Chính sách hỗ trợ đánh bắt thuỷ sản xa bờ: Phải phù hợp với nguyện vọng của ngư dân

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hỗ trợ đến 95% tổng giá trị con tàu

 

 Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản được xem như một chương trình mang tính đột phát trong việc phát triển ngành khai thác thuỷ sản của Việt Nam. Nghị định bao gồm những chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thuỷ sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ, bọc vỏ thép, bọc vỏ chất liệu mới, có tổng công suất máy chính từ 380CV trở lên sẽ được vay vốn ngân hàng thương mại mức tối đa 95% tổng giá trị đầu tư, với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 4%/năm. Trường hợp đóng tàu vỏ gỗ mới, chủ tàu sẽ được vay tối đa 85% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 5%, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách cấp bù 3%/năm. Đối với tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất từ 380CV trở lên, bọc thép và các chất liệu mới, chủ tàu sẽ được vay vốn ngân hàng tối đa từ 70%-90% tổng giá trị đầu tư con tàu bao gồm cả ngư lưới cụ, lãi suất 5%/năm, chủ tàu trả từ 1%-2%/năm, phần còn lại sẽ do nhà nước cấp bù cho ngân hàng.

 

 Cũng theo Nghị định này, nhà nước sẽ hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có công suất máy chính dưới 380CV, 90% kinh phí đối với tàu có công suất máy chính từ 380CV trở lên; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên trên tàu; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, hướng dẫn vận hành thuyền vỏ thép…

 

 Hiện thực hoá ước mơ vươn khơi

 

 Theo ý kiến của các ngư dân tham dự buổi họp, chính sách mới này đã mang đến cơ hội cho các ngư dân xây dựng đội tàu đánh cá lớn, mạnh, phát triển mạnh mẽ ngành khai thác thuỷ sản, làm giàu cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân Thanh Hoá Phạm Gia Thanh cho biết, hiện anh đang làm chủ 9 chiếc tàu vỏ gỗ, tuy nhiên với những chiếc tàu lớn, dài hơn 25m, mã lực trên 1000CV, nếu được thiết kế vỏ gỗ thì rất yếu. Bản thân anh đã từng xin đi làm thuê cho các đội tàu cá bằng sắt của Trung Quốc để nghiên cứu cách làm ăn của họ và thấy rằng tàu vỏ sắt có rất nhiều ưu điểm. Do vậy, chính sách hỗ trợ này sẽ giúp ngư dân hiện thực hoá ước mơ vươn khơi bằng những đội tàu sắt lớn, ngư dân yên tâm, vững vàng bám biển trước sóng gió. Anh Trương Tày, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, cũng đánh giá đây là một động lực to lớn giúp bà con ngư dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, các ngư dân cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc cần phải thiết kế các con tàu vỏ sắt phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương khác nhau; việc duy tu, bảo dưỡng các con tàu vỏ sắt như thế nào khi vẫn chưa có các nhà máy sửa chữa, đóng mới loại tàu này tại các địa phương ven biển; sự bồi lấp luồng lạch, cửa sông, các bến tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền chưa được đầu tư, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền.

Tàu hậu cần nghề cá là ưu tiên cao nhất của chính sách này.

Đại tá Hà Sơn Hải, Tổng Giám đốc Công ty Sông Thu cho rằng, để chương trình hỗ trợ này thật sự hiệu quả, nhà nước cần có lộ trình phát triển của ngành khai thác và đánh bắt hải sản xa bờ, quy hoạch ngư trường. Đặc biệt phải tìm hiểu nhu cầu của người dân. “Không phải cứ phải tàu vỏ sắt mới có hiệu quả, mà tàu vỏ gỗ cũng có những ưu điểm của nó. Nhà nước nên tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra những mẫu thiết kế phù hợp với từng địa phương, từng ngư trường khác nhau để người dân lựa chọn. Quan trọng nhất là tiền phải đến tay người dân, không để thất thoát, mất mát, nếu không sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả” – Đại tá Hà Sơn Hải lưu ý.

 

 Địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ

 

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước là phải đẩy mạnh kinh tế biển, làm giàu từ biển. Trong đó ngành công nghiệp đóng tàu được ưu tiên phát triển, vừa phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống của ngư dân nhưng cũng vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Với những chính sách hỗ trợ lần này, Chính phủ ưu tiên cao nhất đối với việc đóng mới các tàu dịch vụ hậu cần vỏ sắt, chuyên cung cấp các nhu yếu phẩm, nước, dầu và thu mua hải sản ngay trên biển; hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ lớn, hiện đại, vươn khơi xa, bám biển dài ngày. Đồng thời tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu cảng, neo đậu, trú tránh bão. Phó Thủ tướng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đặc biệt là của các ngư dân nhằm hoàn chỉnh dự thảo Nghị định. Về đối tượng, Phó Thủ tướng thống nhất bổ sung các loại tàu đóng bằng vật liệu mới, kinh phí đầu tư nạo vét luồng lạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế rủi ro chặt chẽ…

 

 Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, bộ ngành cần nhanh chóng tập trung nghiên cứu, lấy ý kiến của ngư dân trong việc hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, trong đó chú ý các vấn đề về hỗ trợ đào tạo vận hành con tàu, cơ sở duy tu bảo dưỡng. Các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, khẩn trương triển khai thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình nếu thấy có hiệu quả. “Chính phủ sẽ giao quyền tự chủ thực hiện chương trình này cho các địa phương. Phải triển khai nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất ngư dân tiếp cận vốn vay, đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nghiên cứu, đưa ra các mẫu tàu, thuyền, các chủ tàu sẽ là người quyết định chọn mẫu nào, trang thiết bị, ngư lưới cụ nào phù hợp bởi họ mới chính là chủ thể của chính sách này” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

NGỌC THỦY