Chi cuc Thu Y Dong Nai > Tin tức
Ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu với 2 loại vật nuôi chủ lực heo, gà và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng đầu con. Hiện nay tổng đàn heo khoảng 2,093 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% với 971 trang trại. Tổng đàn gà khoảng khoảng 22,5 triệu con; chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 410 trang trại. Ngoài ra, còn có một số loại gia súc, gia cầm khác: trâu, bò khoảng 85.000 con; dê khoảng 277.000 con; đàn vịt, ngan, ngỗng khoảng 2 triệu con; đàn cút khoảng 6,8 triệu con. Đối với nghề trồng dâu, nuôi tằm hiện nay phát triển tương đối tốt, diện tích trồng dâu trên toàn tỉnh Đồng Nai khoảng 826,48 ha, số hộ nuôi tằm 872 hộ, phân bố chủ yếu tại các huyện: Cẩm Mỹ (463 ha/ 476 hộ nuôi tằm), Tân Phú (336,5 ha/368 hộ nuôi tằm), Long Thành (12,48 ha/ 14 hộ nuôi tằm), Vĩnh Cửu (10 ha/ 09 hộ nuôi tằm) và Định Quán (4,5 ha/05 hộ nuôi tằm). Lợi nhuận thu được từ hoạt động trồng dâu, nuôi tằm trungbình từ 160.000.000đ -300.000.000 đồng/ha/năm.
Hình 1. Vườn dâu ở Cẩm Mỹ
Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã có từ lâu ở Đồng Nai và phát triển mạnh ở thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, đã hình thành những làng nghề tập trung, vừa giải quyết được công lao động (tận dụng được nguồn lao động tại nhà như trẻ em và người hết tuổi lao động), đồng thời mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông hộ, nhất là những thời điểm giá kén tằm cao. Hình thức là nông dân tự trồng dâu làm nguồn thức ăn chăn nuôi tằm, kén tằm được bán cho thương lái hoặc các cơ sở ươm tơ tại địa phương hoặc Xí nghiệp dâu tằm tơ Tân Lộc (nay đổi tên thành Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc). Những năm giữa thập niên 90, ngành dâu tằm cả nước bị tác động bởi thị trường thế giới, sự phát triển của cây dâu, con tằm đã bị chững lại; bên cạnh đó, ngành công nghiệp trong tỉnh phát triển, thu hút phần lớn nguồn lao động trẻ nên nguồn nhân lực trở nên khan hiếm, quỹ đất trồng dâu cũng được chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, nghề trồng dâu nuôi tằm dần dần bị thu hẹp lại và hiện nay, nhờ liên kết tiêu thụ, giá cả sản phẩm ổn định hơn trước nên nghề trồng dâu, nuôi tằm tại Đồng Nai đang phát triển trở lại.
Giống dâu trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là các giống: Sha Nhị Luân, giống dâu lai tam bội số 7 và số 12. Đây là giống dâu không kén đất, được trồng chuyên canh hoặc xen trong vườn cây ăn trái bằng hạt và hom giống; sau khi trồng từ 4 – 6 tháng thì thu hoạch lá nuôi tằm, năng suất đạt 20 – 28 tấn lá dâu/ha.
Giống tằm được nuôi trên địa bàn Đồng Nai chủ yếu là các giống tằm dâu, tằm Eri, tằm Tasar. Các giống này hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Tằm khi nuôi thường ở tuổi 3- tuổi 4; được nuôi trong nhà quây lưới xung quanh, nền xi măng, trên lợp lá; đóng kén trong né bằng gỗ hoặc bằng tre. Mỗi lứa nuôi 1 – 2 hộp trứng/nông hộ, 2 lứa/tháng. Năng suất kén tằm: 45 – 55 kg kén/hộp trứng tằm. Một năm, người chăn nuôi thường nuôi tằm với tổng thời gian 6 – 8 tháng, tùy lượng lá dâu (chủ yếu nuôi vào mùa mưa).
Hình 2. Nhà nuôi tằm
Sản phẩm kén tằm ngoài bán cho các thương lái tự do thì chủ yếu được Công ty dâu tằm tơ Minh Tuyết Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bao tiêu với giá dao động từ 90-150 ngàn đồng/kg tơ. Công ty này thông qua đối tác là Trại tằm giống Minh Hóa (xã sông ray, huyện Cẩm Mỹ) sẽ cung cấp con giống, kỹ thuật chăm sóc cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm và thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Để hỗ trợ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, Đồng Nai trong những năm gần đây tập trung vào các hoạt động như: tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và kinh tế Bảo Lộc mở các lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho nông dân; hỗ trợ phát triển sản xuất, đã triển khai thực hiện 03 mô hình trồng dâu – nuôi tằm với diện tích trồng dâu 250 ha/300 hộ; hỗ trợ vùng trồng cây nguyên liệu, đã hỗ trợ trồng 44 ha giống dâu tam bội năng suất cao để tạo nguồn thức ăn cho tằm; tạo liên kết trong sản xuất, đã thành lập 07 tổ hợp tác dâu tằm tơ với hơn 100 hộ thành viên.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phấn đấu của người nông dân, nghề trồng dâu nuôi tằm tại Đồng Nai có những thuận lợi, khó khăn như sau:
Về thuận lợi, trồng dâu nuôi tằm là nghề có chi phí sản xuất thấp, vốn đầu tư không cao, thời gian quay vòng vốn nhanh (1 lứa nuôi khoảng 15-20 ngày), cây dâu sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, chỉ sau 4 – 6 tháng trồng dâu có thể thu hoạch lá và một lần trồng có thể thu hoạch 15 – 20 năm; mọi người dân từ người trẻ đến già đều có thể thực hiện được, có thể thu hút được lao động nông nhàn; người nông dân đã được nhận hỗ trợ từ chính quyền thông qua các hoạt động tập huấn, chuyển giao công nghệ, thực hiện các mô hình trồng dâu – nuôi tằm.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, thì nghề trồng dâu nuôi tằm cũng đang gặp phải những khó khăn như: hiện nay nguồn cung giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm từ nuôi tằm chủ yếu Trung Quốc nên rất khó kiểm soát dịch bệnh, khi giao thương không thuận lợi thì hoạt động nhập giống nuôi và xuất bán sản phẩm cũng bị ngừng trệ; diện tích trồng dâu thường trồng xen canh với các cây trồng khác, trong khi đặc điểm của cây dâu lại rất mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất dâu, nuôi tằm; mặt khác nguồn nhân lực đã qua đào tạo về nghề trồng dâu nuôi tằm hiện nay còn ít, thiếu lực lượng lao động trẻ để áp dụng công nghệ mới trong nuôi và chế biến tơ.
Trong tình hình hiện nay, để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung và cả nước nói riêng, cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền Luật Chăn nuôi, vận động người dân thực hiện khai báo với chính quyền để công tác quản lý hoạt động trồng dâu, nuôi tằm được chặt chẽ hơn.
Thứ hai, cần nghiên cứu, tạo ra giống tằm có năng suất cao, ổn định nhằm tạo nguồn cung giống tằm ổn định trong nước, không phụ thuộc vào giống phải nhập từ nước ngoài.
Thứ ba, cần quy hoạch và định hướng phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm cách xa ruộng lúa hoặc cây trồng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu để không ảnh hưởng đến cây dâu.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật, về trồng dâu, nuôi tằm, phòng trị bệnh cho tằm, các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng tơ kén; tổ chức tham quan học tập các mô hình nuôi tằm có hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh đồng thời xây dựng các mô hình điểm để sau đó người dân học tập lẫn nhau.
Thứ năm, ngoài việc xuất khẩu các sản phẩm thô như kén, tơ.. cần nghiên cứu để sản xuất ra những sản phẩm kết hợp với tơ tằm đáp ứng với nhu cầu của xã hội trong thời đại công nghiệp hiện nay như: về chất liệu: dễ thấm, ít nhăn, dễ là ủi… về hình thức: có nhiều hoa văn đẹp, màu sắc bắt mắt; giá cả phù hợp; ứng dụng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc các lĩnh vực khác như y tế, vật liệu công nghiệp…
Hoàng Thùy Dương
Phòng Chăn Nuôi