Chi tiết tin

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ SOẠN THẢO VĂN BẢN QPPL

1. Khái niệm văn bản QPPL

Các văn bản quản lý nhà nước nhằm phục vụ cho việc điều hành bộ máy quản lý nhà nước có thể hoạt động đúng hướng, đúng chức năng và có hiệu quả. Văn bản quản lý nhà nước có thể là văn bản QPPL, văn bản cá biệt, văn bản hành chính thông thường, văn bản chuyên môn và văn bản kỹ thuật. Cần phân biệt văn bản QPPL với các loại văn bản khác cũng thuộc văn bản quản lý nhà nước. Như trên đã nêu, đối với văn bản QPPL, cần chú ý đặc tính của văn bản là có chứa đựng quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc chung và đối tượng áp dụng không phải là một đối tượng hay nhóm đối tượng cụ thể, chỉ một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành loại văn bản này.

Luật năm 2015 đã tách khái niệm “Văn bản QPPL” và khái niệm “QPPL”, theo đó, văn bản QPPL là văn bản có chứa QPPL, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản QPPL. Văn bản QPPL là tập hợp của nhiều QPPL. Trong đó, “QPPL” là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật ban hành văn bản QPPL và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Theo quy định, một văn bản có chứa quy phạm, pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản QPPL thì không phải là văn bản QPPL.

Việc nắm rõ khái niệm văn bản QPPL có ý nghĩa quan trọng đối với những người tham gia vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Người soạn thảo cần phải nắm được, trong một văn bản QPPL, dấu hiệu đặc trưng để phân biệt với các văn bản khác là văn bản đặt ra các QPPL. Cần phân biệt QPPL với các quy phạm xã hội khác. Trong khi các quy phạm mang tính xã hội, dù được xã hội thừa nhận, nhưng vẫn không được bảo đảm bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, thì trái lại, QPPL luôn luôn được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Các QPPL này có hai dấu hiệu đặc trưng (nhằm phân biệt với các quy phạm xã hội, quy phạm đạo đức, quy phạm tôn giáo…).

Đặc trưng thứ nhất là QPPL có tính áp dụng chung, không đặt ra cho một chủ thể xác định mà nhằm tới phạm vi đối tượng rộng hơn (công dân từ 18 tuổi trở lên).

Đặc trưng thứ hai của QPPL là phải được ban hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do luật quy định.

Khi soạn thảo, người soạn thảo cần phải cân nhắc quy định đó có phải là QPPL hay không cũng như xem xét một văn bản có chứa “QPPL” hay không cần đặc biệt chú ý đến các đặc trưng của QPPL, gồm: tính áp dụng chung (quy tắc ràng buộc chung), tính phi cá nhân (không nhằm vào một đối tượng, một con người nào cụ thể hay một nhóm đối tượng cụ thể), tính bắt buộc, tính cưỡng chế nhà nước và phải được cơ quan có thẩm quyền ban hành (chủ thể được pháp luật trao thẩm quyền ban hành văn bản QPPL).

Xác định văn bản QPPL

Để tránh việc nhầm lẫn về hình thức văn bản QPPL, đặc biệt với các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản hành chính và văn bản quy phạm có cùng tên gọi là “quyết định”, Nghị định số 34 quy định trong một số trường hợp sau, nghị quyết do HĐND và quyết định do UBND ban hành không phải là văn bản QPPL:

(1) Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu HĐND và các chức vụ khác; (2) Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu HĐND và bầu các chức vụ khác; (3) Nghị quyết giải tán HĐND; (4) Nghị quyết phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; (5) Nghị quyết thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND; quyết định thành lập các ban, ban chỉ đạo, hội đồng, Ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định; (6) Nghị quyết tổng biên chế ở địa phương; (7) Nghị quyết dự toán, quyết toán ngân sách địa phương; (8) Các nghị quyết khác không có nội dung quy định tại các Điều 27, 29 và 30 của Luật.

Trong các trường hợp sau đây, quyết định do UBND ban hành không phải là văn bản QPPL: (1) Quyết định phê duyệt kế hoạch; (2) Quyết định giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị; (3) Quyết định về chỉ tiêu biên chế cơ quan, đơn vị; quyết định về khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND; (4)  Các quyết định khác không có nội dung quy định tại các Điều 28, 29 và 30 của Luật.

2. Hệ thống văn bản QPPL

So với Luật năm 2008 và Luật năm 2004, Luật năm 2015 giảm được 05 loại văn bản QPPL bao gồm: (1) Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội (trừ nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH hoặc Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQViệt Nam); (2) Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (3) Chỉ thị của UBND cấp tỉnh; (4) Chỉ thị của UBND cấp huyện; (5) Chỉ thị của UBND cấp xã. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật năm 2015 bổ sung hình thức văn bản QPPL của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

3. Thẩm quyền ban hành văn bản QPPL

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy (Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức TAND, Luật tổ chức VKSND, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật kiểm toán nhà nước, Luật MTTQ Việt Nam…), Luật năm 2015 đã xác định “Thẩm quyền” của HĐND và UBND bao gồm thẩm quyền nội dung và thẩm quyền hình thức. Thẩm quyền nội dung chỉ ra chủ thể luật định được phép ban hành văn bản về những vấn đề gì. Thẩm quyền hình thức chỉ ra chủ thể có thẩm quyền được quy định những vấn đề thuộc nội dung luật định dưới hình thức văn bản nào. Khi điều chỉnh một vấn đề pháp lý, cơ quan có thẩm quyền phải sử dụng đúng hình thức văn bản mà mình được phép ban hành (ví dụ, HĐND chỉ có thể ban hành nghị quyết, UBND chỉ được ban hành quyết định). Nếu quy định đó không được chấp hành, văn bản đó bị coi là vi phạm thẩm quyền về mặt hình thức và sẽ bị xử lý theo các quy định về kiểm tra văn bản QPPL.

Luật năm 2015 phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của chính quyền cấp tỉnh. Nội dung nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và quyết định của UBND cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 27 và Điều 28 của Luật năm 2015.

* HĐND cấp tỉnh được ban hành nghị quyết để:

(1) Quy định chi tiết những vấn đề được cơ quan nhà nước cấp trên giao;

(2) Quy định chính sách, biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên;

(3) Biện pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương;

(4) Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

* UBND cấp tỉnh được ban hành quyết định để:

(1) Quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên;

(2) Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp về phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương;

(3) Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.

* HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao (Điều 30).

Việc tuân thủ quy định về thẩm quyền hình thức và thẩm quyền hình thức khi soạn thảo và ban hành văn bản là yếu tố chứng minh tính hợp pháp của văn bản và là yêu cầu để văn bản đó có thể phát huy hiệu lực pháp luật. Dưới góc độ tổ chức nhà nước, việc tuân thủ hình thức văn bản còn là minh chứng cho kỷ luật và kỷ cương hành chính, thể hiện tính pháp chế trong hoạt động quản lý nhà nước.

4. Hiệu lực của văn bản QPPL

4.1. Thời điểm có hiệu lực của văn bản QPPL của HĐND và UBND

Thời điểm có hiệu lực của văn bản QPPL có liên quan đến việc áp dụng văn bản. Xuất phát từ quan điểm pháp luật phải công khai, phải được phổ biến rộng rãi đến người dân để tất cả các cá nhân, tổ chức biết về nội dung văn bản trước khi văn bản có hiệu lực và không ai có thể phải chịu các chế tài của văn bản một khi văn bản đó chưa được công khai. Mặt khác, việc quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản phải tính đến quá trình chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thi hành văn bản cũng như thông tin đến mọi đối tượng có liên quan đến việc thi hành văn bản đó.

Luật năm 2015 quy định thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản QPPL được quy định tại văn bản đó nhưng:

+ Không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản QPPL của cơ quan nhà nước trung ương;

+ Không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản QPPL của HĐND; UBND cấp tỉnh;

+ Không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã.

+ Văn bản QPPL được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

+ Văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.

4.2. Hiệu lực về không gian, thời gian, đối tượng áp dụng của văn bản QPPL của HĐND và UBND

Liên quan đến hiệu lực của văn bản QPPL, người ta thường nói đến hiệu lực của văn bản QPPL về không gian, về thời gian (thời điểm bắt đầu có hiệu lực của văn bản và thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bản QPPL), hiệu lực về đối tượng áp dụng.

Hiệu lực của văn bản QPPL về không gian là giới hạn phạm vi lãnh thổ mà văn bản có hiệu lực. Khoản 2 Điều 155 của Luật năm 2015 quy định hiệu lực về không gian, đối tượng áp dụng của văn bản QPPL của HĐND, UBND như sau: “Văn bản QPPL của HĐND, UBND của đơn vị hành chính nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó và phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản đó”.

Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính – lãnh thổ, do đó, thẩm quyền và phạm vi quản lý của HĐND và UBND các cấp chỉ giới hạn trong khuôn khổ một địa bàn lãnh thổ nhất định. Văn bản QPPL của các cơ quan này với tính chất là sản phẩm của hoạt động quản lý có hiệu lực trong lãnh thổ địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của cơ  quan tương ứng.

Để giải quyết vấn đề hiệu lực văn bản QPPL trong trường hợp thay đổi địa giới hành chính lãnh thổ, Điều 155 của Luật quy định:

– Trường hợp một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp thì văn bản QPPL của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được chia vẫn có hiệu lực đối với đơn vị hành chính mới cho đến khi HĐND, UBND của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản QPPL thay thế.

Ví dụ, Huyện A được tách thành hai huyện B và C thì văn bản của huyện A có hiệu lực cho đến khi HĐND, UBND huyện B và C ban hành văn bản QPPL mới thay thế.

– Trường hợp nhiều đơn vị hành chính được nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì văn bản QPPL của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được nhập vẫn có hiệu lực đối với đơn vị hành chính đó cho đến khi HĐND, UBND của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản QPPL thay thế.

Ví dụ, Xã A, xã B và xã C được sáp nhập thành xã D thì văn bản của các xã A, B và C vẫn còn có hiệu lực cho đến khi HĐND, UBND xã D ban hành văn bản mới thay thế.

– Trường hợp một phần địa phận và dân cư của đơn vị hành chính được điều chỉnh về một đơn vị hành chính khác thì văn bản QPPL của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được mở rộng có hiệu lực đối với phần địa phận và bộ phận dân cư được điều chỉnh.

Ví dụ, Xã A thuộc huyện B được sáp nhập vào xã C thuộc huyện D thì văn bản của xã C có hiệu lực đối với dân cư của xã A. Hoặc ví dụ khác: Thôn A thuộc xã B được sáp nhập vào xã C thì văn bản của xã C có hiệu lực đối với dân cư thôn A của xã B.

Hiệu lực về đối tượng áp dụng liên quan mật thiết đến hiệu lực theo lãnh thổ của văn bản QPPL. Tương ứng với mỗi chủ thể quản lý có một nhóm đối tượng chịu quản lý. Nhìn chung, đối tượng áp dụng văn bản QPPL là những cá nhân, tổ chức. Bên cạnh các cá nhân, tổ chức nêu trên, còn có những đối tượng chịu sự quản lý của một địa phương, song lại đang ở trên một địa bàn thuộc quyền quản lý của một địa phương khác. Kết hợp giữa nguyên tắc xác định hiệu lực theo không gian và theo đối tượng áp dụng, có thể thấy rằng những đối tượng nêu trên phải tuân thủ văn bản của hai loại cơ quan: HĐND và UBND nơi họ đang ở và HĐND, UBND có quyền quản lý trực tiếp, thường xuyên đối với họ. Hay nói cách khác, văn bản QPPL của HĐND và UBND có thể có hiệu lực đối với đối tượng thuộc quyền quản lý của mình đóng ở một địa phương khác. Chẳng hạn như, cá nhân, tổ chức mặc dù không cư trú, song khi đang ở một địa bàn lãnh thổ nào thì phải chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông hay quy định về phí, lệ phí của HĐND, UBND quản lý địa bàn đó.

4.3. Hiệu lực trở về trước của văn bản QPPL (Điều 152)

– Luật năm 2015 quy định cụ thể hơn các trường hợp văn bản QPPL được quy định hiệu lực trở về trước: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội…”;

– Về phạm vi các loại văn bản QPPL được quy định hiệu lực trở về trước, Luật năm 2015 quy định rõ nguyên tắc cần được các cấp chính quyền địa phương lưu ý là không quy định hiệu lực trở về trước của văn bản QPPL do HĐND, UBND ban hành. Văn bản sẽ chỉ có hiệu lực sau khi được chủ thể có thẩm quyền ký ban hành: “văn bản QPPL của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.

4.4. Ngưng hiệu lực văn bản QPPL (Điều 153)

Luật năm 2015 quy định rõ thời hạn đăng Công báo, đưa tin về quyết định văn bản ngưng hiệu lực, đình chỉ việc thi hành, xử lý văn bản pháp luật chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

– Văn bản QPPL của HĐND, UBND bị đình chỉ thi hành thì ngưng hiệu lực cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền; trường hợp không bị bãi bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực; trường hợp bị bãi bỏ thì văn bản hết hiệu lực.

– Thời điểm ngưng hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực hoặc hết hiệu lực của văn bản QPPL phải được quy định rõ tại văn bản đình chỉ thi hành, văn bản xử lý của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền, văn bản ngưng hiệu lực trong một thời hạn nhất định để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội phát sinh.

4.5. Trường hợp văn bản QPPL hết hiệu lực (Điều 154)

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nâng cao trách nhiệm của cơ quan trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, Luật năm 2015 bổ sung 01 khoản quy định “Văn bản QPPL hết hiệu lực thì văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Tuy nhiên, việc xác định hiệu lực của văn bản gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiễn, vì vậy, Điều 38 của Nghị định số 34 quy định việc xác định hiệu lực của văn bản QPPL như sau:

– Ngày có hiệu lực của văn bản QPPL phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản QPPL theo quy định tại Điều 151 và Điều 152 của Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải dự kiến cụ thể ngày có hiệu lực của văn bản QPPL trong dự thảo văn bản QPPL trên cơ sở bảo đảm đủ thời gian để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận văn bản, các đối tượng thi hành có điều kiện chuẩn bị thi hành văn bản.

– Xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực:

Thứ nhất, văn bản QPPL hết hiệu lực thì văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực;

Thứ hai, trường hợp văn bản QPPL được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ;

Thứ ba, trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản QPPL, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực. Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.

– Trách nhiệm của các cơ quan

+ Cơ quan đã ban hành các văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực có trách nhiệm: công bố danh Mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 4 Điều 154 của Luật trước ngày các văn bản đó hết hiệu lực; quy định việc bãi bỏ các văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực tại điều khoản thi hành của văn bản QPPL sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản quy định chi tiết.

+ UBND các cấp có trách nhiệm: lập, công bố theo thẩm quyền hoặc trình Thường trực HĐND cùng cấp công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do mình ban hành và do HĐND cùng cấp ban hành trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực; ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất HĐND cùng cấp ban hành văn bản để thay thế văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực toàn bộ.

5. Nguyên tắc áp dụng văn bản QPPL (Điều 156)

– Văn bản QPPL của HĐND, UBND được áp dụng từ thời điểm có hiệu lực. Văn bản QPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản QPPL có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

– Trong trường hợp văn bản QPPL của HĐND, UBND cùng cấp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản QPPL của HĐND.

– Trong trường hợp nghị quyết của HĐND có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của nghị quyết được ban hành sau.

– Trong trường hợp các quyết định của UBND có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của quyết định ban hành sau.

Luật năm 2015 bổ sung 01 khoản tại Điều 156 quy định về nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế khi văn bản pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề: “Việc áp dụng văn bản QPPL trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản QPPL trong nước và điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.

6. Đăng Công báo, niêm yết văn bản QPPL

6.1. Đăng công báo văn bản QPPL

Luật năm 2015:

– Bổ sung quy định về việc đăng tải văn bản QPPL trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; văn bản QPPL đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có giá trị sử dụng chính thức (Điều 157).

– Không quy định việc đăng công báo đối với văn bản QPPL do cấp huyện ban hành để phù hợp với quy định của Luật.

Nghị định số 34 quy định cụ thể hơn về việc đăng công báo, mặc dù về cơ bản mục này kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định số 100/2010/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về Công báo. Tuy nhiên, Nghị định quy định thêm một số nội dung như sau: 

Thứ nhất, về văn bản đăng trên Công báo cấp tỉnh, ngoài văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành, Nghị định bổ sung văn bản QPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và văn bản đính chính văn bản QPPL do chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành cũng phải đăng công báo.

Thứ hai, quy định trách nhiệm của cơ quan công báo, cơ quan ban hành văn bản, theo đó, Văn phòng UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in cấp tỉnh và quản lý Công báo điện tử cấp tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chịu trách nhiệm về việc không đăng Công báo, đăng chậm, đăng không toàn văn, đầy đủ, chính xác văn bản trên Công báo. Cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm về việc không gửi hoặc gửi chậm, gửi không đầy đủ, chính xác văn bản để đăng Công báo.

Thứ ba, quy định cụ thể việc cấp phát công báo theo hướng tiết kiệm. Công báo được xuất bản, phát hành rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

– Công báo nước CHXHCN Việt Nam được cấp phát miễn phí cho xã, phường, thị trấn với số lượng 01 cuốn/số/xã, phường, thị trấn theo nhu cầu đăng ký của từng địa phương. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập danh sách xã, phường, thị trấn có nhu cầu nhận Công báo in miễn phí của địa phương mình và gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 01 tháng 12 hằng năm.

– UBND cấp tỉnh quyết định việc cấp phát Công báo cấp tỉnh miễn phí ở địa phương.

6.2. Niêm yết văn bản QPPL

Thứ nhất, quy định nguyên tắc niêm yết văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã, cụ thể là:

– Niêm yết toàn văn, đầy đủ, kịp thời, chính xác các văn bản phải niêm yết để người dân tiếp cận toàn bộ nội dung của văn bản

– Văn bản QPPL được niêm yết phải là là bản chính, có dấu và chữ ký.

Thứ hai bên cạnh địa điểm bắt buộc niêm yết là trụ sở cơ quan ban hành văn bản QPPL, Nghị định số 34 quy định, theo quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp, văn bản QPPL có thể được niêm yết tại các địa điểm sau: Nơi tiếp công dân của UBND cấp huyện đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện; Nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND cấp huyện, cấp xã; Nhà văn hóa cấp huyện, cấp xã; nhà văn hóa của thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, cụm dân cư, tổ dân phố; Các điểm bưu điện – văn hóa cấp xã; Trung tâm giáo dục cộng đồng; Các điểm tập trung dân cư khác.

Thứ ba, quy định giá trị của văn bản niêm yết. Văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã được niêm yết là văn bản chính thức. Trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản được niêm yết và văn bản từ nguồn khác thì sử dụng văn bản được niêm yết.

Thứ tư, bổ sung quy định về đính chính văn bản niêm yết, theo đó văn bản sau khi đăng niêm yết, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính ngay khi phát hiện sai sót, văn bản đính chính phải được niêm yết trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày người có thẩm quyền ký văn bản đính chính.