Chia sẻ kinh nghiệm và chi phí sinh con tại Viện C – Phụ Sản Trung Ương — BÁN & CHO THUÊ MÁY HÚT SỮA TẠI HÀ NỘI

MẸ SỮA Chia sẻ kinh nghiệm và chi phí sinh con tại Viện C – Phụ Sản Trung Ương

Chi phí sinh tại Bệnh viện phụ sản Trung ương mới nhất 2015

benhvien_vovgiaothong_1802

Đối với nhiều mẹ bầu đang phân vân với câu hỏi: nên hay không nên đi đẻ ở Viện C, chi phí sinh con ở bệnh viện phụ sản Trung Ương như thế nào. Bài tổng hợp chia sẻ kinh nghiệm sinh ở Viện C này chính là giải đáp quý báu dành cho các mẹ bầu.

 

Kinh nghiệm đẻ Viện C của mẹ bé Candy mới nhất 2015

Mình vừa đẻ thường ở C. Mới đầu thực sự có lúc mình cảm thấy stress vì nghĩ phải đẻ ở đấy nghe nhiều người tả nhà vệ sinh bẩn ra làm sao, bác sĩ y tá quát mắng như nào… Cũng định chuồn ra viện tư đẻ nhưng không dám vì là bé đầu tiên.

Mình đăng kí làm hồ sơ sinh ở phòng khám 56 Hai Bà Trưng. Mình thấy làm nhanh lắm. Số thì chủ động gọi điện đặt trước đi, chịu khó xếp hàng 1 tý, mọi thứ xét nghiệm thăm khám đều làm trong 1 khu. Đến những tuần cuối mình đi siêu âm, đều được vào trước vì bụng to quá.

Đến ngày đẻ thì mình vỡ ối sớm, nhập viện là 4g sáng. Nói thật lúc ý chả có tâm trạng đâu mà để ý nhà vệ sinh sạch hay bẩn, nhưng nước thì đúng là không có thật, giấy vệ sinh tất nhiên không có, những cái này xác định trước ở nhà là mang giấy khô giấy ướt đi còn cũng bẩn bình thường thôi, như nhà vệ sinh trường học ấy mà.

Sau khi khám ngoài và khai hồ sơ thì sẽ tập hợp vài người lại rồi có y tá đưa lên phòng sinh. Khu này chia làm 2 phần, chờ đẻ và đẻ. Phòng chờ đẻ cũng rộng rãi, sạch sẽ. Phòng đẻ thì luôn lên thấy máu, và luôn luôn được dọn ngay lập tức

Kh đi đẻ mình hiểu rõ là với áp lực công việc như thế, làm việc trong môi trường toàn bà bầu nhăn nhó, di chuyển chậm chạp,… Bác sĩ hộ lý khó mà dịu dàng thân thương với chúng ta được. May mắn thế nào hôm ý toàn thực tập dễ tính, bác sĩ hiền lành, mình không bị nặng lời 1 câu nào hết. Người ta sẽ khám trong, rồi cho đo cơn gò, rồi chia ca gọi đi khám trong, đi siêu âm, cho tớ lúc bạn có thể lên bàn đẻ được thì thôi.

Cảm nhận của mình là nhân viên viện C xử lý cực nhanh, chuyên nghiệp. Người ta đỡ đẻ liên tục hết giường này đến giường khác. Trước khi đỡ có 1 đội chuẩn bị, sau đỡ có người kiểm soát nhau, khâu, xong xuôi lập tức có người dọn quấn chiếu.

Miễn là 2 bên thông cảm cho nhau, mình đau cũng cố chủ động, giúp ngừoi ta làm vệ sinh nhanh chóng dễ dàng, tự khắc người ta sẽ không nhăn nhó khó chịu với mình, đi đẻ thấy nhẹ nhàng lắm.

Sinh xong hộ lý sẽ chuyển về hậu sản cũng ngay trong khu đấy. Nằm độ mấy tiếng, bạn nào có người quen thì có phòng dịch vụ, không thì chuyển lên tầng 6.

Mình vỡ ối lúc 3g sáng, 4g nhập viện, 8h rưỡi lên bàn đẻ, 9g kém thì em bé ra sinh xong thì mình được 1 giường dịch vụ, 2 mẹ con ở qua đêm đến đúng 9g kém hôm sau xin về, tổng thiệt hại là 800 ngàn ( có bảo hiểm ) + 1 triệu cám ơn khoa.

Dù nhà vệ sinh khu dịch vụ cũng không đạt chuẩn dịch vụ nhưng có đứa nữa mình vẫn sẽ đẻ ở C. Thứ nhất là an toàn , thứ 2 là giá cả. Sau khi sinh xong mình cảm thấy bỏ tiền vào các viện mấy chục triệu thật phí, mẹ chịu 1 tý, để dành tiền làm việc khác thấy mình cũng được việc phết.

Các mẹ chuẩn bị sinh ở C tâm lý cứ thoải mái nhé, đông thì đông thật, điều kiện có hạn chế nhưng không phải vượt ngưỡng hay cái gì không chấp nhận được đâu.

Chúc cả nhà mẹ tròn con cũng tròn nha.

 

Kinh nghiệm đẻ Viện C của mẹ bé Bống

Mình đẻ mổ, mình thấy nằm viện C là khổ rồi, nhưng vì muốn yên tâm nên cố gắng chịu vài ngày vậy.

Chỉ lưu ý các mẹ vài điều (đẻ mổ nhé)

1/ vào phòng chờ đẻ là cách ly ngay, chỉ liên lạc với người thân qua cửa sắt thôi (mà cũng phải đến giờ mọi người được lên cơ)

2/ các mẹ không nên để đau quá lâu như mình, dẫn đến mất sức

(mình đau từ sáng, đến trưa thì đau dồn dập, đến tối mở được 2cm, đây có thể là nguyên nhân khiên em bé suy thai và phải mổ, khoảng 10 giờ tối mình không chịu được nữa thì y tá bảo có đẻ không đau không, mình đồng ý, lên bàn, bác sĩ kích thích cho mở được 4cm, và tiêm mũi vào tủy sống, nhưng em bé lại suy thai, nên phải mổ)

3/ Màn khám trong đau kinh khủng, mình gặp phải bà y tá không biết thương người, bà ý khám trong xong mình leo xuống, mà máu chảy tong tỏng, mình khóc hu hu, bà ý lạnh lùng bảo: “đau thế cơ à”

4/ Bạn nên ăn no, uống đủ nước, nhóp nhép liên tục vào, kẻo đến lúc đau dồn dập là không thể ăn được đâu (như mình, đến 11h đêm đi mổ, mổ xong đói khát như chưa bao giờ đói khát đến thế, mà xin y tá trực họ nói “không có nước đâu em”. lúc mổ xong họ có cho chồng vào ngó, thì bạn bảo chồng để điện thoại lại để cần gì mình gọi (cũng không biết họ có cho người nhà lên không mà gọi?)

5/ cầm theo điện thoại để khi về phòng nào còn biết nhắn tin cho người nhà vào, đỡ phải đi tìm như nhà mình

6h sáng hôm sau mình về phòng, nhưng 10h30 mới đến giờ vào thăm
khoảng 9h30 sẽ có y tá đi tiêm (toàn các em thực tập), hình như em ý quên không tiêm giảm đau sau mũi tiêm co bóp dạ con (vì mình mổ), nên sau khi tiêm co bóp dạ con mình đau bụng còn hơn cả đau trước khi đẻ, như có bàn tay nào nhào bóp trong bụng mình ấy, khoảng 10h y tá bế con trả mình mà mình không thể nhìn được con, vì đau, cũng không ký nổi giấy nhận con nữa, lúc đấy vẫn đang 1 mình, chưa đến giờ vào thăm.

6/ là màn bí tiểu, buồn tiểu nhưng không thể đi được, sau mình phải gọi y tá thông cho

7/ sẽ bị ghép giường vào các sáng, chồng mình lại phải đi nhờ y tá trưởng ca trực để nhờ họ chuyển mẹ kia đi (hàng sáng) vì hôm nào cũng đi hỏi phòng dịch vụ mà không có.

 

Kinh nghiệm sinh con ở bệnh viện phụ sản Trung Ương của mẹ Thùy Chi (Hà Nội)

Do bị cao huyết áp, có nguy cơ tiền sản giật nên mình vừa vào viện C điều trị 5 ngày, xin chia sẻ cùng các mẹ ít kinh nghiệm với mẹ nào có nhu cầu muốn sinh ở viện C.

– Tất cả những bệnh nhân mắc bệnh lý ( cao huyết áp, tim, khó thở…) đều dồn hết vào khoa sản 1 (khoa bệnh lý), chủ nhiệm khoa là TS. Trần Danh Cường ( BS. Cường nổi tiếng ở 12 Tôn Thất Thiệp). Sau này sinh xong đều phải về khoa này để theo dõi trong vong 5 ngày. Kể cả bạn đã đăng ký gói dịch vụ 12 triệu thì bệnh viện vẫn chuyển bạn về đây để tiện theo dõi.

– Vì là khoa bệnh lý nên bệnh nhân rất đông ( cả bầu và đã sinh rồi, chủ yếu là sinh mổ), mỗi giường 1m3 ( hay 1m4) có 5 người, những ai bầu thì tối trải chiéu xuống đất nhường giường cho các mẹ sinh mổ.

– Ngày đầu tiên sau sinh mổ thì mỗi một bệnh nhân được 1 người nhà vào chăm sóc 24/24 và nằm 2 người một giường 1m2 nhưng tới ngày hôm sau thì bệnh nhân phải tự thân vận động (thương mấy chị sinh mổ lắm, đau đơn thế mà phải tự dậy đi thay bỉm, tự đi vệ sinh) và dồn về phòng 5 người/ giường. Bệnh viên quy định nghiêm ngặt giờ thăm bệnh nhân:

+ sáng: 6h hoặc 6h30 đến 7h
+ trưa từ 10h30 tới 1h
+ chiều từ 3h30 đến 9h30 tối.

Em bé thì nằm ở một khu riêng, hàng ngày mẹ hoặc người nhà có thể xuống thăm nhưng chỉ được nhìn mặt khoảng 1 phút thôi. Lúc nào mẹ ra viện thì xuồng làm thủ tục đón con về cùng.

– Về đò đạc mang đi sinh thì mình thấy là chỉ mang theo những thứ sau;
+ 1 chậu nhỏ ( rửa mặt)
+ 1 chậu lớn hơn một chút để thay rửa vệ sinh
+ 1 phích nước
+ khăn mặt, nước muối xúc miệng
+ 3 đôi tất cho mẹ
+ 1 chiếc cốc uống nước + 1 ca múc nước
+ 1 bô dành cho bệnh nhân ( bô dài để đi vệ sinh tại giường, giá bản ngoài cồng viện khoảng 50K)
+ quần lót giấy
+ bỉm người lớn ( 5 chiếc + viện phát cho 3 chiếc)
+ 1 bịch BVS Diana mama
+ một bộ quần áo mặc cho mẹ khi ra viện
+ một bộ quần ao cho con + khăn choàng + khăn bông bay+ 1 đôi tất tay chân cho con khi ra viện
+ khăn xô hoặc miếng thấm sửa trong trường hợp mẹ nhiều sữa/ bình hút sữa trong trường hợp sữa chưa về
+ 1 hộp sữa đặc có đường ( uống nóng để nhanh về sữa)
Nằm viện 5 ngày chỉ cần từng ấy đồ thôi các mẹ ạ, thiếu gì nhờ người nhà mang vào sau.

 

Kinh nghiệm sinh con tại Viện C của mẹ bé Bobby

Mùng 3 tết năm Nhâm Thìn, mình sinh rồng con tại bệnh viện Phụ sản TW, khi ra viện tổng viện phí của mình hết hơn 7 triệu và đã được trừ tiền bảo hiểm rồi nhé. (không tính tiền cám ơn bác sỹ mổ) mình nghĩ nếu đẻ thường thì khoản cám ơn này chắc tầm 1000k – 1500k thôi.

Mình mổ đẻ xong, bác sỹ vỗ vai chồng mình bảo chuẩn bị 5 triệu để cám ơn kíp mổ. Híc híc, quá nhiều so với bình thường, nhưng khi mình vào phòng nằm thì 1 phòng có 3 sản phụ, đây là phòng dịch vụ, thì 1 mẹ nữa cũng do bác sỹ ấy mổ và cũng phải cám ơn 5 triệu theo yêu cầu của bác sỹ ấy. Bình thường mình thấy cám ơn bác sỹ là do mình tự chuẩn bị cơ, mọi người thường cám ơn khoảng 2500k – 3000k thôi. Hay mình sinh vào mùng 3 tết, đúng đợt nghỉ tết nên đắt thế?

Khi vào viện phụ sản TW thì các mẹ cần chuẩn bị việc đầu tiên là tiền.

– Phòng dịch vụ: Mình vỡ ối từ 9h sáng và vào đến viện lúc 9h30 sáng. Con mình 3,9kg và mình vỡ ối sớm, cũng không có cơn đau đẻ nên Mình đợi mổ mà đến 4h chiều mới được mổ.
Trong lúc đợi mổ thì chồng mình xuống đăng ký phòng dịch vụ mà không đăng ký được, ng ta cứ bảo khi nào đẻ xong hãy xuống đăng ký.
Lúc đẻ xong mình bảo bác sĩ đăng ký phòng cho mình, bác sĩ gọi chồng mình bảo đưa 300k đăng ký phòng dịch vụ, vậy là mất 300k để đăng ký phòng. Cũng may là còn phòng, sáng hôm sau là hết phòng luôn.

– Viện cho mượn 1 phích nước, khoảng 10 tã, 2 khăn nỉ nhỏ. Các mẹ lưu ý: những thứ viện cho mượn nếu không dùng thì nhớ bảo quản để khi ra viện phải trả lại đồ, thiếu sẽ bị trừ tiền nhé, mình thiếu 2 tã bị trừ mấy chục ngàn đấy, khoản này quên rồi.

– Nước nóng: Trong phòng thì có nước nóng thoải mái dùng. Nhưng pha sữa cho con thì mua nước ở căng tin. Vào dịp tết nên bác sĩ ko đi kiểm tra gắt gao, mình mang bình siêu tốc vào đun nước pha sữa cho con .
– Có quần áo cho mẹ và cho con nhưng mình vẫn mặc cho con quần áo do mình mang đến viện.
– Hàng ngày, buổi sáng thì có y tá tắm cho con, mình có nhét vào tã 50k cho y tá tắm nhưng họ trả lại.
– Thìa cốc, bình sữa,…. đồ dùng cá nhân nên chuẩn bị.
– Các mẹ nhớ mang theo cả chứng minh thư nữa nhé.
– Thẻ bảo hiểm thì cần để thanh toán viện phí.

 

Chia sẻ kinh nghiệm đẻ Viện C của mẹ bé Coca:

Mình vừa sinh bé ở viện C này. Lúc bắt đầu vào viện họ sẽ bắt mình nộp trước 3 triệu, khi mọi thứ xong xuôi, bệnh viện sẽ tính toán tất cả các chi phí và trả lại số tiền thừa cho mình (trừ luôn 80% tiền bảo hiểm). Mình lúc đầu cũng dự định sinh thường nhưng bé bị vướng không ra được nên lại chuyển sang mổ, tất cả chi phí hết có 2,5 triệu thôi. Về phòng dịch vụ có 4 loại: phòng 700k/ngày (2 giường rộng, có wc riêng), phòng này dành cho những người đăng ký đẻ mổ trọn gói từ trước; phòng 500k/ngày (2 giường, wc riêng), 400k/ngày (3 giường nhỏ hơn) và phòng 300k/ngày (3 giường bé). Nếu lấy được phòng dịch vụ bạn nên chọn phòng 500 ngàn ý, giường vừa rộng rãi, người nhà mình ở lại trông cũng có thể nằm cùng thoải mái, lại vừa sạch sẽ. Mình hồi ý minh không biết nên không nói trước với chị mình nhờ (chỉ nhờ lấy được phòng dịch vụ là ok rồi), nằm phòng 300 ngàn, vừa bí vì phòng nhỏ, người nhà không thể nằm cùng được, đêm có ở lại trông thì trải chiếu nằm đất, có cố nằm chung thì mình cũng phải nằm vẹo sang 1 bên, vừa đau vết mổ vừa chật chội, hơn nữa muốn đi wc phải ra tận đầu hành lang, gió máy, bất tiện lắm. Nếu đã nằm phòng dịch vụ thì tốt nhất là lấy đc phòng 500 ngàn, đắt hơn chút nhưng sướng.

 

Chia sẻ chi phí đẻ Viện C của mẹ bé Chíp:

Mình có đứa bạn, bà cô nó vừa đẻ mổ tuần trước ở đây, có bảo hiểm được thanh toán 80%, chi phí khoảng như sau:

1. Chi phí sinh mổ sau khi trừ bảo hiểm còn khoảng 1,5 triệu.

2. Chi phí lót tay cho bác sỹ mổ: 2 triệu

3. Chi phí cho ca mổ (bao gồm gây tê, y tá phụ mổ): 1 triệu

4. Lót tay cho y tá quen biết 500 nghìn, lót tay để được nằm nhà D 500 nghìn, lót tay cho 2 y tá ở phòng hậu phẫu cho gia đình vào thăm 2 mẹ con lâu: 500 nghìn.

Tổng tất cả khoảng 6 triệu tất cả bạn ạ.

Theo mình nếu không có bảo hiểm thì chi phí cao phết đấy, không có BH thì bạn đăng ký gói dịch vụ 12 triệu còn hơn bạn ạ.

 

Hướng dẫn tỉ mỉ và kinh nghiệm sinh mổ tại Viện C của mẹ bé Xốp

1. Nhập viện

Nếu muốn nhập viện nhanh chóng ở viện C, bạn phải đi khám và làm hồ sơ đăng kí đẻ tại đây bắt đầu từ tuần thứ 28 trở đi. Bạn có thể chọn làm hồ sơ nhập viện dưới hai hình thức: dịch vụ và không dịch vụ. Tức là nếu bạn đăng ký đẻ theo gói dịch vụ, bạn sẽ được nằm phòng dịch vụ sau khi đẻ, chất lượng phục vụ tốt hơn và giá tiền thì cũng cao hơn nhưng được cái thoáng đãng, 1 mẹ 1 con 1 giường. Còn nếu kinh tế không cho phép hoặc bạn thấy không cần thiết thì có thể sử dụng gói đăng ký không dịch vụ trong viện C (không phải trong phòng khám 56 Hai Bà Trưng đâu nhé), gói này rẻ hơn nhưng cũng có độ rủi ro cao hơn khi khả năng 2 mẹ – 2 con thậm chí là 3 mẹ – 3 con chung 1 giường nếu vào mùa cao điểm. Vì vậy khuyên chân thành nàng nào dự định sinh mổ thì đăng ký gói dịch vụ cho thoải mái mấy ngày lưu trú lại bệnh viện, còn nàng nào sinh thường chỉ cần theo dõi trong 24h thì đăng ký gói không dịch vụ cho rẻ (nhưng chưa chắc đã ngon và bổ vì viện C đông lắm hic)

Sau khi làm thủ tục đăng ký đẻ tại viện C, bạn sẽ được phát cho một số ghi trên sổ y bạ, đó là mã số của bạn. Khi nhập viện chỉ cần đọc mã số hoặc đưa sổ y bạ, bác sĩ sẽ tìm hồ sơ của bạn dễ dàng hơn.

Nhập viện nhanh chóng và không mất thời gian, bạn nên đi cổng Viện C ở Tràng Thi, nhà E. Ngay khi vào cổng rẻ tay phải là nhìn thấy ngay. Tại đây bác sĩ sẽ thăm khám đo độ mở cổ tử cung, nhịp tim của thai nhi và huyết áp của mẹ (có thể siêu âm nếu bác sĩ thấy cần) sau đó hoàn thiện hồ sơ, phát quần áo và đưa lên phòng chờ đẻ – tầng 3, nhà D.

Một số lưu ý cho các mẹ khi nhập viện chuẩn bị đẻ ở Viện C:

– Quần áo: không cần mang, bệnh viện sẽ phát. Đồ bạn đang mặc đưa người nhà mang về. Đồ mặc sau sinh khi xuất viện người nhà mang vào sau cũng được vì trong thời gian ở viện bạn hoàn toàn phải mặc quần áo của bệnh viện.

– Đồ ăn, thức uống: có thể đem 1-2 chai nước và vài cái bánh vào để ăn cầm hơi. Phòng chờ đẻ cho phép người nhà vào thăm bệnh nhân trong 3 thời điểm: sáng 7h, trưa 11h và tối 7h nên bạn không lo bị bỏ đói ở trong bệnh viện đâu.

– Chuẩn bị tinh thần đc thăm khám đo độ mở cổ tử cung, siêu âm, đo nhịp tim thai và cơn co… nhiều lần trong ngày. Nhiều mẹ khá sợ hãi và lo lắng khoản này vì tự dưng lại bị… chọc ngoáy vào khu vực vốn rất nhạy cảm của phụ nữ. Nhưng các mẹ phải hiểu đấy là thủ tục bắt buộc, và khi thực hiện thủ thuật này tips là cứ thả lỏng người và thật thoải mái, càng thoải mái và cố gắng thư giãn bao nhiêu, cổ tử cung sẽ mềm mại và bác sĩ sẽ thao tác dễ dàng, nhẹ nhàng cho chúng ta bấy nhiêu.

– Việc thăm khám đo độ mở cổ tử cung có thể dẫn đến việc ra nhiều chất nhầy màu đỏ, thậm chí là chảy máu – đây là việc hoàn toàn bình thường. Nó cũng là biểu hiện cho thấy cổ tử cung của bạn đang co bóp để chuyển dạ sinh em bé. Vì vậy bạn cần chuẩn bị một ít bvs hàng ngày và quần lót giấy (nếu thấy cần thiết/ cá nhân mình khuyên dùng quần lót giấy, dùng xong bỏ đi luôn đỡ phải giặt giũ, mà lại sạch sẽ) để thay.

– Thời gian chờ chuyển dạ với mỗi người mỗi khác. Có người chuyển dạ nhanh, có người chuyển dạ chậm. Thêm đó, bị cách ly với người thân và theo dõi trực tiếp việc bác sĩ đỡ đẻ, tiếng kêu rên của các sản phụ khác có thể làm các mẹ lo lắng, bồn chồn, hồi hộp, sợ hãi… Cứ bình tĩnh nhé! Có thể đeo tai nghe vào và nghe một bản nhạc êm dịu, cố gắng thư giãn, như vậy sẽ tốt cho cả mẹ cả con trước giờ “hoàng đạo”.

2. Lên bàn đẻ

Mình dự định sinh thường, nhưng vì một số lý do ngoài ý muốn nên cuối cùng lại thành sinh mổ. Sinh thường với sinh mổ đều đau cả, mỗi cái có một cái đau khác nhau. Nhưng vì cá nhân mình sinh mổ nên chỉ biết truyền lại kinh nghiệm cho mẹ nào sinh mổ thôi.

Phòng mổ cùng tòa nhà với phòng chờ đẻ, nhưng mà ở tầng trên. Khi vào đây, bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu cới váy và mặc ngược áo, tháo hết tất cả phụ kiện trên người (vòng, nhẫn, điện thoại, kính v.v..) và nằm như một… con lợn éc trên bàn mổ.

Việc đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm gây tê tủy sống. Thuốc tê tùy người có tác dụng nhanh hay chậm, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhấc chân hoặc di chuyển người, nếu như bạn vẫn làm được thì cứ nói nhé, bởi nếu thuốc tê chưa có tác dụng mà tiến hành mổ thì sẽ rất đau và nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con. Sau đó, bác sĩ sẽ luồn ống thở, máy đo nhịp tim, ống dẫn nước tiểu, bôi thuốc sát trùng… Thao tác này thực hiện rất nhanh, chỉ 10p sau khi bác sĩ đã xác định thuốc tê có hiệu lực.

Bạn sẽ không thể nhìn thấy bác sĩ thao tác dưới bụng mình, vì đã được che bởi một tấm màn trắng rồi. Tuy nhiên bạn vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ, nghe được các bác sĩ – y tá nói chuyện với nhau, thậm chí thích thì buôn với bác sĩ y tá luôn cũng được và kì diệu là vẫn cảm nhận đc phần bụng mình có cảm giác nhẹ bẫng và có cái gì đó được rút ra khi em bé chào đời.

Giây phút nhìn thấy con xúc động lắm. Bé tí, đỏ hỏn. Bác sĩ sẽ nói mã số của em bé, cân nặng và sau đó đưa bé đến khoa sơ sinh. Ở đây bé sẽ được chăm sóc đặc biệt, được cho ăn… trong môi trường vô trùng an toàn. Còn bạn sẽ được chuyển đến phòng hậu phẫu để theo dõi. Sau 3 tiếng, nếu không có biến chứng với vết mổ, bạn sẽ được chuyển về phòng bệnh.

Có một lưu ý nhỏ là khoảng 1 giờ đồng hồ sau khi sinh, khi thuốc tê bắt đầu hết hiệu lực, bạn sẽ thấy toàn thân run lẩy bẩy. Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường, nhưng nếu cảm thấy lo lắng thì cứ nói với bác sĩ trực ở đó nhé, họ sẽ kiểm tra lại xem có vấn đề gì không.

3. Nghỉ dưỡng

Thường thì sau ca đẻ mổ, bạn sẽ phải lưu lại bệnh viện ít nhất là 5 ngày. Trong 5 ngày đó, sẽ có các y tá đến vệ sinh, tiêm và phát thuốc tận giường cho bạn. Em bé sẽ được về với mẹ sau 24h, hoặc tùy theo yêu cầu của gia đình nếu muốn sớm hơn hoặc muộn hơn. Nên cho bé về với mẹ sớm, bởi khi bé về sớm và bắt đầu bú, bé sẽ được bú những dòng sữa non đầu tiên – rất tốt cho sức đề kháng của bé, đồng thời sẽ giúp mẹ thông tia sữa và sữa về sớm hơn, không bị tắc tia dễ dẫn đến áp xe vú, rất nguy hiểm.

Phụ nữ đẻ mổ sữa thường về muộn hơn nên bạn không phải lo lắng đâu. Cứ yên tâm ăn ngủ và hưởng thụ giây phút đầu tiên của người làm mẹ đi nhé.

Khu phòng dịch vụ của viện C chia ra làm 3 loại phòng: phòng 700k/giường rộng rãi, giường lớn hơn so với các phòng khác, khéo nằm thì một mẹ một con và một người nhà vẫn được. Vệ sinh khép kín luôn trong phòng.

Phòng 500k/giường có 3 giường, và cuối cùng là phòng 300k/giường với 5 giường trong một phòng. Hai loại phòng này không có vệ sinh khép kín mà phải đi vệ sinh chung nhé.

Hằng ngày các nữ hộ lý sẽ đến vệ sinh cho bạn tại chỗ, phát quần áo cho mẹ, tã lót cho bé và tiêm thuốc (với trường hợp đẻ mổ, đẻ thường theo dõi sau 24h nếu không có vấn đề gì bạn có thể về được luôn), khám và đưa bé đi tắm. Bạn phải nhớ giữ đủ số lượng quần áo tã lót được phát để trả lại bệnh viện lúc ra về – nếu thiếu sẽ phải đền tiền (và số tiền đền thì không nhỏ tí nào – như mình mất 1 cái tã chéo mà phải đền 60 ngàn). Quần áo mẹ được phát hai bộ, tã chéo của con tầm 10 cái, thêm một áo cho bé của bệnh viện và một chăn ủ. Ngoài ra bệnh viện còn cho mượn 1 chiếc chậu và 1 chiếc rổ to (để đựng quần áo bẩn), một phích nước.

Những thứ bạn cần mang vào trong lúc nằm tĩnh dưỡng ở viện gồm:

– Cho bé:

+ Sữa công thức, bình sữa, dụng cụ cọ rửa bình sữa cho bé, máy hâm sữa
+ Bỉm, tã giấy, kem chống hăm
+ Quần áo, quần đóng bỉm, mũ, bao tay bao chân, yếm, chăn ủ… mặc để về nhà (hoặc có thể mang nhiều để mặc ngay từ trong viện cũng được)
+ Bộ gối chặn vỏ đỗ

– Cho mẹ:

+ Máy hút sữa (cái này rất cần thiết, để hút sữa tạo kích thích cho sữa về hoặc ko bạn có thể tích cực cho bé bú)
+ Quần áo của mẹ để từ viện về nhà (nhớ có cả mũ đội đầu, khẩu trang, tất giấy và kính râm)
+ Bông gòn nhét tai
+ Khăn sữa (cần cho cả mẹ và con)
+ Ấm siêu tốc (trong viện không cho dùng nhưng cứ mang vào đun chỗ kín kín và đun xong thì cất đi nhé);
+ Có thể mang thêm chậu hoặc phích nước nếu thấy cần thiết;
+ Bỉm Caryn, bvs Diana Mama, quần lót giấy, khăn ướt.

Thế là đầy đủ cho một cuộc “vượt cạn” rồi. Chúc các mẹ sinh con tại viện C bình tĩnh tự tin đừng lo lắng để mẹ tròn con vuông nhé! 

Xem thêm: Chi phí và kinh nghiệm sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội