Chi Lăng: Tập trung chăm sóc cây na sau thu hoạch

(LSO) – Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 hằng năm là thời điểm người dân trồng na huyện Chi Lăng bắt đầu thực hiện các biện pháp chăm sóc cây na sau thu hoạch. Việc này nhằm giúp cho cây na phục hồi, phát triển tốt và đảm bảo chất lượng cho vụ sau.

Xã Chi Lăng là một trong những xã có diện tích trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP lớn nhất của huyện với 90 ha. Thời điểm này, những người trồng na tại đây đã bắt tay vào chăm sóc na sau thu hoạch. Gia đình ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng là một trong những hộ tham gia mô hình trồng na VietGAP tại xã Chi Lăng với diện tích hơn 2 ha. Ông Lét cho biết: Sau khi thu hoạch, cần cắt tỉa các cành na già cỗi để tạo tán mới, từ đó giúp cây phát triển tốt, khỏe mạnh. Đây là một trong những yếu tố quyết định để cây na vụ sau có thể sai quả, ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên, việc cắt tỉa cành cần phù hợp với tuổi của cây. Ví dụ: đối với cây già cỗi, mọc quá cao, cần cắt tỉa cách gốc 80 đến 100 cm. Còn đối với cây đang thời kỳ phát triển mạnh cần phải tỉa hết các cành nhỏ, chỉ chừa lại các cành to bằng ngón tay trở lên. Sau khi cắt tỉa, cần dùng dung dịch Boóc – đô để quết qua vết cắt, qua đó giúp hạn chế cây mất nước, tránh nhiễm khuẩn.

Người dân chăm sóc na tại xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng

Theo kinh nghiệm của người dân tại đây, việc cắt tỉa cành thường diễn ra vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 Dương lịch. Cây na được cắt tỉa, tạo tán sau thu hoạch thường cho quả to hơn so với cây không được cắt tỉa, trung bình với mỗi cây sẽ tăng 3 đến 4 kg quả.

Tại thị trấn Đồng Mỏ, nhiều hộ trồng na cũng đang tất bật cắt tỉa cành, dọn cỏ, bón phân cho cây na. Bà Nguyễn Thị Tuyết, người trồng na tại thôn Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đang chăm sóc sau thu hoạch cho gần 600 cây na. Để bón phân hiệu quả, trước tiên cần dọn sạch các loại cỏ trong vườn, tránh tình trạng mất chất dinh dưỡng của cây. Sau khi bón phân, cần cuốc xới đất, vùi đất kỹ và tưới nước giữ ẩm để cây dễ hấp thụ. Về liều lượng phân bón phụ thuộc vào tuổi và kích cỡ của cây, với mỗi cây na, nên dùng khoảng 1,5 đến 3 kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ và 0,2  đến  0,4 kg vôi bột.

Không chỉ riêng ở hai vùng trồng na trên, hiện nay, tại các xã có diện tích trồng na lớn của huyện Chi Lăng như: Y Tịch, Mai Sao, Hòa Bình… người dân đang thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc cây na sau thu hoạch.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng, trong năm 2020, diện tích na của toàn huyện đạt 1.900 ha, tăng khoảng 100 ha so với năm 2019. Trong đó, 1.600 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng na của huyện năm 2020 ước đạt 16.500 tấn. Thời điểm này, trên 90% diện tích trồng na của huyện gần như đã thu hoạch xong. Để đảm bảo cho cây na phát triển tốt, những năm qua, đơn vị đã triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền cho người dân về các kỹ thuật trồng, chăm sóc na trước và sau thu hoạch. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã triển khai được 32 cuộc tập huấn, thu hút 1.300 lượt người tham gia.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành cùng với sự tiếp thu, ham học hỏi của người dân, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm na Chi Lăng ngày càng được nâng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng đến phát triển các mô hình sản xuất na theo hướng VietGAP, GlobalGAP…, giúp sản phẩm na khẳng định chất lượng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, tình hình tiêu thụ na trên địa bàn năm 2020 rất tốt. Giá bán dao động từ 20.000 đồng/kg (loại nhỏ, 8 đến 10 quả/kg) đến 70.000 đồng/kg (loại to 2 đến 3 quả/kg).

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Chăm sóc na sau thu hoạch là một trong những việc làm quan trọng, cần thiết để đảm bảo cho cây phát triển tốt. Tại Chi Lăng, bà con trồng na đã có nhiều kinh nghiệm và thực hiện rất tốt việc này. Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, hướng dẫn kiến thức nâng cao cho người dân trồng và chăm sóc na trong toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc đến sau thu hoạch. Qua đó, giúp sản phẩm na Chi Lăng ngày càng được nâng cao về chất lượng, sản lượng.