Chỉ thị là gì? Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành chỉ thị?
Khái niệm chỉ thị dưới góc độ pháp lý được hiểu như thế nào ? Ai có thẩm quyền ra (ban hành) chỉ thị ? Chỉ thị có phải là văn bản quy phạm pháp luật không ? và một số vấn đề pháp lý liên quan sẽ được Luật Minh Khuê tư vấn và giải đáp cụ thể:
Mục Lục
1. Khái niệm chung về chỉ thị
Chỉ thị là hình thức văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản cá biệt do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành cho cấp dưới tổ chức thực hiện.
Dưới góc độ xã hội, khái niệm chỉ thị được hiểu một cách đơn giản nhất là lệnh cấp trên truyền đạt cho cấp dưới.
Ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập đội Việt-nam tuyên truyền giải phóng quân.
Chỉ thị dùng để truyền đạt các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lí chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, chấn chỉnh công tác, giao nhiệm vụ và đôn đốc các cơ quan cấp dưới, có khi là các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhà nước.
Trong hệ thống thứ bậc văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp 1992, chỉ thị là hình thức văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản dưới luật do Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng chính phủ.
Chỉ thị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định các biện pháp để chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp và kiểm tra hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của mình.
Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định các biện pháp để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp và quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp quy định những biện pháp thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, các quyết định, chủ trương của cấp trên, các quyết định của Uỷ ban nhân dân; giao nhiệm vụ, đôn đốc các cơ quan cấp dưới thực hiện nhiệm vụ.
2. Ai có thẩm quyền ban hành chỉ thị?
Theo quy định tại các Điều 14, 17, 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 cũng quy định rõ:
+ Chỉ thị của UBND cấp tỉnh được ban hành để quy định biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động, đôn đốc và kiểm tra hoạt động của cơ quan, đơn vị trực thuộc và của HĐND, UBND cấp dưới trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND cùng cấp và quyết định của mình;
+ Chỉ thị của UBND cấp huyện được ban hành để quy định biện pháp chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của cơ quan, đơn vị trực thuộc và của HĐND, UBND cấp xã trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND cùng cấp và quyết định của mình;
+ Chỉ thị của UBND cấp xã được ban hành để quy định biện pháp chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND cùng cấp và quyết định của mình.
3. Chỉ thị có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?
Căn cứ quy định tại Điều 2, Điều 4, Khoản 2 Điều 14 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 số 80/2015/QH13, kể từ ngày 1/7/2016, Chỉ thị của UBND tỉnh không còn được quy định là loại văn bản trong hệ thống văn bản QPPL. Việc ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL quy định tại Điều 4 của Luật này, nhưng có chứa QPPL là không phù hợp với quy định hiện hành.
Khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 quy định, nghiêm cấm ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa QPPL.
Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 này quy đinh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như sau:
+ Hiến pháp.
+ Bộ luật, luật (gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
+ Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
+ Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
+ Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
+ Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
+ Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh).
+ Quyết định của UBND cấp tỉnh.
+ Văn bản QPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
+ Nghị quyết của HĐND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện).
+ Quyết định của UBND cấp huyện.
+ Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).
+ Quyết định của UBND cấp xã.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy không có khái niệm về chỉ thị trong luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Có thể khẳng định theo luật mới Chỉ thị không còn là văn bản quy phạm pháp luật nữa. Trước ngày 1/7/2016 thì chỉ thị của UBND tỉnh ban hành được xem là văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra theo Điều 10 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định:
“1. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện rõ số thứ tự, năm ban hành, loại văn bản, cơ quan ban hành văn bản.
2. Việc đánh số thứ tự của văn bản quy phạm pháp luật phải theo từng loại văn bản và năm ban hành. Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được đánh số thứ tự theo từng loại văn bản và nhiệm kỳ của Quốc hội.
3. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp như sau:
a) Số, ký hiệu của luật, nghị quyết của Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”;
b) Số, ký hiệu của pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”;
c) Số, ký hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này được sắp xếp theo thứ tự như sau: “số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản – tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản”
Ví dụ 02/CT-UBND của bạn là không đúng pháp luật.
4. Thuật ngữ liên quan đến chỉ thị
STT
Thuật ngữ
Mô tả
Nguồn
1
Bộ chỉ thị môi trường
Là tập hợp các chỉ thị môi trường.
09/2009/TT-BTNMT
Hết hiệu lực
2
Bộ chỉ thị môi trường cơ bản
Là tập hợp các chỉ thị môi trường cơ bản được chọn lọc từ bộ chỉ thị môi trường đầy đủ.
09/2009/TT-BTNMT
Hết hiệu lực
3
Bộ chỉ thị môi trường đầy đủ
Là toàn bộ các chỉ thị môi trường, được sử dụng khi có đầy đủ, toàn diện các cơ sở dữ liệu về môi trường để xây dựng bộ chỉ thị này.
09/2009/TT-BTNMT
Hết hiệu lực
4
Chỉ thị đánh giá
Chỉ thị đánh giá là chỉ thị so sánh các vấn đề trong thực tế của Việt Nam với những điều kiện chuẩn. Chỉ thị đánh giá thực hiện việc so sánh giữa tình hình môi trường hiện tại và những mục tiêu đặt ra (đánh giá tính khả thi để đạt được các mục tiêu đã đặt ra).
08/2010/TT-BTNMT
Hết hiệu lực
5
Chỉ thị hiệu quả
Chỉ thị hiệu quả là chỉ thị phản ánh mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa các thành phần trong mô hình DPSIR. Chỉ thị hiệu quả phù hợp nhất cho quá trình hoạch định chính sách là các chỉ thị liên quan giữa áp lực môi trường (P) và các hoạt động của con người (D). Những chỉ thị này phản ánh rõ tính hiệu quả môi trường của quy trình sản xuất và của chính các sản phẩm.
08/2010/TT-BTNMT
Hết hiệu lực
6
Chỉ thị mô tả
Chỉ thị mô tả là chỉ thị mô tả hiện trạng các vấn đề môi trường nổi cộm, đặc trưng cho khu vực; các chỉ thị phản ánh đúng tình trạng môi trường.
08/2010/TT-BTNMT
Hết hiệu lực
7
Chỉ thị môi trường
Chỉ thị môi trường là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.
09/2009/TT-BTNMT
Hết hiệu lực
8
Chỉ thị trình bày
Chỉ thị trình bày là một tập hợp các thao tác trình bày cần thiết phù hợp với mỗi quy tắc trình bày cụ thể
02/2012/TT-BTNMT
9
Phiếu chỉ thị môi trường
Phiếu chỉ thị môi trường là công cụ quan trọng dùng trong quản lý môi trường và định hướng tổ chức thu thập thông tin, dữ liệu môi trường, được sử dụng để xây dựng, quản lý, cập nhật thông tin đầy đủ về một chỉ thị môi trường cụ thể.
09/2009/TT-BTNMT
Hết hiệu lực
5. Một chỉ thị hết hiệu lực khi nào ?
Theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Đây chỉ là văn bản hướng dẫn thực hiện về tăng cường quản lý đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư công. Hiệu lực của Chỉ thị, văn bản phụ thuộc vào từng nội dung mà nó thể hiện.
Nếu nội dung Chỉ thị, văn bản để chỉ đạo thực hiện một nội dung cụ thể của pháp luật đầu tư công mà văn bản pháp luật đó đã hết hiệu lực thì nội dung của Chỉ thị, văn bản đó sẽ hết giá trị thực hiện.
Nếu nội dung Chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trong thời gian nhất định thì nội dung đó sẽ hết giá trị khi đã thực hiện xong nhiệm vụ theo yêu cầu của Chỉ thị, văn bản.
Nếu nội dung Chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ có tính thường xuyên không ấn định thời gian kết thúc thì nội dung đó của Chỉ thị, văn bản vẫn còn hiệu lực.
Ví dụ: Chỉ thị số 1792/CT-TTg được ban hành khi chưa có Luật Đầu tư công và Văn bản số 1101/BKHĐT-TH được ban hành khi chưa có các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công.
Sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực và các Nghị định hướng dẫn được ban hành, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn.
Trên đây là toàn bộ nội dung phân tích về những quy định pháp lý về chỉ chị, mọi vướng mắc pháp lý vui lòng gọi: 1900.6162 để được tư vấn và giải đáp trực tuyến. Trân trọng./.