Chi bộ 3: Học tập và làm theo Bác về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thứ năm – 10/10/2019 16:30

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, xây dựng Đảng hiện nay, việc tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, đảng viên là vấn đề cơ bản, cấp thiết; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ mật thiết với việc phòng, chống quan liêu, tham nhũng, có cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì xã hội phồn thịnh, tốt đẹp, ngược lại, xã hội sẽ suy vong. Trái với “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đó là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Chính vì vậy, một xã hội muốn phát triển phải chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời phải giáo dục mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Theo Bác “cần, kiệm, liêm, chính” là bốn đức tính quan trọng của con người, giống như trời có bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông; đất có 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc; người có 4 đức “cần, kiệm, liêm, chính”. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người. Để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tác phẩm viết về vấn đề này.

Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác viết Chương đầu tiên của cuốn sách là Tư cách một người cách mệnh và tiêu chuẩn đầu tiên trong tư cách một người cách mệnh chính là: cần kiệm. Sau này là các tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (1952). “Đạo đức cách mạng” (12-1958). Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người nhắc “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…”

Đặc biệt, việc Hồ Chí Minh giải thích “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” bằng thực tiễn, bằng tấm gương rèn luyện đạo đức cần mẫn hằng ngày của Người, đã củng cố thêm giá trị những phẩm chất này, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.

Bác quan niệm, Cần tức là cần mẫn, chịu khó, làm việc tự giác, tự nguyện không cần một sự thúc đẩy, tác động nào bên ngoài. Hơn thế nữa, “cần” còn phải đi với năng động, sáng tạo, cần còn có nghĩa là làm việc có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ.

Kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cải vật chất và tinh thần cho nhân dân, không lãng phí, tiêu dùng hợp lý nhằm mục đích mở rộng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Với Bác, tiết kiệm là tiêu dùng hợp lý, “Kiệm” còn đối lập với lãng phí. Tiết kiệm cả về tiền của, vật chất lẫn sức lực của con người.

Trong một lần Bác đến dự buổi Bế giảng Trường Quân chính từ thời kỳ đầu của cách mạng, Bác đến rất đúng giờ, thế nhưng đợi 10 phút vị chỉ huy mới đến. Khi đến vị chỉ huy vội trình bày với Bác là có việc đột xuất nên mong Bác thông cảm. Bác hỏi chú đến muộn mấy phút rồi – vị chỉ huy xem đồng hồ thưa Bác 5 phút ạ. Bác bảo – không phải đâu, chú nhân cho Bác lên 500 lần nữa, vì cả hội trường đang ngồi đợi chú. Câu chuyện ở đây cho chúng ta thấy rằng, tiết kiệm không chỉ của cải vật chất mà cả thời gian nữa. Người từng nói: “Thì giờ cũng cần tiết kiệm như của cải, của cải hết còn có thể làm thêm khi thời gian đã qua rồi không bao giờ kéo lại được”. 

Liêm là liêm khiết, là “trong sạch, không tham lam”, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, không tham sung sướng; không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Liêm phải đi đôi với kiệm, bởi có kiệm mới liêm được;

Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính; Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn; Chính là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái xấu, cái sai trái. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn. Chính đối với mình là không tự cao, tự đại, luôn luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, phát triển điều hay và sửa chữa khuyết điểm của mình. Đối với người, phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới.

Chí công vô tư là mình vì mọi người; Chí công là rất mực công bằng, công tâm; Vô tư là không được có lòng riêng tư đối với người, với việc; luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu; khi khó khăn thì đi trước, hưởng thụ sau; không tham tiền tài, địa vị, danh vọng, chỉ có một mục đích cao nhất là làm sao để cuộc sống của nhân dân no đủ, hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Do vậy, cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, giữ liêm khiết, trong sạch trở thành phong cách riêng của Người ở mọi lúc, mọi nơi. Người sống trung thực, chân thành với chính mình và với người khác. Người cũng được xem là hiện thân của đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”. Đời sống của Bác rất thanh cao và giản dị. Bác rất quan tâm đến việc rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, từ lời nói đến việc làm. Bản thân Bác là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để chúng ta học tập và noi theo.

Đại Hội X đã nhận định “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn đang diễn ra nghiêm trọng chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục”. Chúng ta đang đi theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường, bên cạnh một số mặt, một số giá trị đạt được, trong xã hội đã xảy ra những biến động rất đáng lo ngại về mặt đạo đức, lối sống và nhận thức trong đó có một phần là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, chúng ta đang phải chứng kiến một hiện thực vô cùng nhức nhối trong xã hội là lối sống sa hoa, buông thả, đi ngược lại với đạo đức truyền thống của dân tộc. Thực tế cho thấy chỉ số ít người làm ra đồng tiền bằng chính mồ hôi, sức lực, tài năng thật sự và bằng trí tuệ của mình.

Tiếp thu những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tất cả đảng viên Chi bộ 3 đã nhận thức sâu sắc, xác định là trách nhiệm của mỗi người, mỗi vị trí công tác. Từ đó đã vận dụng đúng đắn và hiệu quả trong một số công việc cụ thể:

– Tất cả đảng viên tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiêm túc chấp hành kỷ cương, kỷ luật, quy định của pháp luật, ý thức trong bảo vệ bí mật nghiệp vụ; đảng viên Chi bộ luôn nghiêm túc thực hiện và làm theo Bản tự cam kết tu dưỡng, rèn luyện đã đăng ký hàng năm, thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên theo quy định. Mỗi đảng viên luôn có tinh thần nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị; không tự cao, tự mãn; giữ thái độ tôn trọng, lắng nghe khi giải quyết công việc, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

– Đảng viên trong Chi bộ luôn gương mẫu thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm, đảng viên thực hiện tốt lời dạy của Bác về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cụ thể từ một số công việc như: tiết kiệm văn phòng phẩm, tiết kiệm điện, nước, tiết kiệm trong việc in, pho tài liệu, chấp hành giờ giấc làm việc, luôn luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết… trong công việc đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác và khách quan, vô tư, đúng quy định.

– Không quan liêu, tham nhũng, vừa qua 01 đảng viên trong Chi bộ được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ tặng giấy khen về việc không nhận tiền của đương sự và 03 đảng viên được Đảng ủy khối cơ quan Dân chính Đảng tặng giấy khen do có thành tích tốt trong 03 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, 01 đảng viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tặng giấy khen “Có thành tích trong việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh”, 01 đảng viên được Khối cơ quan Dân chính đảng tặng giấy khen 05 năm liền “Có thành tích trong việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh”.