Chịu khổ với Chúa
Không phải chỉ riêng gì tín hữu đạo Tin Lành mới có khái niệm về sự khổ đau là phương tiện để tấn tới trong đời sống tâm linh. Hầu như mọi tôn giáo đều coi trọng sự xả thân vì đạo. Riêng trong đạo Tin Lành, Kinh thánh nói gì về sự chịu khổ? Chúng ta hãy nhìn sâu vào sự chịu khổ của Đấng Christ để thử nghiệm khái niệm của chúng ta về sự chịu khổ với, hoặc cho, Chúa có thực đúng với ý của sứ đồ Phao-lô khi ông viết đoạn Kinh thánh Romans 8:17 không.
16Chính Ðức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Ðức Chúa Trời. 17Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Ðức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Ðấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài (Romans 8:16-17).
Mục Lục
Chịu khổ là luyện tập tâm linh
Không phải chỉ riêng người tín hữu Tin Lành mới có khái niệm về giá trị của khổ đau. Sự khổ đau có thể là dưới tay người khác, đôi khi thì tự mình gây nên, đôi khi thì qua sự kiêng cử một điều gì đó, xa lánh những lạc thú, hoặc ngay cả những nhu cầu cần thiết. Có vô số những biểu tượng của sự khổ đau mà người ta cho là nhu cầu cần thiết để đạt được trình độ tâm linh cao hơn. Các câu Kinh thánh gốc của bài viết này nói về sự khổ đau của Đấng Christ, mà chúng ta được nhận như một điều kiện phải chịu khổ với Ngài, do đó chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao Đấng Christ lại chịu khổ? Mục đích của sự khổ đau của Ngài, và có cùng một mục đich với thế gian, hoặc ít nhất với thế giới Tin Lành nói riêng, khi họ tìm cách chịu khổ với Ngài?
Chúa không chịu khổ vì …
Có nhiều điểm về sự chịu khổ của Đấng Christ mà chúng ta biết rõ. Ngài không chịu khổ như là điều cần thiết để đạt được cao điểm tâm linh. Ngài không chịu khổ vì phải tuân theo một nguyên tắc nào đó liên hệ đến sự chịu đựng gian khổ. Ngài không chịu khổ để tẩy rửa tội lỗi mình—dĩ nhiên chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời nào có tội lỗi để tẩy rửa. Và còn có hàng vạn lý do khác để bênh vực lý do tại sao sự khổ đau lại là một điều đáng quý trọng, nhưng độc giả hãy an tâm vì Đấng Christ đã chẳng chịu khổ chút nào vì những tín lý đó chỉ vì một lý do đơn giản: Ngài là Đức Chúa Trời.
Nếu đây không phải là những lý do Chúa phải chịu khổ đau, thì chúng cũng không phải là lý do chúng ta chịu khổ đau với Chúa. Chẳng điều chi đến từ xác thịt có thể tạo nên kết quả thuộc linh, thể mà dường như mọi tôn giáo trên thế gian đều đặt sư khổ đau lên hàng đầu của những linh công, và buồn thay là phần lớn của đạo Chúa cũng rơi vào bẫy đó (Colossians 2:20-23).
Chúng ta thử nghiên cứu một chút tiếng Hy-lạp. chữ “chịu đau đớn với” được đánh số 4841 trong sách Strong: sumpaschó, với định nghĩa trong Thayer’s Greek Lexicon như sau:
STRONGS NT 4841: συμπάσχω
συμπάσχω (T WH συνπάσχω (cf. σύν, II. at the end)); cùng chịu hoặc cảm thông sự đau đớn (về phương diện y khoa, như trong Hippocrates () và Galen): 1 Corinthians 12:26; chịu đau đớn đồng một cách: Romans 8:17.
Định nghĩa ở trên xác định rằng đoạn Kinh Thánh Romans 8:16-17 kêu gọi chúng ta đồng chịu đau đớn với Chúa theo cùng một cung cách mà Ngài đã chịu. Điều này dẫn đến phần kế tiếp khi chúng ta xác định mục đích của Đấng Christ khi Ngài chịu đau đớn.
Mục đích chịu khổ của Đấng Christ
Một mục đích duy nhất bảy tỏ rõ ràng trong Kinh thánh: gánh vác tội lỗi của cả thế gian và chịu đóng đinh trên cây thập tự.
Trong Cựu Ước, con thú được dùng làm của tế lễ phải toàn hảo theo sự chấp thuận của thầy tế lễ đang hành lễ. Exodus 12:5 viết về sự chọn lựa con chiên làm của lễ cho lễ Vượt Qua đầu tiên như sau: “Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên, hoặc trong bầy dê, chiên con đực hay là dê con đực, tuổi giáp niên, chẳng tì vít chi.” Con chiên không tì vết này là hình bóng của Đấng Christ vô tội sẽ được dâng làm của lễ một lần đủ cả để cất đi tội lỗi của toàn thế gian. Đây là lý do chính của sự Chúa chịu đau đớn. Chúa đã không chịu đau đớn chỉ để mà chịu đau đớn, hay là vì có một lợi ích gì đó cho chính bản thân Ngài. Điều kiện để làm của tế lễ một lần đủ cả này là Ngài phải là Đấng vô tội, mà còn là Ngôi Hai Đức Chúa Trời, trọn vẹn mọi đàng.
Và đây là thách thức cho những người muốn chịu đau đớn cùng Chúa theo cùng cung cách như được định nghĩa trong Thayer’s Greek Lexicon:
- Quí vị có hội đủ điều kiện để chịu đau đớn cùng Đấng Christ trong sứ mạng Ngài không?
- Quí vị hoàn toàn vô tội?
- Quí vị là Ngôi Hai Đức Chúa Trời?
- Quí vị sẽ chết cho tội lỗi của ai—đừng quên rằng chỉ có người vô tội mới được chết thay cho kẻ khác?
- Quí vị có sẵn sàng để chịu 39 lằn roi phá vỡ thịt xương rồi đinh đóng trên hai tay và chân và cuối cùng treo trên cây thập tự đến trút hơi thở cuối cùng?
Đến đây chúng ta đã loại bỏ mọi lý do mà một người có thể nghĩ là động lực thúc đẩy mình chịu đau đớn cùng Đấng Christ. Chúng ta không thể nào hội đủ điều kiện để chịu đau đớn cùng Đấng Christ, thế mà trong Romans 8:17 sứ đồ Phao-lô lại nhấn mạnh chúng ta phải chịu khổ cùng Đấng Christ. Do đó chúng ta phải hiểu là Phao-lô đã không nói về sự chịu khổ này theo cái nhìn của thế gian. Đường lối của thế gian, hay của xác thịt, luôn luôn dựa trên việc làm, nhưng đường lối của Thánh Linh thì qua đức tin.
Có rất nhiều phước lành thuộc linh mà chúng ta được hưởng hoàn toàn bởi đức tin. Được xưng công bình nhờ Đấng Christ. Được đồng chết và chôn cùng Đấng Christ mặc dù vẫn còn sống và sinh hoạt trong đời này. Luật pháp của Đức Chúa Trời đòi hỏi kẻ phạm tội phải chết, thì Đấng Christ đã chịu chết thay. Được dạn dĩ vào nơi rất thánh. Được thoát khỏi mọi sự đoán phạt. Được hưởng sự sống đời đời vì Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại. Chúng ta được hưởng mọi phước lành thuộc linh hoàn toàn bởi đức tin nơi Đấng Christ.
Romans 8:32 viết như sau:
Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?
Mọi sự bao gồm sự được xưng công bình, được đồng chết và chôn cùng Đấng Christ, được dạn dĩ vào nơi rất thánh, được miễn trừ khỏi mọi sự đoán xét, còn sự được kể là người đồng chịu khổ với Đấng Christ như một phần của “mọi sự” trong đoạn Kinh thánh trên?
Ý chính cần được bày tỏ là sự Chúa chịu chết và chôn không thể tách ra khỏi sự Ngài chịu khổ, và tất cả những sự đó thuộc về Chúa, chỉ để mình Ngài gánh vác vì “Vinh hiển cho Ngài đời đời, vô cùng!” (Romans 11:36). Nhưng Ngài kể như chúng ta được dự phần vào đó như một món quà như thể chính chúng ta cũng đả trải qua sự chịu khổ, chết, và chôn như Ngài.
Kết Luận
Nếu chúng ta theo sát văn mạch từ Romans 1 cho đến Romans 8:16-17 là đoạn chính của bài viết này, thì chúng ta đã thấy Phao-lô tìm cách truyền đạt cho tín hữu Rô-ma về mọi phước lành họ sẽ nhận lãnh nếu ở trong Đấng Christ, ông muốn họ bước trọn vào trong mối liên hệ với Chúa trong giao ước mới. Chúng ta thấy rõ qua những thơ của Phao-lô nhiều hội thánh vẫn gặp trở ngại đến với Chúa trong mối liên hệ đó.
Một ứng dụng thực tế trong cuộc sống là mặc dầu nhiều người đến với niềm tin mà sẽ không bao giờ trải qua những khó khăn hoặc bắt bớ trong niềm tin, họ vẫn được kể là người đồng chịu khổ với Đấng Christ vì cớ họ ở trong Ngài qua đức tin. Và nếu họ ở trong Đấng Christ, sự chịu khổ của Ngài cũng được kể là của họ qua đức tin. Đó là một món quà từ nơi Đức Chúa Trời cho những kẻ kêu danh Con Ngài.
Có lẽ đây là điểm thuận tiện để chúng ta ôn lại Romans 12:2
Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào (Romans 12:2).
Chúng ta có cái nhìn về sự chịu khổ giống như người thế gian không?
Nghi Nguyen
– Scripture quoted by permission. All scripture quotations, unless otherwise indicated, are taken from the NET Bible® copyright ©1996-2006 by Biblical Studies Press, L.L.C. All rights reserved.
Disclaimer: This is my own opinion on the topic, which does not necessarily reflect the church’s theology, or beliefs of the individuals in it — Nghi Nguyen