Chi trả tiền trực trưa cho giáo viên mầm non: Mỗi trường một kiểu
Mỗi trường chi trả một kiểu
Từ năm học 2017 – 2018, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu để phục vụ bán trú dành cho các trường mầm non công lập. Số tiền này được thu theo hình thức thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, nằm ngoài số tiền thu học phí hàng tháng. Tiền thu được dùng để chi trả cho cô nuôi, tiền trực trưa cho giáo viên (GV) và tiền mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú.
Giờ ăn trưa của các cháu Trường Mầm non xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An)
Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên Trường Tiểu học Thịnh Sơn (Đô Lương) tổ chức bán trú cho 100% học sinh. Để có thể triển khai được bán trú cho toàn trường, nhà trường thu 55.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Năm – Hiệu trưởng nhà trường thì số tiền này chỉ đủ trả lương cho các cô nuôi; việc chi trả tiền trực trưa cho GV chưa được thực hiện. Trường Mầm non Thịnh Sơn cũng là trường duy nhất trên địa bàn huyện chưa chi trả tiền trực trưa cho GV.
Trên địa bàn huyện Đô Lương có 33 trường mầm non công lập tổ chức thu tiền bán trú với mức thu trung bình 50.000 – 60.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy vậy, do đặc thù mỗi trường nên số tiền GV được chi trả trực trưa đang còn chênh lệch, thậm chí có nơi chỉ được trả 10.000 đồng/GV/buổi trực. Việc không được chi trả tiền trực trưa hoặc chi trả không đồng đều giữa các trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của GV.
Đến thời điểm này, thành phố Vinh là địa phương duy nhất đưa ra mức thu bán trú cho các trường mầm non trên địa bàn. Hầu hết các trường đều thu với mức thu cao nhất 70.000 đồng/tháng. Tuy nhiên việc chi trả tiền cho cô nuôi và tiền trực trưa cho GV lại không thống nhất, giao động từ 15.000 – 35.000 đồng/người/buổi (tùy theo trường) khiến nhiều GV không khỏi thắc mắc. Thậm chí có trường không xây dựng kinh phí trả tiền trực trưa cho GV.
Năm học này, Trường Mầm non Bến Thủy (TP. Vinh) có gần 640 học sinh. Với mức thu bán trú 70.000 đồng/trẻ/tháng, số tiền thu khoảng gần 400 triệu đồng. Dù đã thu với mức tối đa theo quy định của thành phố nhưng theo lãnh đạo nhà trường, số tiền này chỉ dùng để chi trả tiền cho cô nuôi (khoảng 350 triệu đồng/năm) và tiền mua sắm đồ dùng phục vụ bán trú. Riêng tiền trực trưa cho GV, nhà trường không chi trả. Theo lí giải của bà Nguyễn Thị Liên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thủy thì do nhà trường đã được bố trí đủ GV nên không chi trả thêm tiền trực trưa.
Chờ quy định thống nhất
Theo ông Nguyễn Văn Hải – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương thì việc chi trả tiền trực trưa không đồng đều giữa các trường đã gây nên những xáo trộn trong tư tưởng, tâm lý GV. Ông Hải cũng cho rằng, nếu có một quy định cụ thể để áp dụng sẽ dễ hơn cho các trường khi tổ chức bán trú, đảm bảo công bằng giữa GV các trường học.
“Việc thu kinh phí phục vụ bán trú mục đích là nhằm hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức bán trú, chăm sóc và giáo dục trẻ; đồng thời để GV được hưởng thêm các quyền lợi về làm thêm như trong quy định. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh sớm có văn bản, quy định mức thu chung theo từng vùng, từng khu vực hoặc có chính sách hỗ trợ cho những vùng khó khăn để việc triển khai thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo công bằng, khách quan trong chi trả quyền lợi cho các GV”, ông Trần Thế Sơn – Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An kiến nghị.
Hoàng Lam