Chi tiết tin
Hiện nay có nhiều vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm, hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên đa số các vụ việc trên khi chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đều chưa có biên bản vi phạm hành chính và cũng có nhiều quan điểm về việc có lập biên bản trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính hay không.
Điều 56 Luật Xử lý VPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: “1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.”
Điều 57 Luật Xử lý VPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản: “1. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.”
Và điểm d khoản 2 Điều 7 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 129/2021/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 31/12/2021) quy định: “Trường hợp tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm khác, sau khi xác minh sơ bộ ban đầu nếu xác định hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ đến mức phải xử lý vi phạm hành chính thì thu thập tài liệu theo đúng trình tự quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của mình thì tiến hành xử phạt, trường hợp không thuộc thẩm quyền thì chuyển hồ sơ vi phạm đến người có thẩm quyền để xử phạt theo quy định của pháp luật; trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp hành chính thì lập hồ sơ chuyển cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;”
Do đó, trường hợp sau khi xác minh sơ bộ ban đầu, nếu xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc thông qua quy trình tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển đến người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo dúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (bao gồm cả việc lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính)./.
Linh Chi