Chi tiết tin

          A. PHẦN THỨ NHẤT QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và áp dụng pháp luật dân sự (từ Điều 1 đến Điều 12)

a) Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự (Điều 1)

Để bảo đảm được vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự là luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật dân sự và để bảo đảm tính ổn định, tính bao quát trong quy định của Bộ luật, dự thảo Bộ luật quy định: Bộ luật dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).

b) Về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 2 – Điều 9)

Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự, góp phần hình thành chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, dự thảo Bộ luật quy định 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bao gồm: (1) Nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự; (2) Nguyên tắc bình đẳng; (3) Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; (4) Nguyên tắc thiện chí, trung thực; (5) Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; (6) Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; (7) Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự; (8) Nguyên tắc hòa giải.

c) Về áp dụng pháp luật dân sự (Điều 10 – Điều 12)

Để tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, phát huy được vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, trên cơ sở kế thừa có phát triển các quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật quy định:

– Bộ luật dân sự được xác định là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự; các luật khác điều chỉnh quan hệ trong các lĩnh vực dân sự cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; trường hợp trong các luật này không có quy định thì quy định của Bộ luật này được áp dụng;

– Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì áp dụng tập quán – Những quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự, được thừa nhận và áp dụng một cách rộng rãi, lặp đi lặp lại một thời gian dài trong một lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc một lĩnh vực hoạt động cụ thể mà không được quy định trong pháp luật. Khái niệm này được tham khảo từ pháp luật hiện hành của Việt Nam (Luật thương mại năm 2005, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014) và thông lệ quốc tế;

– Trường hợp không có tập quán thì giải quyết theo nguyên tắc áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự (tương tự pháp luật) để giải quyết. Đồng thời, để cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện, dự thảo Bộ luật bổ sung nguyên tắc: Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để giải quyết.

2. Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự (Điều 13 –  Điều 20)

a) Về thực hiện quyền dân sự (Điều 14)

Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định tại Bộ luật dân sự.

b) Về giới hạn việc thực hiện quyền dân sự (Điều 15)

Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác; để vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của mình theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; để hạn chế cạnh tranh hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Trường hợp cá nhân, pháp nhân vi phạm giới hạn này thì họ có thể không được bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của mình, đồng thời có thể bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài theo luật định và phải bồi thường thiệt hại.

c) Về các phương thức bảo vệ quyền dân sự (Điều 16 – Điều 20)

Khi quyền dân sự bị vi phạm, cá nhân, pháp nhân có thể lựa chọn áp dụng phương thức tự bảo vệ hoặc yêu cầu cá nhân, pháp nhân khác hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan, trong đó:

Trường hợp cá nhân, pháp nhân lựa chọn phương thức tự bảo vệ quyền dân sự thì việc tự bảo vệ phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và không được vượt quá giới hạn cần thiết do luật định để ngăn chặn hành vi vi phạm đó.

Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm mà có thiệt hại thì cá nhân, pháp nhân được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp trong hợp đồng hoặc luật có quy định khác.

Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, lẽ công bằng hoặc án lệ được áp dụng để xem xét, giải quyết.

Quy định như trên được dựa trên các căn cứ sau đây:

Thứ nhất, quy định này phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 14); về trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân (khoản 6 Điều 96, khoản 3 Điều 102), theo đó “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”;

Thứ hai, theo nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết nhằm để góp phần thực hiện trách nhiệm này của Nhà nước. Mặt khác, trong thời gian qua, do thiếu quy định này của luật nên không ít trường hợp Tòa án đã phải từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân, pháp nhân;

Thứ ba, nguyên tắc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật trong trường hợp không có quy định của luật đã được ghi nhận trong Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm của Tòa án trong việc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật để giải quyết các vụ việc dân sự.

Thứ tư, nghiên cứu thực tiễn lập pháp của một số nước cho thấy, trong BLDS của các nước này đều có quy định, theo đó, trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán cũng không được phép từ chối giải quyết yêu cầu về bảo vệ quyền dân sự của người dân.  

3. Cá nhân (từ Điều 21 đến Điều 88)

Quy định về cá nhân bao gồm, năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân; quyền nhân thân của cá nhân; nơi cư trú; giám hộ; thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố mất tích, tuyên bố chết. Trong đó, để cụ thể hóa quy định về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và các Nghị quyết của Đảng, khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, dự thảo Bộ luật có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về cá nhân, bổ sung cơ chế pháp lý mới, hợp lý để bảo vệ tốt hơn quyền của những cá nhân yếu thế về năng lực hành vi dân sự trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, đặc biệt là chế độ giám hộ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, cụ thể:

a) Về người chưa thành niên (Điều 26)

Dự thảo Bộ luật quy định, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, trong đó, giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện; người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi; người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

b) Về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 29)

Dự thảo Bộ luật bổ sung quy định: “Người do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của họ, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận người đó là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự theo quy định của luật phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật”.

Quy định như vậy là để khắc phục bất cập của Bộ luật Dân sự năm 2005 là chưa có cơ chế pháp lý để thực hiện, bảo vệ quyền dân sự đối với người do bị khuyết tật hoặc do tình trạng thể chất, tinh thần dẫn tới tình trạng sức khỏe tâm thần không tốt, khả năng nhận thức không đầy đủ, thiếu chính xác, không rõ ràng về hành vi của mình nhưng chưa ở mức mất năng lực hành vi dân sự dẫn tới không tiếp cận được các quyền dân sự của mình.

c) Về quyền nhân thân của cá nhân (Điều 30 – Điều 51)

Triển khai thi hành Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, dự thảo Bộ luật bên cạnh kế thừa có phát triển các quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005, đã bổ sung một số quyền nhân thân mới, như:

– Sửa đổi quyền xác định lại giới tính theo hướng, việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật; cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định; người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định.

Đối với việc chuyển giới, dự thảo Bộ luật quy định hai phương án: (1) Phương án 1: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới; Phương án 2: Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.

– Trường hợp hai cá nhân không vi phạm điều cấm trong Luật hôn nhân và gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận;

– Cá nhân có quyền tiếp cận thông tin, việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định.

– Cá nhân có quyền lập hội, việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính ổn định, bao quát trong quy định về quyền nhân thân, dự thảo Bộ luật cũng đã bổ sung nguyên tắc: Ngoài các quyền nhân thân được quy định tại mục này, các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

d) Về giám hộ (Điều 58 – Điều 78)

Để bảo đảm tốt nhất lợi ích của người cần được giám hộ, tôn trọng quyền tự quyết, quyền tự thỏa thuận trong việc cử người trợ giúp và bảo đảm tính minh bạch, công khai trong áp dụng chế độ giám hộ, dự thảo Bộ luật quy định:

– Về người được giám hộ, dự thảo Bộ luật bổ sung người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng có quyền được giám hộ, theo nguyên tắc: (1) Việc giám hộ được thực hiện theo yêu cầu của chính người này, của người có quyền, lợi ích liện quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan; (2) Việc giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải có sự đồng ý của người này nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm có yêu cầu về giám hộ;

– Về người giám hộ, thay vì quy định về người giám hộ đương nhiên như trong Bộ luật dân sự nưm 2005, dự thảo Bộ luật quy định theo nguyên tắc: (1) Xác định người giám hộ theo ý chí của người cần được giám hộ trong trường hợp họ là người thành niên cử người giám hộ cho mình trước khi lâm vào tình trạng cần được giám hộ với hai điều kiện việc cử giám hộ này phải được lập thành văn bản có công chứng và người được cử đồng ý làm người giám hộ; (2) Xác định người giám hộ theo sự thỏa thuận của người thân thích của người cần được giám hộ (Người thân thích theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời); (3) Trường hợp người thân thích không có thỏa thuận thì người giám hộ được cử trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân khác và ưu tiên cho người sống cùng hoặc đang trực tiếp chăm sóc người cần được giám hộ nếu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người được giám hộ.

– Về quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, dự thảo Bộ luật quy định, người giám hộ thực hiện và tạo điều kiện để người khác (người thân thích của người được giám hộ hoặc của cá nhân, tổ chức khác) quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người được giám hộ; yêu cầu người thân thích của người được giám hộ thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích của người được giám hộ và yêu cầu các chủ thể khác tôn trọng, tạo điều kiện để mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người giám hộ… Đặc biệt, dự thảo Bộ luật đã quy định tách biệt và cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của người thân thích của người cần được giám hộ với quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, trong đó: trong trường hợp người được giám hộ còn người thân thích thì những người thân thích phải thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ người được giám hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Người giám hộ phải tạo điều kiện để người khác nói chung, người thân thích của người cần được giám hộ nói riêng quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người được giám hộ.

– Về cơ chế công khai, minh bạch về giám hộ, dự thảo Bộ luật quy định: (1) Việc giám hộ phải được giám sát theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người giám sát phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có điều kiện thực tế để thực hiện được quyền, nghĩa vụ về giám sát, không có quyền, lợi ích liên quan đến người giám hộ và người được giám hộ; (2) Việc giám hộ, giám sát phải được đăng ký theo quy định của pháp luật về hộ tịch;

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có thẩm quyền cử người giám hộ, người giám sát. Tranh chấp về việc cử người giám hộ, người giám sát do Tòa án giải quyết. Căn cứ quyết định của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cử người giám hộ, người giám sát. Trong quyết định cử người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải ghi rõ phạm vi quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Mọi tranh chấp liên quan đến việc giám hộ, giám sát việc giám hộ do Tòa án giải quyết.

4. Pháp nhân (từ Điều 89 đến Điều 114)

– Về các dấu hiệu của pháp nhân, thay vì quy định khái niệm và điều kiện để công nhận một tổ chức là pháp nhân như Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật quy định ba dấu hiệu cơ bản để nhận biết một thực thể pháp lý là pháp nhân: (1) Pháp nhân là một tổ chức được thành lập theo quy định của Bộ luật này, các luật khác có liên quan; (2) Pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (3) Pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập;

– Về các loại pháp nhân, thay vì quy định các loại pháp nhân theo đặc thù về tổ chức trong Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật quy định các loại pháp nhân theo mục đích thành lập, hoạt động của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân trong Bộ luật dân sự bao gồm, pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên, bao gồm hai loại cơ bản là hội và quỹ;

– Về thành lập pháp nhân, dự thảo Bộ luật quy định, mọi cá nhân hoặc tổ chức đều có quyền thành lập pháp nhân; pháp nhân được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi, đăng ký xóa đăng ký pháp nhân và đăng ký khác theo quy định của pháp luật; việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai; pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam;

– Về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân, dự thảo Bộ luật quy định, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động, thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm đăng ký. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

– Về trách nhiệm của pháp nhân, dự thảo Bộ luật quy định, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự đối với nghĩa vụ do người đại diện, người của pháp nhân xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân, kể cả nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện trong quá trình thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác;

– Về cung cấp thông tin và công bố thông tin về việc pháp nhân được thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi hình thức và pháp nhân bị chấm dứt, dự thảo Bộ luật quy định, việc pháp nhân được thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi hình thức và pháp nhân bị chấm dứt phải được công bố công khai theo quy định của luật.

5. Sự tham gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương vào quan hệ dân sự (từ Điều 115 đến Điều 118)

Về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự, dự thảo Bộ luật quy định:

(1) Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý;

(2) Các pháp nhân do Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương thành lập không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương tham gia;

(3) Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân do mình thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước), trừ trường hợp Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương bảo lãnh cho nghĩa vụ của các pháp nhân này theo quy định của pháp luật.

(4) Cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của cơ quan nhà nước khác ở trung ương, ở địa phương, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp luật có quy định khác.

(5) Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với Nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài, trừ các trường hợp theo thỏa thuận hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc được miễn trừ nghĩa vụ.

6. Sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân vào quan hệ dân sự (từ Điều 119 đến Điều 121)

Dự thảo Bộ luật quy định, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện hoặc là thành viên của mình theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Các thành viên có thể thỏa thuận cử người đại diện tham gia, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung. Địa vị pháp lý của hộ gia đình sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, dự thảo Bộ luật quy định những nội dung cơ bản về tài sản chung, trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

7. Tài sản (từ Điều 122 đến Điều 132)

Để phù hợp với bản chất pháp lý của tài sản là đối tượng và là khách thể không chỉ trong quan hệ sở hữu, vật quyền khác mà còn cả trong các quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng và thừa kế, trong đó:

Dự thảo Bộ luật quy định, tài sản bao gồm bất động sản và động sản, có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác.

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền khác, trong đó, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được quy định trong Bộ luật này và pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất được quy định trong Bộ luật này và pháp luật về đất đai. 

Xem tiếp nội dung trong file đính kèm.