Chiêu lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” đã xuất hiện ở Lai Châu

Vừa học xong lớp 8, được nghỉ hè, tháng 6 vừa qua, Lù Xuân Huân, 14 tuổi, ở bản Suối Thầu, xã Bản Giang, huyện Tam Đường (Lai Châu) xuống Hà Nội làm thuê với mục đích kiếm tiền phụ giúp gia đình và thỏa trí tò mò, khám phá của tuổi mới lớn. Làm phụ hồ được gần 1 tháng, từ lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, Huân đã bỏ vào Tây Ninh rồi sang Campuchia để tìm việc.

Sang tới nơi, Huân đã ký vào bản hợp đồng lao động đến hết năm mà không hiểu rõ trong hợp đồng có những nội dung gì.

chieu lua sang campuchia lam viec nhe luong cao da xuat hien o lai chau hinh anh 1Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia đa phần là con em hộ nghèo ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, hiểu biết xã hội hạn chế.

Huân nhớ lại, ở bên đó em được ở trong một tòa nhà cao tầng, luôn có người canh gác bên ngoài cả ngày lẫn đêm. Hàng ngày công việc của em là sử dụng máy tính vào App có tên miền “mega-svip.com”, với mục đích làm quen, mời chào khách lập gian hàng và nạp tiền. Nếu ai không mời chào được khách thì bị họ đánh, dùng dùi cui điện trích vào người.

Không chịu đựng được các trận đòn đau, em đòi bỏ việc thì nhận được câu trả lời họ đã mua em với giá 1.000 USD; bây giờ không làm được, muốn về thì nộp trả 3.000 USD. Bố mẹ Huân đã phải vay ngân hàng số tiền 75 triệu đồng, trả cho các đối tượng lừa đảo để cứu em về.

Cũng là nạn nhân bị lừa như Huân, nhưng Lù A Goong, 17 tuổi, ở cùng bản Suối Thầu, phải nộp tới 100 triệu đồng vì chuyển tiền chậm hơn 3 ngày. Để có số tiền này, bố mẹ Goong đã phải cầm cố toàn bộ số ruộng cấy của gia đình, với lãi suất cao và lời hẹn hết năm không trả được sẽ mất ruộng. Giờ thì Goong đã về nhà, nhưng với nỗi lo rất lớn sẽ lấy đâu ra tiền để trả khi gia đình em thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của 6 nhân khẩu trong gia đình bây giờ chỉ trông chờ vào tiền công làm thuê của bố dượng và tiền công ít ỏi từ việc làm ghế mây của bà ngoại.

chieu lua sang campuchia lam viec nhe luong cao da xuat hien o lai chau hinh anh 2Nhiều gia đình phải bán trâu bò hoặc bán đất, cầm cố ruộng nương, hoặc vay ngân hàng để lấy tiền chuộc con

Lù A Goong kể: “Em có hai người bạn ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường đang làm việc ở Campuchia và chính 2 người đó đã giới thiệu để em sang bên đó làm việc. Sau khi kết nối với bạn, em được một người đàn ông nhắn tin rủ em và nhóm thanh niên cùng bản đang làm thuê ở Hà Nội và Bắc Ninh sang Campuchia làm việc trên máy tính, lương tháng 25 triệu đồng. Người đàn ông này sau đó bảo nhóm của em bắt taxi về bến xe Nước Ngầm, lên xe khách vào Tây Ninh; mọi chi phí, kể cả vé xe khách đều do họ chi trả cho nhà xe”.

“Chúng cháu ngồi xe vào tới bến xe Miền Đông thì có một người đàn ông đánh xe con ra đón, đi vào Tây Ninh. Sau khi nghỉ tại 1 nhà nghỉ khoảng 4 tiếng, tiếp tục có xe con đón đưa qua biên giới. Sang bên đó người ta cũng bảo công việc đơn giản, không áp lực, làm thoải mái; chỉ nhắn tin trên Facebook làm quen với những người giàu, giới thiệu App cho họ để họ mở gian hàng, nạp tiền thì mấy người bên đó họ lấy tiền về”, Lù A Goong nhớ lại.

Ngoài Huân và Goong, tại xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, thời gian qua cũng đã có 6 trường hợp bị lừa đưa sang Campuchia lao động, với lời chào mời “việc nhẹ lương cao”. Người bị lừa chủ yếu là trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi, ít hiểu biết xã hội và trình độ thấp, nên khi được giao việc công nghệ, máy tính đều không làm được. Không làm được việc và việc làm không có kết quả thì các em bị hành hung; không chịu được các trận đòn, các em buộc phải gọi điện về nhà nhờ người thân chi tiền cứu về. Các gia đình có con em bị lừa hầu hết thuộc diện hộ nghèo và để có tiền chuộc con, họ đã phải vay mượn, cầm cố tài sản, bán đất đai hoặc vay ngân hàng.

chieu lua sang campuchia lam viec nhe luong cao da xuat hien o lai chau hinh anh 3Các nạn nhân bị lừa đều trong độ tuổi vị thành niên từ 14 đến 17 tuổi

Ông Quách Tá Thiện, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường cho biết: “Xã đã nắm được tình hình một số trường hợp công dân trên địa bàn đi làm ăn xa và bị các đối tượng xấu dụ dỗ sang Campuchia. Trước tình hình đó, UBND xã đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phối hợp với các cấp, các ngành để tập trung điều tra nắm tình hình. Xã cũng đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xuống các bản để tăng cường tuyên truyền cho nhân dân nắm tình hình, nâng cao cảnh giác về việc các đối tượng lợi dụng các trường hợp đi làm ăn xa để lừa các cháu”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, hiện địa phương đã ghi nhận hơn 20 trường hợp là nạn nhân của các vụ lừa đảo sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”, hầu hết là trẻ vị thành niên từ 14 đến 17 tuổi. Đến nay đã có 10 người được gia đình bỏ tiền chuộc về, với số tiền chuộc từ 75 triệu đến hơn 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê ban đầu và số lao động bị lừa có thể nhiều hơn thế khi nhiều gia đình chưa trình báo. Tình trạng lừa công dân sang Campuchia làm việc thực sự là hồi chuông cảnh báo về công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề và tạo việc làm của cơ quan chức năng địa phương dành cho đối tượng vị thành niên sau tốt nghiệp THCS./.