Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) là gì? Các yếu tố quyết định
Chính sách đối ngoại là tập hợp các chiến lược mà một quốc gia sử dụng trong quá trình tương tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa – xã hội, nhằm đạt được những mục tiêu khác nhau.
Chính sách đối ngoại
Khái niệm
Chính sách đối ngoại trong tiếng Anh là foreign policy.
Chính sách đối ngoại của một quốc gia là tập hợp các chiến lược mà quốc gia đó sử dụng trong quá trình tương tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa – xã hội, nhằm đạt được những mục tiêu khác nhau phù hợp với lợi ích của quốc gia đó.
Chính sách đối ngoại thường được coi là cánh tay nối dài của chính sách đối nội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, hay bảo vệ và tối đa hóa lợi ích quốc gia nói chung, thông qua các con đường như hợp tác, cạnh tranh, xung đột hoặc thậm chí chiến tranh.
Vai trò của chính sách đối ngoại ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, khi không quốc gia nào có thể tồn tại biệt lập và sự giao lưu, hợp tác ngày càng được chú trọng.
Các yếu tố quyết định
Nhìn chung, các nhân tố chủ chốt quyết định chính sách đối ngoại của một quốc gia bao gồm:
– Thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế;
– Tình hình chính trị và an ninh thế giới;
– Mục tiêu quốc gia mong muốn đạt được;
– Ảnh hưởng của bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại;
– Các nhân tố chính trị nội bộ (các nhóm lợi ích, giới truyền thông, công luận,…)
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều vấn đề đối nội đang có tác động lan tỏa ra ngoài biên giới quốc gia, các chính sách đối nội vì vậy cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đối ngoại và quan hệ ngoại giao của quốc gia này đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như các chính sách về kinh tế, đầu tư, nhập cư,…
Kể từ khi bắt đầu tiến hành sự nghiệp đổi mới từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế,…”
(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)