Chiến tranh Việt Nam được tái hiện chân thực qua 5 bộ phim – Wanderlust Tips
- Nam miền Bắc
0
)
Chiến tranh Việt Nam giờ đây đã thuộc về quá khứ, chỉ còn diễn ra trên các trang sử, trong những thước phim tài liệu đã được ghi lại. Không có nỗi đau nào đau bằng nỗi đau chiến tranh, trải qua những năm thang ây, Việt Nam đã quằn mình hứng chịu mưa bom bão đạn, người dân khốn khổ cùng cực, chiến đấu đến những giây phút cuối cùng để giành về nền độc lập cho dân tộc.
Cùng Wanderlust Tips điểm mặt 5 bộ phim tái hiện chân thực nhất về chiến tranh Việt Nam mà nhất định phải xem nhé
Chung một dòng sông (1959)
Chung một dòng sông là bộ phim năm 1959 của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, đánh dấu sự ra đời của nền điện ảnh Cách mạng nước nhà. Tuy nhiên, phải hơn 6 năm sau – năm 1959, bộ phim truyện đầu tiên mang tên Chung một dòng sông mới ra đời.
Chung một dòng sông tái hiện cuộc Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khi đó. Theo Hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam – Bắc của Việt Nam. Hai nhân vật Hoài và Vận yêu nhau từ hồi cùng trong Chiến tranh Việt-Pháp. Sau 1954 họ định làm lễ cưới, nhưng khi thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu thì cảnh sát phía Nam không cho họ lên bờ. Mối tình của họ bị ngăn cản.
Hai nhân vật chính trong phim, thể hiện cho chiến tranh chia cắt 2 miền Việt Nam.
Chung một dòng sông đã đề cập tới một vấn đề nóng bỏng của thời gian đó. Đề tài chia cắt này cũng gặp nhiều trong văn học nghệ thuật ở cả miền Nam và miền Bắc như ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp, Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn hay Chuyến đò vĩ tuyến của Lam Phương. Năm 1970, phim được giải “Bông Sen vàng” trong Liên hoan phim toàn quốc lần thứ hai.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)
Tiếp tục là một bộ phim lấy cảm hứng từ chiến tranh Việt Nam chia cắt 2 miền. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là một bộ phim của đạo diễn Hải Ninh năm 1972. Đây là một bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Nội dung phim kể về những chiến sĩ chiến đấu vì cách mạng, đặc biệt là người phụ nữ. Tiêu biểu cho hình ảnh ấy trong phim là chị Dịu với tinh thần kiên cường, không lùi bước trước kẻ thù, nguyện hy sinh bản thân vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại. Bộ phim đã tô đậm thêm bản anh hùng ca của dân tộc bằng ngôn ngữ điện ảnh với những đại cảnh hoành tráng lẫn số phận của những con người nhỏ bé, ở cả hai phía chính diện và phản diện.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã giành được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới và Giải nữ diễn viên xuất sắc cho Trà Giang tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1973.
Em bé Hà Nội (1974)
Em bé Hà Nội là một bộ phim nhựa do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974, khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, khi quân đội Hoa Kỳ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền Bắc Việt Nam, khiến thành phố trở nên hoang tàn và những em bé thất lạc người thân của mình.
Bộ phim kể về hành trình tìm bố mẹ và em gái mất tích của cô bé Ngọc Hà với sự trợ giúp của những người lính cách mạng tốt bụng. Cảnh phim khắc họa rõ nét về cuộc sống của con người Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Cảnh phim tái hiện lại những đại cảnh không lực Mỹ oanh tạc bầu trời Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam, cảnh máy bay Mỹ dội bom vào nhà máy, vườn trẻ hay cảnh dân ta anh hùng giáng trả lại chúng những đòn quyết liệt…khiến người xe sẽ phải rùng mình choáng ngợp.
Cố NSND Hải Ninh – đạo diễn Em bé Hà Nội từng chia sẻ: “Chúng tôi làm phim mang đề tài chiến tranh, nhưng với khát vọng hòa bình mãnh liệt. Không đề cập đến thắng – thua từ hai phía, bộ phim chỉ ca ngợi tình thương yêu của người Hà Nội trong chiến tranh. Đó là điều kì diệu tạo nên sức mạnh để giành chiến thắng”.
Em bé Hà Nội thành công không chỉ bởi hiệu quả hoành tráng, mà còn bởi chiều sâu của bộ phim. Đó là bộ mặt tàn bạo, nghiệt ngã của chiến tranh, không phải trong khói lửa mù trời, trong tiếng đạn bom rền vang mà qua những cảnh ngộ, số phận và tâm trạng sâu thẳm của nhân vật.
Phim đạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần III, giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1975 và giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại Liên hoan phim Quốc tế Syria.
Hà Nội 12 ngày đêm (2002)
Hà Nội 12 ngày đêm của NSND – đạo diễn Bùi Đình Hạc được hoàn thành vào năm 2002. Đây là một bộ phim chân thật, sống động, ngợi ca tinh thần quyết chiến và quyết thắng của quân và dân Thủ đô trong chiến tranh Việt Nam.
Phim tái hiện cuộc chiến ác liệt – Điện Biên Phủ trên không của nhân dân Hà Nội. Bộ phim khắc họa rõ nét bối cảnh của cuộc chiến chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vô cùng anh dũng, hào hùng của dân tộc ta.
Không dừng lại ở việc miêu tả chiến công, những người làm Hà Nội 12 ngày đêm cố gắng để bộ phim đạt được những giá trị nghệ thuật mang đậm tính nhân văn. Trong những thời khắc ác liệt của cuộc chiến vẫn sáng ngời tình yêu của những người con Hà Nội. Trong phim, đạo diễn tái hiện một đêm “hoà bình” giữa cuộc chiến ác liệt – đó là đêm Noel, tháng 12-1972. Tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, mọi người để tang cho những người đã mất.
Với những cảnh quay có sử dụng kỹ xảo, âm thanh vòm tập thể, Hà Nội 12 ngày đêm là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam có sự đầu tư lớn và chỉn chu về kỹ thuật ra mắt vào những năm đầu thế kỷ 21.
Hà Nội 12 ngày và đêm được tham dự, trình chiến ở 10 Liên hoan phim quốc tế để quảng bá về hình ảnh đất nước, con người cũng như ý chí chiến đấu quật cường của quân và dân ta.
Mùi cỏ cháy (2012)
Mùi Cỏ Cháy là một trong những bộ phim tiêu biểu cho chiến tranh Việt Nam dựa trên kịch bản của Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn bởi Nguyễn Hữu Mười đã giành được giải Cánh Diều Vàng năm 2011 và được đặc cách tham gia Liên Hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên.
Mùi cỏ cháy là bộ phim lấy bối cảnh cuộc chiến tại thành cổ Quảng Trị trong sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972. Nội dung phim là ký ức về cuộc chiến cùng những đồng đội của người lính cũ khi ông quay lại chiến trường xưa. Bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng Long, những chàng trai đôi mươi lạc quan yêu đời trước ngày nhập ngũ vẫn vui vẻ cười đùa và cùng nhau chụp một tấm ảnh kỉ niệm. Nhưng chiến tranh khốc liệt đã cướp đi sinh mạng của ba người bạn, sau cùng chỉ có Hoàng sống sót trở về.
Cả bốn chàng trai lên đường nhập ngũ đều mang trong mình khát vọng chiến thắng trở về, cùng chung sống trong hòa bình của đất nước. Nhưng chiến tranh vô nghĩa đã lấy đi sinh mạng của họ. Kết thúc phim là cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975 và Việt Nam đã thực sự có được sự yên bình sau đó, nhưng nỗi đau mất mát về những người thân yêu thì vẫn còn chẳng thể nào nguôi ngoai.
Các tác giả phim đã không cố gắng tái hiện toàn cảnh cái khốc liệt của “cối xay thịt” một thời – Quảng Trị theo cách làm phim của phương Tây, mà chấm phá một cách ấn tượng cái khốc liệt đó để chia sẻ những khát vọng sống của tuổi trẻ một thời.
Mặc dù còn nhiều hạn chế trong việc tạo dựng bối cảnh, bộ phim vẫn được đánh giá cao về tính nhân văn sâu sắc khi truyền tải những khát vọng, tình cảm cũng như tôn vinh sự hy sinh cao cả của lớp thanh niên trẻ trong thời kỳ kháng chiến.
Ngày Tết độc lập sắp đến, để có được một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc như hôm nay, bao thế hệ quân và dân ta đã phải ngã xuống, hi sinh tại các chiến trường, trong các cuộc chiến tranh Việt Nam.
Giờ đây, những trang sử hào hùng đó được tái hiện lại trong những trang sử, những bộ phim mà chắc chắn nếu là một người con yêu nước, chúng ta nên xem một lần. Xem để hiểu về chiến tranh, về con người và về tinh thần quật cường, sẵn sàng ngã xuống để Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân của những người con đất Việt.
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cnet.
Bài viết này có hữu ích?
Để lại đánh giá của bạn!