Chiến lược cạnh tranh là gì? Phân loại các chiến lược cạnh tranh phổ biến

Thị trường khốc liệt đòi hỏi doanh nghiệp muốn có chỗ đứng và chiếm lĩnh thị phần phải xây dựng được chiến lược cạnh tranh độc đáo và bài bản. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu chiến lược cạnh tranh là gì, phân loại và tìm hiểu 1 số ví dụ về các chiến lược cạnh tranh phổ biến hiện nay.

1. Chiến lược cạnh tranh là gì?

Khái niệm

Chiến lược cạnh tranh (tiếng anh là Competitive Strategy) là hệ thống các kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực, đồng thời chủ động phân tích và đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong ngành, so với đối thủ và so với chính mình trong cách thức triển khai trước kia.

Vai trò của chiến lược cạnh tranh

Để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh đầy biến động, doanh nghiệp cần phải tạo dựng được lợi thế cạnh tranh khác biệt. Chiến lược cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thương trường, chiếm được thị phần riêng và tạo ra sự vượt trội đối với lợi tức đầu tư (ROI). Đồng thời kết hợp với các hành động, kế sách để chống lại áp lực cạnh tranh từ thị trường và thu hút được nhiều khách hàng hơn.

2. Phân loại chiến lược cạnh tranh 

Các chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp thường được thể hiện dưới 2 hình thức cơ bản là chi phí thấp và khác biệt hóa. Kết hợp 2 điều này với mục tiêu, chiến lược tổng thể của doanh nghiệp sẽ được phân loại thành 4 loại chiến lược cạnh tranh: Chiến lược dẫn đầu về chi phí, chiến lược khác biệt hóa, chiến lược tập trung chi phí và chiến lược tập trung phân biệt.

chien-luoc-canh-tranh

2.1. Chiến lược cạnh tranh dẫn đầu về chi phí (Cost leadership strategy)

Định nghĩa:

Chiến lược cạnh tranh dẫn đầu về chi phí là loại chiến lược nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chi phí thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành, từ đó đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn với mức giá thấp nhất có thể.

Để thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp cần phải tính toán sao cho chi phí thấp nhất và bán được nhiều hàng hóa nhất.

Đặc điểm:

  • Áp dụng cho thị trường ở phạm vi rộng lớn và bỏ qua các phân đoạn thị trường, vì vậy thường có doanh số cao, bán được nhiều hàng.

  • Vì có chi phí thấp nên doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng khi nhà cung cấp hay khách hàng tăng/ giảm/ ép giá.

  • Chiến lược này có thể áp dụng cho cả công ty sản xuất và nhà phân phối.

  • Các nguồn lợi thế chi phí mà doanh nghiệp có thể áp dụng có thể kể đến là công nghệ độc quyền, sản xuất lô lớn, nguồn nguyên liệu, nhân công giá thấp… Trong đó sản xuất quy mô lớn là hình thức được sử dụng nhiều nhất.

  • Tuy nhiên, chiến lược này cũng dễ để đối thủ áp dụng. Đôi lúc vì chi phí rẻ nên chất lượng không thực sự đáp ứng thị hiếu khách hàng, khả năng cạnh tranh thấp.

Ví dụ về chiến lược cạnh tranh dẫn đầu về chi phí

Vietjet Air: Mô hình hàng không giá rẻ thay đổi luật chơi ngành hàng không Việt Nam

9 năm kể từ chuyến bay đầu tiên cất cánh, Vietjet Air đã trở thành một trong những hãng hàng không đông khách nhất tại Việt Nam, góp phần “bình dân hóa” phương tiện đi lại mà trước đó vẫn được coi là đắt đỏ mà chỉ 1% dân số tại Việt Nam dám chi tiền để đi. Đây là chiến lược cạnh tranh cực kỳ hiệu quả đã đem lại thành công to lớn cho Vietjet Air, tạo dựng chỗ đứng vững chắc và chiếm thị phần lớn trong ngành hàng không.

Vì xác định là mô hình hàng không giá rẻ, Vietjet Air đã cắt bỏ hầu như các dịch vụ gia tăng trên các chuyến bay của mình như chi phí hành lý ký gửi, các suất ăn, tạp chí, cắt bỏ các phương tiện giải trí… và chỉ phục vụ theo nhu cầu của khách hàng, sẽ trả phí thêm nếu muốn có các dịch vụ này. Nhờ đó mà khách hàng mua được các tấm vé với chi phí tiết kiệm nhất có thể, đánh vào nhu cầu, khả năng tài chính của khách hàng. 

Mô hình hàng không giá rẻ của Vietjet Air không chỉ mang đến cơ hội đi máy bay cho nhiều người hơn mà nhờ đó còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường hàng không Việt Nam. Cho đến hiện tại, Vietjet Air vẫn là thương hiệu dẫn đầu về chi phí thấp và tiếp tục thu hút đông đảo khách hàng ở cả đường bay nội địa và quốc tế.

2.2. Chiến lược cạnh tranh khác biệt hóa (Differentiation Strategy)

Định nghĩa:

Chiến lược cạnh tranh khác biệt hóa là loại chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp chiếm thị phần, tạo lợi thế cạnh tranh nhờ việc phát triển các tính năng độc đáo, sự khác biệt của sản phẩm trên thị trường. 

Để thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp phải nghiên cứu và phân tích cặn kẽ để hiểu khách hàng và đổi mới sản phẩm, tiếp thị hiệu quả để khách hàng biết đến những lợi ích, tính năng đặc biệt mà sản phẩm của bạn mang lại cho họ.

Đặc điểm:

  • Có thể tạo ra khác biệt, lợi thế cạnh tranh ở chất lượng vượt trội, tính năng, độ bền, mẫu mã, giá cả phải chăng…

  • Nhờ tính chất riêng biệt sẽ giúp tạo ra lượng khách trung thành lớn cho doanh nghiệp và gia tăng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ

  • Bên cạnh việc khác biệt hóa sản phẩm, có thể tạo sự khác biệt hóa về dịch vụ và hỗ trợ, nhân sự chuyên nghiệp, hình ảnh và uy tín thương hiệu…

  • Tính khác biệt giúp thỏa mãn nhu cầu của khách hàng do mang tính độc quyền mà đối thủ không thể có cho nên có thể đề xuất giá cao hơn so với mức trung bình trong cùng lĩnh vực.

  • Đồng nghĩa với việc tạo nên sự độc đáo, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra số vốn lớn và thời gian để nghiên cứu, phân tích và phát triển chiến lược.

Ví dụ về chiến lược cạnh tranh khác biệt hóa:

Chiến lược đáng học hỏi từ ông vua công nghệ Apple

Bắt đầu từ những năm 1980, Apple đã thành công khẳng định vị trí vượt trội của mình trên thương trường nhờ các chiến lược khác biệt hóa và độc đáo của mình:

  • Về thiết kế:

    Các sản phẩm của Apple như Iphone, Ipad, Ipod, Apple Watch đều có thiết kế ấn tượng và bắt mắt. Thậm chí nhiều người dùng còn quan tâm đến thiết kế hơn là tính năng khi các phiên bản mới của các sản phẩm ra đời. Với logo quả táo cắn dở đã làm nên thương hiệu, trở thành biểu tượng công nghệ hàng đầu.

  • Về hệ điều hành:

    Apple đã nghiên cứu và xây dựng các hệ điều hành chỉ dành riêng cho sản phẩm của mình. Không phải là hệ điều hành Window như các hãng máy tính khác, Macbook dùng hệ điều hành Mac OS của mình, với tính ổn định và bảo mật cao. Không phải là Android như đa số các hãng điện thoại khác, Iphone, Ipad chạy bằng hệ điều hành iOS mượt mà hơn, ổn định hơn.

  • Về truyền thông:

    Không cần phải chi quá nhiều tiền để quảng cáo rầm rộ, Apple đã dựa vào chiến lược marketing truyền miệng, “tạo ra tin đồn” khiến cho khách hàng tò mò, mong ngóng về sản phẩm của mình chỉ với “1 buổi ra mắt”. Và dù chưa tiết lộ thông tin về sản phẩm mới, nhưng những lời đồn thổi từ giới truyền thông đã khiến khách hàng háo hức, mong muốn được sở hữu sản phẩm của Apple trong tay.

chien-luoc-canh-tranh

2.3. Chiến lược cạnh tranh tập trung chi phí (Concentration Strategy)

Định nghĩa:

Chiến lược cạnh tranh tập trung chi phí là loại chiến lược nhằm tạo ra và áp dụng giá thành thấp nhất, tuy nhiên chỉ tập trung thực hiện tại 1 phân khúc thị trường cụ thể.

Đặc điểm:

  • Chiến lược này có nét tương tự chiến lược cạnh tranh chi phí. Tuy nhiên so với việc áp dụng ở quy mô quy mô thị trường rộng lớn thì sự khác biệt là doanh nghiệp sẽ dồn lực để triển khai chiến lược tập trung chi phí tại 1 phân khúc thị trường có tiềm năng nhất.

  • Chiến lược cạnh tranh tập trung chi phí sẽ giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng thích mua sản phẩm giá rẻ hay các chương trình khuyến mại. 

  • Khách hàng mục tiêu được định hình rõ nét hơn, không cần dàn trải nhưng quy mô bán hàng vẫn lớn vì ưu điểm chi phí thấp.

Ví dụ về chiến lược cạnh tranh tập trung chi phí:

Công ty cung cấp dịch vụ xe ôm Grab, khi đối đầu với các đối thủ lớn trên thế giới đã lựa chọn tập trung phát triển tại thị trường Đông Nam Á, đồng thời tiếp cận bản địa hóa theo thị trường tại từng nước. Họ đã tối đa hóa chi phí phải bỏ ra bằng cách xây dựng các phần mềm và quảng bá dịch vụ rộng rãi trên Internet. Thông qua phần mềm có thể dễ dàng kết nối tài xế và khách hàng đang ở gần nhau, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đồng thời, Grab cũng thường xuyên tạo ra các khuyến mãi, voucher đánh vào tâm lý thích giá rẻ, chất lượng tốt qua đó thu hút được nhiều khách hàng hơn, trở thành công ty cung cấp dịch vụ xe ôm số 1 tại những thị trường này.

2.4. Chiến lược cạnh tranh tập trung phân biệt

Định nghĩa:

Chiến lược cạnh tranh tập trung phân biệt là loại chiến lược mà doanh nghiệp tập trung tạo ra sự khác biệt khi đánh vào một phân khúc thị trường nhất định. 

Đặc điểm:

  • Tương tự chiến lược cạnh tranh khác biệt, doanh nghiệp có thể tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu, đội ngũ…Tuy nhiên chỉ áp dụng tại 1 phân đoạn thị trường đang nhắm tới.

  • Áp dụng chiến lược này giúp thu gọn nhóm khách hàng mục tiêu, làm thỏa mãn và hài lòng nhu cầu, thị hiếu của họ. Mang tới sản phẩm/ dịch vụ chất lượng cao, độc đáo.

Ví dụ về chiến lược cạnh tranh tập trung khác biệt:

So với các đối thủ từ lâu đời như Coca Cola hay Pepsi, Tân Hiệp Phát là cái tên gia nhập thị trường đồ uống giải khát khá muộn. Tuy nhiên, nắm bắt thị hiếu và thói quen uống trà của người tiêu dùng Việt Nam, Tân Hiệp Phát đã tiến hành nghiên cứu và phát triển một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ tại phân khúc thị trường này. Đó là trà xanh không độ, trà thảo mộc Dr. Thanh đã tạo nên những cơn sốt, tiên phong về sản phẩm nước ngọt không ga an toàn cho sức khỏe. 

Nhờ tập trung vào một phân khúc thị trường cụ thể, tạo ra những sản phẩm khác biệt đánh đúng tâm lý và thỏa mãn nhu cầu, sở thích của khách hàng nên Tân Hiệp Phát đã thành công trong chiến lược cạnh tranh lần này.

3. Mối quan hệ giữa chiến lược cạnh tranh và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Chiến lược cạnh tranh là 1 phần quan trọng không thể thiếu nằm trong chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp. Nó sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đạt được chiến lược kinh doanh đặt ra, phát huy tối đa nguồn lực, đạt lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, từ đó xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo môi trường ổn định để triển khai các chiến lược kinh doanh khác.

Ngược lại, chiến lược kinh doanh là tiền đề để xác định ưu/ nhược điểm của bản thân doanh nghiệp, định hình doanh nghiệp đi đúng hướng trong mọi kế hoạch. Nhờ đó mà chiến lược cạnh tranh được xây dựng đúng hướng, tận dụng được cơ hội, thời cơ từ thị trường và phát huy tối đa hiệu quả.

chien-luoc-canh-tranh

Doanh nghiệp muốn kinh doanh bền vững thì phải xây dựng được chiến lược cạnh tranh cũng như chiến lược kinh doanh tối ưu – lâu dài, đặc biệt phải xác định rõ ràng ngay từ bước lập kế hoạch kinh doanh. Để giúp CEO làm điều đó, đội ngũ chuyên gia tại Sodes đã dày công nghiên cứu và xây dựng nên BỘ TÀI LIỆU SODES LẬP KẾ HOẠCH KINH DOANH TỪ A-Z:

Với đầy đủ mẫu biểu, hướng dẫn chi tiết giúp CEO nhanh chóng định vị doanh nghiệp, phát huy lợi thế, xây dựng lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ để có chỗ đứng độc nhất trên thị trường, thuận lợi kinh doanh. Ngoài ra, còn giúp nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, xây dựng kế hoạch tài chính chi tiết, kế hoạch nhân sự đúng người đúng việc, kế hoạch marketing thu hút, kế hoạch mua hàng – bán hàng, dự trù rủi ro chuẩn xác…

Thông tin chi tiết xem tại: https://sodes.vn/kehoachkinhdoanh/01