Chính sách là gì? Chính sách xã hội là gì?
2.1. Một số quan điểm về chính sách xã hội
1. Chính sách là gì?
Khi nghiên cứu về chính sách chúng ta thấy có rất nhiều cách thức hiểu khách nhau về khái niệm chính sách:
“Chính sách thường được thể chế hóa trong các quyết định, hệ thống pháp luật, các quy chuẩn hành vi và những quy định khác” (Nguyễn Đình Tấn)
“Chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay các nhà quản lý đề ra để giải quyết một vấn đề nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của mình”.(Lê Chi Mai)
“Chính sách là một quá trình hành động có mục đích được theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm”. (James Anderson. Hoạch định chính sách công, Houghton Mifflin, 1990, tr.5.)
“Chính sách là hoạt động chính trị, liên quan đến những mục tiêu cơ bản, một chuỗi các hành động, một tập hợp các quy tắc và điều chỉnh. Có thể phân tích chính sách theo nghĩa các giá trị, mục tiêu (targets), nguồn lực, phong cách và chiến lược”. (Bùi Thế Cường – Bài giảng: Chính sách xã hội)
Như vậy có thể hiểu rằng: Chính sách là hình thức tác động qua lại giữa các nhóm, tập đoàn xã hội gắn trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, hoạt động của nhà nước, của các đảng phái, thiết chế khác nhau của hệ thống chính trị nhằm thực hiện các lợi ích, các mục tiêu, nhiệm vụ của các nhóm, tập đoàn xã hội ấy.
Khi đề cấp đến chính sách luôn thấy bao hàm các yếu tố: Chủ thể xây dựng và thực hiện chính sách; Các nhóm xã hội khác nhau bị tác động bởi chính sách; Mục tiêu của chính sách là sự phát triển chung của toàn hệ thống.
Chính sách là tập hợp biện pháp của một chủ thể quản lý, tạo ra sự đối xử khác nhau giữa các nhóm trong một hệ thống xã hội, nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển chung của toàn hệ thống.
2. Chính sách xã hội là gì?
2.1. Một số quan điểm về chính sách xã hội
“Chính sách xã hội là lĩnh vực tri thức xã hội học, nghiên cứu hệ thống về các quá trình xã hội, quyết định hoạt động sống của con người trong xã hội. Chính sách xã hội như là sự hoà quyện của khoa học và thực tiễn, là sự phân tích phức hợp, dự báo về các quan hệ, các quá trình xã hội và sự vận động thực tiễn các tri thức thu nhận được nhằm mục đích quản lý các quá trình và quan hệ ấy. (V.z Rogovin – Chính sách xã hội trong xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển: Mocskva, 1980).
“Chính sách xã hội là công cụ của Đảng và Nhà nước để thực hiện và điều chỉnh những vấn đề xã hội đang được đặt ra đối với con người để thỏa mãn hoặc phần nào đáp ứng các nhu cầu cuộc sống chính đáng của con người, phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong những trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội của các thời kỳ nhất định, nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội…” (Phạm Tất Dong – Chính sách xã hội)
“Chính sách xã hội là hệ thống các quan điểm, cơ chế, giải pháp và biện pháp mà Đảng cầm quyền và Nhà nước đề ra tổ chức thực hiện trong thực tiễn đời sống nhằm kiểm soát, điều tiết và giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra trước xã hội” (Phạm Hữu Nghị).
“Chính sách xã hội là loại chính sách được thể chế bằng pháp luật của Nhà Nước thành một hệ thống quan điểm, chủ trương phương hướng và biện pháp để giải quyết những vấn đề xã hội nhất định, trước hết là những vấn đề xã hội liên quan đến công bằng xã hội và phát triển an sinh xã hội, nhằm góp phần ổn định, phát triển và tiến bộ xã hội”. (Lê Trung Nguyệt).
2.2. Khái niệm chính sách xã hội
Từ các quan điểm về về chính sách xã hội nêu trên có thể thấy rằng khái niệm chính sách xã hội bao gồm những yếu tố cơ bản hợp thành sau đây:
– Chủ thể đặt ra chính sách xã hội là ai? Tổ chức nào?
– Nội dung các chính sách xã hội dựa trên những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và thể chế nào?
– Các đối tượng nào sẽ chịu sự tác động của các chính sách xã hội?
– Những mục tiêu nhằm đạt tới của chính sách xã hội là gì?
Như vậy có thể hiểu: Chính sách xã hội là một hệ thống những quan điểm, chủ trương, phương hướng, biện pháp của nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội khác được thể chế hoá để giải quyết những vấn đề xã hội mà trước hết là những vấn đề xã hội gay cấn nhằm bảo đảm sự an toàn và phát triển xã hội.
Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, tìm cách tác động vào các hệ thống quan hệ xã hội (quan hệ các giai cấp, các tầng lớp xã hội, quan hệ các nhóm xã hội khác nhau) tác động vào hoàn cảnh sống của con người và của các nhóm xã hội, (bao gồm điều kiện lao động và điều kiện sinh hoạt) nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo đảm và thiết lập được công bằng xã hội trong điều kiện xã hội nhất định
5/5 – (1 bình chọn)