dân Mai Lạp cũng như các địa phương trên địa bàn huyện chủ động chăm sóc cây trồng đúng thời điểm, đúng quy trình khoa học kỹ thuật hứa hẹn khi thu hoạch bà con sẽ có một mùa vụ tốt./.

Lý Dũng