Chiến lược marketing của SABECO: Thương hiệu bia Made in Việt Nam

SABECO là một trong những thương hiệu bia nổi tiếng tại Việt Nam. Để đạt được thành công này, SABECO đã triển khai những chiến lược Marketing một cách hiệu quả. Hãy cùng phân tích và tìm hiểu chiến lược Marketing của SABECO trong bài viết dưới đây.

Giới thiệu tổng quan về thương hiệu SABECO

Theo VNR500, Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SABECO) có tiền thân là Nhà máy bia Sài Gòn được thành lập năm 1977. Năm 2004, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con và chính thức cổ phần hóa, đổi tên thành Tổng công ty CP bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SABECO) vào đầu năm 2008. 

Ngày 06/12/2016, cổ phiếu của Tổng Công ty được niêm yết trên sàn giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Ngày 18/12/2017, sau khi Nhà nước thoái vốn khỏi SABECO, công ty Vietnam Beverage sẽ trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ 53.59% cổ phần của SABECO. Vietnam Beverage được thành lập tháng 10/2017 với vốn điều lệ 681.66 tỷ đồng. Hãng bia Thái Lan ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi gián tiếp sở hữu 49% cổ phần của F&B Alliance Việt Nam, công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Vietnam Beverage.

Trong suốt quá trình hoạt động, SABECO luôn được đánh giá là đơn vị dẫn đầu ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của ngành, địa phương và đất nước. SABECO hiện đang nắm giữ 40% thị phần sản xuất bia tại Việt Nam, phân phối khắp cả nước và xuất khẩu tới gần 20 quốc gia trên thế giới. 

Những năm qua, SABECO luôn duy trì được tốc độ phát triển vượt trội hàng năm trên 20%. Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610ml và bia chai 33 dung tích 330ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special , bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường. 

Trải qua bao khó khăn và thách thức, đến nay , dù trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều thương hiệu bia nổi tiếng trên thế giới, nhưng Bia Sài Gòn và Bia 333 vẫn đang là thương hiệu Việt dẫn đầu thị trường bia Việt Nam và đang trên đường chinh phục các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Nhật, Hà Lan…

Phân tích mô hình SWOT của thương hiệu SABECO

Mô hình SWOT là một công cụ nổi tiếng được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng bởi tính hữu ích trong việc giúp các nhà quản lý phân tích các yếu tố quan trọng bên trong và ngoài doanh nghiệp để từ đó thiết lập nên các chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh phù hợp. 

SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng giúp doanh nghiệp có thể phân tích cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả.

Thông qua phân tích SWOT, doanh nghiệp sẽ nhìn rõ mục tiêu của mình cũng như các yếu tố trong và ngoài tổ chức có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, từ đó có những chiến lược bán hàng phù hợp để có thể tăng doanh thu. 

Về phân tích SWOT của SABECO, thương hiệu này có một số điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục cũng như cơ hội có thể nắm bắt và thách thức cần đối mặt như sau.

Strengths (Điểm mạnh)

Thị phần lớn: Hiện tại, SABECO là thương hiệu bia chiếm thị phần lớn nhất trong ngành, với gần 40% (2019).

Thương hiệu lâu đời: Thành lập vào năm 1875, tính đến nay SABECO đã có hơn 145 năm hình thành và phát triển. Có thể nói rằng, SABECO là một trong những thương hiệu quốc gia lâu đời nhất, cũng như là thương hiệu tiên phong trong ngành bia rượu – nước giải khát Việt Nam. Chính lẽ đó, SABECO đã thành công chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng bằng việc khẳng định sự vượt trội của một thương hiệu truyền thống trường tồn qua thời gian.

Tiêu chuẩn chất lượng cao: Để giữ vững vị thế là thương hiệu bia số 1 trong suốt hơn 145 năm qua, SABECO đã không ngừng cải tiến sản phẩm, nguyên liệu đầu vào. Luôn sẵn sàng học hỏi, sáng tạo, và đổi mới để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu ngày càng cao và liên tục thay đổi của thị trường. 

Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu đồng thời đảm bảo mức giá bình ổn giúp công ty hạn chế được tình trạng tồn kho, và sản phẩm cũng đến tay người tiêu dùng ngay sau khi xuất xưởng. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là với ngành F&B khi mà chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng đi xuống nếu để tồn đọng hàng trong kho.

Công nghệ hiện đại: Hiện nay, SABECO là hãng bia ứng dụng các công nghệ tối tân nhất, trải qua các kiểm định khắt khe với quy trình sản xuất gồm 12 bước, mang tới cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất. 

Sự phát triển gắn với trách nhiệm xã hội cũng là truyền thống của SABECO. Với việc áp dụng khoa học công nghệ, SABECO mong muốn cùng chia sẻ và gánh vác những trách nhiệm trong công cuộc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng những hành động thiết thực nhất.

Weaknesses (Điểm yếu)

Giá nguyên liệu đầu vào cao: Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào với chất lượng cao nhất, SABECO đã tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp từ nước ngoài như malt (hạt đại mạch), hoa houblon, enzyme được nhập khẩu từ các nước trong khu vực châu Âu, châu Úc và Mỹ. Điều này khiến chi phí cho nguyên liệu đầu vào khá cao, từ đó làm giảm lợi nhuận của thương hiệu này.

Lợi nhuận ngày càng bị đối thủ bỏ xa: Dù là doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần nhưng nếu nhắc tới lợi nhuận sau thuế, Sabeco không phải là doanh nghiệp bia thành công nhất Việt Nam. 

Năm 2019, Sabeco vẫn giữ được vị thế dẫn đầu thị trường khi ghi nhận doanh thu thuần 37.899 tỷ đồng, cao hơn 16% so với mức 31.867 tỷ đồng của Heineken. Tuy nhiên, lãi sau thuế của Heineken lại vượt xa 40% so với Sabeco, đạt mức 8.949 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, mức chênh lệch này là 63%, 40%, 71%.

Opportunities (Cơ hội)

Thị trường tiềm năng: Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á và đứng thứ 3 Châu Á về tiêu thụ bia. Năm 2019 tổng sản lượng sản xuất bia đạt hơn 5 tỷ lít (tăng 22.9% so với cùng kỳ năm 2018); tiêu thụ đạt hơn 4 tỷ lít (tăng 29.1% so với cùng kỳ năm trước). Có thể nói rằng Việt Nam là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho ngành bia, nếu biết nắm bắt tốt thì đây sẽ là cơ hội rất lớn cho SABECO.

Tiềm năng về thị trường xuất khẩu: Theo Brandsvietnam, các nước ASEAN hay Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam với mức tiêu dùng đồ uống tăng mạnh. Giai đoạn 2010 – 2019, sản lượng bia xuất khẩu tăng hơn năm trước, đạt hơn 46 triệu lít, trị giá 45,87 triệu USD. Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết cũng hứa hẹn nhiều cơ hội.

Threats (Thách thức)

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Theo nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từ 01/01/2020, người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành bia Việt Nam, khi mà cổ phiếu các doanh nghiệp này ngay lập tức sụt giảm 13%.

Cạnh tranh gay gắt: Sự gia nhập của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước có ảnh hưởng tiêu cực và đe dọa trực tiếp tới SABECO khi mà hãng bia này trong những năm gần đây luôn để mất thị phần vào tay đối thủ. Cách đây 10 năm, Heineken chỉ chiếm 19,7% thị phần bia Việt Nam trong khi đó đối với SABECO, con số này là 45,5%.

Tuy nhiên những năm gần đây, Heineken ngày càng gia tăng thị phần giúp hãng bia này rút ngắn khoảng cách với Sabeco xuống còn 6.1% (2019). Vì vậy, SABECO cần phải đưa ra các chiến lược đúng đắn để giữ vững vị trí số 1 của mình.

Đánh thuế cao: Đồ uống có cồn tại Việt Nam phải chịu 3 loại thuế: thuế nhập khẩu (từ 5-80% tùy loại FTA), thuế giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (tăng mạnh từ mức 50% lên 65% năm 2018). Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho toàn ngành bia nói chung, và vấn đề đặt ra cho SABECO là làm thế nào để giữ mức giá cạnh tranh nhất so với đối thủ của mình.

>> Đọc thêm: Chiến lược STP là gì tại đây https://amis.misa.vn/26570/stp-la-gi/

AMIS aiMarketing – Bộ công cụ Marketing hợp nhất trên một nền tảng

AMIS aiMarketing là giải pháp phần mềm hỗ trợ Marketing bao gồm tất cả các công cụ marketing cần thiết trên một nền tảng duy nhất giúp doanh nghiệp triển khai chiến dịch Marketing hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng hơn và gia tăng chuyển đổi.

Bộ giải pháp bao gồm:

  • Công cụ gửi Email Marketing
  • Công cụ dựng Landing page
  • Công cụ Workflow, CTA, Form
  • Quản lý data khách hàng tiềm năng, đồng bộ dữ liệu với Sale
  • Báo cáo hiệu quả Marketing đa chiều

Phân tích chiến lược Marketing Mix của SABECO

SABECO là một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Để đạt được thành công này, SABECO đã triển khai những chiến lược Marketing Mix theo mô hình 4P một cách hiệu quả. Vậy chiến lược Marketing của SABECO là gì? SABECO đã triển khai chiến lược Marketing Mix như thế nào?

Chiến lược Marketing của SABECO về sản phẩm (Product)

Sản phẩm luôn là cốt lõi của mọi doanh nghiệp, và một sản phẩm tốt cần đáp ứng được nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng, nếu không sẽ bị đối thủ giành mất thị phần hay thậm chí bị đào thải khỏi thị trường.

Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610ml và bia chai 33 dung tích 330ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special, bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt góp mặt đầy đủ trên thương trường. 

Về chất lượng, các sản phẩm của SABECO đều trải qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Trước khi mang tới tay người tiêu dùng, mỗi sản phẩm đều được kiểm định theo quy trình sản xuất 12 bước như sau:

Xay nghiền: Nghiền nhỏ hạt malt (hoặc hạt gạo) đến kích thước yêu cầu để các thành phần trong nguyên liệu có thể hòa tan vào nước và giải phóng ra enzym để xúc tác quá trình thủy phân sau đó.

Nồi nấu malt: Thủy phân các hợp chất cao phân tử như tinh bột, protein thành các hợp chất lên men được như đường malto, gluco, axit amin,… Kết thúc quá trình nấu tại nồi malt sẽ thu được dịch ngọt nên quy trình này được gọi là quá trình đường hóa.

Nồi lọc dịch hèm: Là quá trình tách vỏ trấu của hạt malt ra khỏi dịch đường.

Nồi đun sôi: Dịch đường trong được đun sôi với hoa bia để tạo vị đắng đặc trưng, đồng thời quá trình đun sôi cũng làm bay hơi và kết tủa các hợp chất không mong muốn và tiệt trùng dịch nha.

Nồi tách cặn: Loại bỏ các thành phần như cánh hoa bia, các kết tủa hình thành trong quá trình đun sôi.

Giải nhiệt nhanh: Dịch nha sau đun sôi (100 độ C) được đưa về nhiệt độ thích hợp cho nấm men hoạt động như 10 – 15 độ C. Nhiệt độ này tùy thuộc vào chủng loại nấm men và loại bia.

Tank lên men: Dịch nha lạnh cùng với nấm men được đưa vào tank lên men để tiến hành quá trình lên men. Nấm men sẽ sử dụng đường được hình thành trong giai đoạn nấu để tạo thành Cồn và khí CO2. Các hợp chất tạo mùi thơm cho bia cũng được nấm men tạo thành trong giai đoạn này. 

Kết thúc quá trình lên men, nấm men sẽ được thu hồi ra khỏi tank lên men để tái sử dụng cho lần lên men tiếp theo. Dịch bia sau lên men sẽ được chuyển sang tank ủ bia để bắt đầu quá trình lên men phụ.

Tank ủ bia: Là quá trình chuyển hóa hoặc loại bỏ các hợp chất không mong muốn hình thành trong quá trình lên men như diacetyl. Quá trình ủ bia kết thúc khi hàm lượng các chất này giảm đến mức mong muốn và đạt thời gian theo yêu cầu của từng loại bia.

Làm lạnh lâu: Bia trước khi qua quá trình lọc sẽ được làm lạnh sâu xuống nhiệt độ âm để hình thành cặn lạnh. Các cặn lạnh này sẽ được loại bỏ trong quá trình lọc trong sau đó.

Lọc trong bia: Nấm men, cặn lạnh, … sẽ được loại bỏ để làm cho bia trở nên trong suốt.

Tank bia trong: Bia sau khi lọc được chứa trong tank bia trong để chờ quá trình chiết, đóng gói.

Chiết bia: Là quá trình bia được chiết vào các dạng bao bì khác nhau để đánh ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Keg bia có dung tích 2 lít, 5 lít, 20 lít, 30 lít hoặc 50 lit. Bia được chiết vào lon có dung tích 330ml, 500ml. Bia chai có dung tích 330ml, 450ml, 500ml, 750ml. Dung tích bia chai, bia lon phụ thuộc vào chiến lược thị trường và thị hiếu tiêu dùng của từng quốc gia.

Chiến lược Marketing của SABECO về giá (Price)

Giá (Price) là một trong bốn yếu tố cấu thành quan trọng trong marketing mix. Nó đóng vai trò quyết định trong việc mua hàng của người tiêu dùng, còn đối với công ty, giá có vai trò quyết định việc cạnh tranh trên thị trường. Việc đưa ra chiến lược giá trong marketing có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Theo McKinsey, chỉ cần cải thiện yếu tố giá 1% sẽ làm tăng lợi nhuận lên 6% . Điều đó có tác động hơn cả việc giảm 1% chi phí biến đổi (làm tăng lợi nhuận 3,8%) hoặc giảm 1% chi phí cố định (làm tăng 1,1% lợi nhuận). 

Hiện nay, trên thị trường bia có rất nhiều thương hiệu cạnh tranh với SABECO như Heineken, Habeco, Carlsberg,… Chính vì vậy, để có thể cạnh tranh được với đối thủ, cũng như giữ vững thị phần số 1 của mình, SABECO đã áp dụng chiến lược định giá sản phẩm thâm nhập thị trường (Penetration Pricing Strategy).

Định giá xâm nhập là một chiến lược marketing được các doanh nghiệp sử dụng để thu hút khách hàng đến với một sản phẩm hoặc dịch vụ mới bằng cách đưa ra mức giá thấp so với thị trường trong lần chào bán đầu tiên. Giá thấp hơn giúp một sản phẩm hoặc dịch vụ mới xâm nhập thị trường và thu hút khách hàng từ đối thủ cạnh tranh. Định giá xâm nhập thị trường dựa trên chiến lược sử dụng giá thấp ban đầu để thu hút nhiều khách hàng biết đến một sản phẩm mới.

Mục tiêu của chiến lược định giá xâm nhập thị trường là lôi kéo khách hàng dùng thử sản phẩm mới và củng cố thêm thị phần với hy vọng giữ chân khách hàng ở lại khi giá bán tăng trở lại mức bình thường. Các ví dụ về chiến lược định giá này có thể kể đến các website về tin tức trực tuyến khi họ cung cấp một tháng miễn phí cho dịch vụ đối với những khách hàng đăng ký sử dụng hoặc một ngân hàng cung cấp tài khoản miễn phí trong sáu tháng.

Đối tượng mục tiêu của SABECO thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân, vì vậy các sản phẩm của SABECO được ấn định mức giá trung bình và thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, các sản phẩm của SABECO có giá thành từ 11.500đ/lon 330ml đến 255.000đ/thùng 24 lon 330ml. Đây là mức giá phù hợp với đa số thu nhập của người dân Việt Nam.

>> Đọc thêm: 10 chiến lược định giá phổ biến trong Marketing

Chiến lược Marketing của SABECO về hệ thống phân phối (Place)

Thông qua việc sử dụng đúng hệ thống phân phối, một công ty có thể tăng doanh số và duy trì những số liệu tích cực trong một khoảng thời gian dài hơn. Điều này có nghĩa là một thị phần lớn hơn và tăng doanh thu và lợi nhuận. 

Xác định vị trí chính xác là một hoạt động quan trọng mà nó được tập trung vào việc tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu vào đúng thời điểm. 

Hiện nay hệ thống phân phối của SABECO trải dài 3 miền đất nước. Cụ thể, Công ty Thương mại – Dịch vụ Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) tham gia góp vốn thành lập 10 công ty cổ phần thương mại tại các vị trí trọng điểm:

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Đông Bắc với các chi nhánh tại Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Giang.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Miền Bắc với các chi nhánh tại Tây Bắc, Ninh Bình.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Bắc Trung Bộ với các chi nhánh tại Hà Tĩnh, Quảng Trị.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Miền Trung với các chi nhánh tại Quảng Ngãi, Bình Định.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ với các chi nhánh tại Ninh Thuận, Bình Thuận.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Tây Nguyên với các chi nhánh tại Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Miền Đông với các chi nhánh tại Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Trung Tâm với các chi nhánh tại Thủ Đức, Củ Chi.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Sông Tiền với các chi nhánh tại Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh.

  • Công ty CPTM Bia Sài Gòn Sông Hậu với các chi nhánh tại Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Đồng thời, SABECO đưa sản phẩm của mình vào trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Mega Market, BigC, Vinmart, Circle K… Cùng với đó, để tiếp cận thêm nhiều tập khách hàng, cũng như tăng độ phủ thị trường của mình, các cửa hàng bán lẻ truyền thống như cửa hàng tạp hóa ở địa phương cũng được chú trọng.

Ở thị trường nước ngoài, hãng bia này hiện đã xuất khẩu sản phẩm Bia SAIGON tới nhiều thị trường trên khắp thế giới, bao gồm:

  • Châu Mỹ: Mỹ, Canada, Chile, Panama…

  • Châu Âu: Đức, Nga, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha…

  • Châu Úc: Úc, New Zealand

  • Châu Phi: Tây Phi

  • Châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines,  Malaysia, Lào, Campuchia,… 

Chiến lược Marketing của SABECO về xúc tiến hỗn hợp (Promotion)

Xúc tiến là một hoạt động kinh doanh cần thiết để bắt kịp nhịp độ với thị trường tiêu thụ. SABECO là thương hiệu rất thành công với các chiến lược quảng bá sản phẩm của mình thông qua các hoạt động quảng cáo, khuyến mại, các hoạt động xã hội… 

Khuyến mại

SABECO cũng là một thương hiệu tích cực tung ra nhiều chương trình khuyến mại: 333  – Chung niềm vui lớn, bật nắp bia chai SAIGON LAGER,… với hàng loạt giải thưởng hấp dẫn như xe Honda SH, TV Samsung…

Trong năm 2020, trước tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, SABECO đã áp dụng chương trình “Giao bia tận nhà – Nhận quà thả ga”, theo đó giúp người tiêu dùng có thể thực hiện tốt chỉ thị giãn cách xã hội mà không cần phải ra hàng quán uống bia. Đặc biệt, khi đặt 01 thùng Bia Saigon/Bia 333/ Bia Lạc Việt là khách hàng sẽ nhận ngay 01 khẩu trang kháng khuẩn 2 lớp.

Quảng cáo

SABECO quảng cáo sản phẩm của mình trên các kênh truyền hình mà số lượng người xem đông như VTV1, VTV3,… Bên cạnh đó, hãng bia này cũng tiến hành quảng cáo sản phẩm qua những Billboard ở đường phố hay các banner trên các trang web.

Một trong những chiến dịch quảng bá thành công của SABECO là chiến dịch “Có thể bạn không cao, nhưng người khác cũng phải ngước nhìn” cho sản phẩm Saigon Special. Ngay khi bắt đầu chiến dịch, câu slogan này đã trở nên viral hơn bao giờ hết, đến mức nó trở thành câu nói cửa miệng của rất nhiều người khi muốn động viên nhau hãy tự tin, hãy khác biệt để thể hiện mình.

Đến nay, dù Saigon Special đã xuất hiện thêm phiên bản đóng lon nhưng cái tên “Sài Gòn lùn” vẫn được sử dụng rộng rãi như 1 sự yêu mến của người tiêu dùng dành cho nhãn hiệu này. 

Hoạt động xã hội

SABECO cũng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xã hội, trong số đó nổi bật nhất là chiến dịch “Về nhà ăn Tết”. Với sứ mệnh đưa hàng nghìn người lao động có ý chí vươn lên trong cuộc sống trở về sum họp bên gia đình những ngày đầu năm mới, SABECO mong muốn khẳng định vị thế thương hiệu quốc gia của SABECO, vừa đóng góp kinh tế cho quốc gia, vừa đảm bảo trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Bằng việc hợp tác với hơn 20 KOLs và influencer, thương hiệu đã đạt mục tiêu lan truyền chiến dịch của mình rộng rãi hơn cũng như đúng đối tượng mục tiêu của chương trình. Đồng thời, SABECO cũng đánh dấu sự kết hợp với ban nhạc Bức Tường cho ra mắt MV “Đường đến ngày vinh quang” được biến tấu phù hợp với bối cảnh của chiến dịch. Từ đó, đạt được hiệu quả cao nhất.

Xuyên suốt gần 2 tháng thực hiện, chiến dịch đã đạt được nhiều kết quả tích cực:

  • Top 4 tương tác ngành hàng Bia 

  • Top 7 tương tác toàn thị trường

  • 7.7 triệu người được tiếp cận đến chiến dịch

  • 245,412 người tương tác với chiến dịch

  • $304,000 media Value

  • 2,000 người lao động được sum họp với gia đình

Tổng kết

SABECO là một trong những thương hiệu bia nổi tiếng tại Việt Nam. Để đạt được thành công này, SABECO đã triển khai những chiến lược Marketing một cách hiệu quả.

Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp tới các bạn những thông tin chi tiết như:

  • Giới thiệu tổng quan về thương hiệu SABECO

  • Phân tích mô hình SWOT của thương hiệu SABECO

  • Phân tích chiến lược Marketing Mix của SABECO

Hy vọng bạn đã học hỏi được những kiến thức hữu ích từ chiến lược marketing của SABECO, từ đó giúp triển khai các chiến lược marketing hiệu quả cho doanh nghiệp của mình!

Tham khảo thêm một số nội dung hay khác: 

 7,606 

Đánh giá bài viết

[Tổng số:

0

Trung bình:

0

]