Chia sẻ kinh nghiệm trồng Đậu Đũa đơn giản tại nhà
Trồng đậu đũa ngay tại nhà là vô cùng đơn giản, bạn đã biết chưa? Bởi vì chỉ cần gieo hạt và đảm bảo lượng nước cũng như phân bón hợp lý thì quay đi ngoảnh lại là bạn đã có thể thu hoạch ngay rồi đấy. Còn chần chờ gì mà không tìm hiểu ngay nào!
Đậu đũa là một loại thực phẩm quen thuộc với người dân Việt Nam, cũng như là nguyên liệu của bao nhiêu món Việt. Loài cây này rất bổ dưỡng nên thường được chế biến để chữa tỳ vị hư nhược, bụng trướng tiêu chảy, nôn mửa, tiêu khát (đái tháo đường), thận hư di tinh, đái đục, tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ bị khí hư bạch đới… Những kinh nghiệm được chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn trồng đậu đũa bằng những thao tác đơn giản ngay tại nhà.
1. Chuẩn bị đất và dụng cụ
Dụng cụ trồng: Bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như khay, chậu, bao xi măng, thùng xốp hoặc mảnh đất trống ở nhà để trồng đậu đũa. Lưu ý, những dụng cụ trồng phải đục lỗ dưới đáy để cây không bị úng nước.
Đất trồng: Đậu đũa có thể trồng được trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất giữ ẩm tốt, giàu mùn và có độ pH từ 6-7. Cây ưa ánh sáng mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25-35 độ C. Chính vì vậy, bạn có thể mua sẵn hoặc trộn đất với vỏ trấu, xơ dừa, phân hữu cơ (phân dơi Vietgro, phân bò, phân gà,…) trước khi gieo trồng đậu đũa.
2. Chuẩn bị giống và gieo hạt
Hạt giống đậu đũa Vietgro trước khi đem gieo bạn nên ngâm nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40 độ C trong vòng 4 tiếng sau đó vớt ra và ủ vào khăn ẩm cho nứt nanh rồi mới đem gieo vào khay, chậu, thùng xốp.
Bạn nên gieo trồng với khoảng cách sau:
-
Đối với đậu leo: khoảng cách 1.2 x 0.40 m, mỗi lỗ để 2 cây.
-
Đối với đậu lùn: khoảng cách 50 x 30 cm, mỗi lổ để 2 cây.
Lưu ý: Mùa mưa ít nắng, cây nên được gieo thưa để dễ chăm sóc và thu hái. Mùa nắng nên gieo dày để thu được năng suất cao. Sau khi gieo hạt, lấp 1 lớp đất mỏng khoảng 1 cm. Tưới nước bằng vòi phun nhẹ.
3. Chăm sóc và tưới nước
Cây đậu đũa Vietgro cần tưới nhiều nước ở 2 giai đoạn chính vào thời điểm cây có 5 – 6 lá thật và thời kỳ cây ra hoa đậu quả, vì nó quyết định đến năng suất của cây sau này. Những thời điểm còn lại, bạn nên tưới vừa đủ nước (2 lần/ngày: sáng sớm và chiều tối), tuy nhiên không được để đất bị úng ngập sẽ làm thối rễ.
Sau khoảng 2 tuần, bạn nên tiến hành làm giàn để cây có thể bám vào và phát triển. Giàn leo có thể làm bằng dây thép hoặc bằng gỗ, cao khoảng 2 mét để thuận tiện cho cây phát triển và thu hái quả sau này.
Thời điểm cây thụ phấn (khoảng 3-4 ngày sau khi ra hoa) cần chú ý tưới đủ nước cung cấp cho cây, cắt tỉa bớt lá già để cho giàn thông thoáng giúp đón được nhiều ánh nắng mặt trời giúp quả mau lớn.
4. Phân bón
Trồng đậu đũa chủ yếu bón phân hữu cơ (như phân dơi Vietgro, phân bò, phân gà,…) cho cây theo 3 giai đoạn:
-
Lần 1: khi cây có từ 2 – 3 lá thật.
-
Lần 2: khi cây có 5 – 6 lá thật hoặc từ khi cây bắt đầu bám giàn. Ngoài ra, bạn nên kết hợp làm cỏ và vun gốc cho cây.
-
Lần 3: khi cây chuẩn bị ra hoa (khoảng 35-40 ngày sau gieo) và cho quả.
5. Thu hoạch
Đậu đũa cho thu hoạch 40 – 45 ngày và đậu leo cho thu hoạch 45 – 50 ngày sau khi gieo.
Đậu dài cho thu hoạch kéo dài 30 – 40 ngày với 12 -15 lứa.
Khi thu, người dân nên dùng dao cắt hay dùng tay vặn nhẹ trái, không giật mạnh làm rụng nụ hoa các lứa sau.
Như vậy là chỉ từ 40-50 ngày là bạn có thể sở hữu ngay những dây đậu đũa đầu tiên để chế biến thành những món ăn ngon và bổ dưỡng cho gia đình rồi. Nếu bạn biết cách chăm sóc tốt thì cây có thể cho thêm nhiều đợt quả nữa. Những quả đậu đũa cho thu hoạch đạt chiều dài từ 40 đến 50 cm có màu xanh sẫm khi cầm khá chắc tay. Bạn có thể dùng ngay hoặc cất trữ nơi thoáng mát như trong tủ lạnh để có thể sử dụng chúng trong vòng một tuần liền. Chúc bạn thành công.
5/5 – (4 bình chọn)