Chính sách tài khóa là gì? Tác động của chính sách đến kinh tế
1. Chính sách tài khóa (chính sách tài chính) hay fiscal policy là gì?
Chính sách tài khóa là quyết định của chính phủ về chi tiêu công và đánh thuế để hướng nền kinh tế vào mức sản lượng và việc làm mong muốn, nhằm ổn định và phát triển kinh tế.
Trong điều kiện bình thường, chính sách này được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện nền kinh tế có dấu hiệu của suy thoái hay sự phát triển quá mức (còn gọi là phát triển nóng) thì nó lại được sử dụng như là một công cụ để giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.
2. Phân loại chính sách tài khóa: mở rộng và thắt chặt
2.1. Khái niệm chính sách tài khóa mở rộng
Chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện khi nền kinh tế đang ở tình trạng suy thoái, nhà nước có thể giảm thuế, tăng chi tiêu (đầu tư công) để chống lại. Khi đầu tư công được thúc đẩy, các ngành phụ trợ như vật liệu xây dựng, xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh. Lúc này, nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu của các nhóm ngành này với kỳ vọng tăng giá.
2.2. Chính sách tài khóa thắt chặt
Ngược lại, chính phủ thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, nền kinh tế ở tình trạng lạm phát và có hiện tượng nóng, thì nhà nước có thể tăng thuế và giảm chi tiêu của mình để ngăn cho nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng quá nóng dẫn tới đổ vỡ.
3. Chính sách tài khóa kinh tế vĩ mô của việt nam trong dịch covid-19 tác động đến chứng khoán như thế nào?
Năm 2020, do tác động của đại dịch covid, chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng (giảm lãi suất ) và chính sách tài khóa mở rộng (giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công) để vực dậy nền kinh tế. Do vậy mà dòng tiền “chê lãi suất ngân hàng thấp”, đổ từ kênh gửi tiết kiệm sang đầu tư bất động sản và chứng khoán, kéo lợi nhuận của nhóm ngành này tăng trưởng mạnh. Cùng với đó, đầu tư công khiến sản lượng thép cho việc xây dựng tăng lên nhanh chóng, khiến cổ phiếu ngành thép tăng phi mã.
4. Công cụ thực hiện chính sách tài khóa
Trong chính sách tài khóa, hai công cụ chủ yếu được sử dụng là chi tiêu của chính phủ và thuế. Trong đó:
Chi tiêu chính phủ
Chi tiêu của chính phủ sẽ bao gồm hai loại là: chi mua sắm hàng hóa dịch vụ và chi chuyển nhượng. Cụ thể:
– Chi mua hàng hoá dịch vụ: Tức là chính phủ dùng ngân sách để mua vũ khí, khí tài, xây dựng đường xá, cầu cống và các công trình kết cấu hạ tầng, trả lương cho đội ngũ cán bộ nhà nước…
Chi mua sắm hàng hoá và dịch vụ của chính phủ quyết định quy mô tương đối của khu vực công trong tổng sản phẩm quốc nội – GDP so với khu vực tư nhân. Khi chính phủ tăng hay giảm chi mua sắm hàng hoá, dịch vụ thì sẽ tác động đến tổng cầu theo tính chất số nhân. Tức là nếu chi mua sắm của chính phủ tăng lên một đồng thì sẽ làm tổng cầu tăng nhiều hơn một đồng và ngược lại, nếu chi mua sắm của chính phủ giảm đi một đồng thì sẽ làm tổng cầu thu hẹp với tốc độ nhanh hơn. Bởi vậy, chi tiêu mua sắm được xem như một công cụ điều tiết tổng cầu.
– Chi chuyển nhượng: Là các khoản trợ cấp của chính phủ cho các đối tượng chính sách như người nghèo hay các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội.
Chi chuyển nhượng có tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua việc ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân. Theo đó, khi chính phủ tăng chi chuyển nhượng sẽ làm tiêu dùng cá nhân tăng lên. Và qua hiệu số nhân của tiêu dùng cá nhân sẽ làm gia tăng tổng cầu.
Thuế
Có nhiều loại thuế khác nhau như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bất động sản… nhưng cơ bản thuế được chia làm 2 loại sau:
Thuế trực thu (direct taxes): Thuế đánh trực tiếp lên tài sản và/hoặc thu nhập của người dân
Thuế gián thu (indirect taxes): Thuế đánh lên giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong lưu thông thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế.
Trong một nền kinh tế nói chung, thuế sẽ có tác động theo hai cách. Theo đó:
Thứ nhất: Trái ngược với chi chuyển nhượng, thuế làm giảm thu nhập khả dụng của cá nhân từ đó dẫn đến chi cho tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ của cá nhân giảm xuống. Điều này khiến tổng cầu giảm và GDP giảm.
Thứ hai: Thuế tác động khiến giá cả hàng hoá và dịch vụ “méo mó” từ đó gây ảnh hưởng đến hành vi và động cơ khuyến khích của cá nhân.
5. Mục tiêu của chính sách tài khóa
Ở trong điều kiện bình thường, chính sách tài khóa được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế. Còn trong điều kiện nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái hay phát triển quá mức, chính sách lại trở thành công cụ được sử dụng để giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.
Chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu tăng trưởng và định hướng phát triển. Tăng trưởng (thu nhập), trực tiếp hay gián tiếp, đều là mục tiêu cuối cùng của chính sách.
6. Quản lý tổng cầu và chính sách tài khóa
Chính sách quản lý tổng cầu là sự kiểm soát tổng mức cầu trong nền kinh tế bằng cách sử dụng chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) hoặc các chính sách khác để giảm bớt những dao động trong hoạt động kinh tế. Mục tiêu chung của chính sách quản lý tổng cầu là cần phối hợp các CSTK và CSTT làm cho tổng cầu không bị thiếu hụt so với sản lượng tiềm năng, qua đó tránh tình trạng tổn thất sản lượng, đồng thời không tạo ra sản lượng quá cao dẫn đến lạm phát. Quá trình thực hiện chính sách cho thấy có thể chính sách được thực hiện một cách tùy nghi hay thực hiện theo các quy tắc xác định trước. Chính sách được thực hiện một cách tùy nghi cho phép các nhà hoạch định chính sách phản ứng nhanh chóng với những tình huống mang tích chất cú sốc xảy ra trong nền kinh tê. Tuy nhiên, chính sách tùy nghi dễ dẫn tới hiện tượng không nhất quán theo thời gian. Vấn đề khó là làm thế nào tính toán được chính xác khi xây dựng các quy tắc ra chính sách.
7. So sánh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa và chính sách tiền lệ là hai công cụ được thực thi trong một nền kinh tế, nó có những điểm giống và khác nhau cơ bản.
Xem thêm bài viết : Chính sách tiền tệ là gì? Vai trò của chính sách với nền kinh tế
8. Chính sách tài khóa (tài chính) quốc gia của việt nam 2016
Sau đây là một số bài viết của Báo Kiểm toán nhà nước và Báo đầu tư đánh giá về việc thực hiện chính sách tài khóa của nước ta vào năm 2016.
Nhiều bất cập trong thực hiện chính sách tài khóa năm 2016 – Bao Kiem Toan (baokiemtoannhanuoc.vn)
Những điểm chính về việc điều hành tài khóa, tiền tệ năm 2016 (baodautu.vn)
9. Mô hình đường IS-LM
Mô hình IS-LM: cũng được biết đến như là mô hình Hicks-Hansen, được nhà kinh tế học người Anh John Hicks (1904-1989) và nhà kinh tế học của Hoa Kỳ Alvin Hansen (1887-1975) đưa ra và phát triển. Mô hình IS-LM đã được sử dụng để kết hợp các hoạt động khác nhau của nền kinh tế: nó là sự kết hợp của thị trường tài chính (tiền tệ) với thị trường hàng hóa và dịch vụ. Trong nền kinh tế đóng thì mô hình không chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài nền kinh tế: xuất khẩu ròng (NX), tỷ giá hối đoái,lãi suất thế giới…
(Tài liệu thao khảo: Wikipedia, báo KTNN, báo đầu tư, thebank.vn và Wikinvest tổng hợp)