Chế tài hành chính là gì ? Khái niệm về chế tài hành chính

Chế tài hành chính là bộ phận của quy phạm pháp luật hành chính. Vậy, quy định pháp luật về chế tài hành chính như thế nào ? Chế tài hành chính có gì khác biệt so với các loại chế tài khác ? Bài viết phân tích và giải đáp cụ thể:

1. Khái niệm chế tài

Chế tài là một trong ba bộ phận cấu thành một quy phạm pháp luật, xác định các hình thức trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm với những quy tắc xử sự chung được ghi trong phần quy định và giả định của quy phạm pháp luật.

Chế tài là bộ phận của quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi sai phạm nhằm đảm bảo an toàn xã hội trên các quan hệ pháp luật bảo vệ.

Căn cứ vào tính chất và của các nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh thì chế tài được phân làm nhiều loại:

– Chế tài hình sự;

– Chế tài dân sự;

– Chế tài hành chính; …

2. Nguồn gốc của chế tài

Chế tài được xem là một trong ba bộ phận, cùng với giả định và quy định cấu thành nên quy phạm pháp luật. Trong tiếng Anh, ba bộ phận này được ghi chú như sau: chế tài là “sanction”, giả định là “hypothenis”, quy định là “dispossition”. Trong cả tiếng Anh và tiếng Nga, sanction (chế tài) được hiểu là một sự trừng phạt. Như vậy, có thể nói chế tài theo nghĩa gốc của nó là một sự trừng phạt, trừng trị đối với một hành vi vi phạm nhất định nào đó.

Mặt khác, trong tiếng gốc Latin, chế tài (sanction) là sanction, xuất phát từ động từ sancrire, được hiểu như là một cách thiết lập một luạt lệ nào đó. Từ khía cạnh này, cũng có thể hiện ché tài là một kiểu luật lệ hay một sắc lệnh cụ thể, chúng đều được sử dụng phổ biến trong phạm vi các nhà thờ, giáo hội, nói chung là phạm trù tôn giáo. Hiện nay, với tiếng Anh và tiếng Pháp, thì từ sanction cũng được mang ý nghĩa như một sự chuẩn y, phê chuẩn một điều luật nào đó.

Được sử dụng với ý nghĩa phổ biến là một biện pháp trừng phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Nhìn chung, đặt ở mỗi bối cảnh khác nhau, ở một quốc gia và hệ thống luật lệ của quốc gia đó khác nhau, chế tài sẽ mang trong mình một khía cạnh không thực sự giống nhau. Mặc dù trừng phạt là ý nghĩa phổ biến của chế tài, tuy nhiên với Việt Nam, nó mang lại mang một ý nghĩa khác.

3. Khái niệm chế tài hành chính

Chế tài hành chính trước đây được nhiều học giả luật hình sự xem là một nội dung của chuyên ngành luật hình sự do những điểm giao thoa của hai hình thức chế tài này. Hội nghị Hiệp hội luật hình sự các nước châu Âu lần thứ 14 tổ chức tại thành phố Vienna (Áo) năm 1989 đã thảo luận nhiều về vấn đề chế tài hành chính và xem nó là một nội dung không thể thiếu của luật hình sự. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm trái ngược từ các chuyên gia đến từ các nước khác nhau trong Hiệp hội. Chẳng hạn, Tiến sĩ Yucel Ogurlu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng: chế tài hành chính hoàn toàn khác biệt với chế tài hình sự về nội dung, thẩm quyền và thủ tục áp dụng, do đó, nó cần được tách biệt với luật hình sự. Yucel Ogurlu chỉ ra những điểm khác biệt sau đây giữa hai loại chế tài:

– Nếu chế tài hình sự được phán quyết, áp dụng và thi hành bởi tòa án tư pháp thì chế tài hành chính được quyết định và thi hành bởi các chủ thể trong lĩnh vực quản lý hành chính. Thủ tục áp dụng với chế tài hành chính hoàn toàn khác với chế tài hình sự bởi quyền lực áp dụng không thuộc về tòa án, tuy nhiên trong một vài trường hợp, thủ tục nửa tư pháp có thể được áp dụng.

– Nếu chế tài hình sự được sử dụng nhằm trừng phạt và ngăn ngừa tội phạm nghiêm trọng, chế tài hành chính nhằm xử phạt và ngăn ngừa những vi phạm nhỏ hơn. Bên cạnh mục đích trừng phạt, mục đích giáo dục, ngăn ngừa được coi trọng.

– Chế tài hành chính đương nhiên không nặng so với chế tài hình sự, nhưng nếu lặp đi lặp lại nó sẽ trở thành nghiêm trọng và bị chuyển hóa thành chế tài hình sự. Trong một số trường hợp, chế tài hành chính có thể áp dụng bởi một số cơ quan đặc biệt, độc lập với cơ quan hành chính, như Hội đồng tối cao của Đài phát thanh truyền hình (Supreme Council of Radio – Television) có thể áp dụng mức phạt tiền nặng và cấm một tổ chức hay cá nhân nào đó truyền phát sóng radio hay kênh truyền hình trong một hoặc một vài tháng.

Chế tài hành chính, theo quan niệm của luật hành chính và với tư cách là một chế định của ngành luật này, là một bộ phận của các quyết định hành chính được áp dụng bởi các chủ thể quản lý có quyền lực quyết định đơn phương. Đối tượng bị áp dụng, thi hành chế tài hành chính là các cá nhân, tổ chức vi phạm các trật tự công được pháp luật bảo vệ, được quy định trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như lĩnh vực môi trường, giao thông, đô thị, lao động, xây dựng, đất đai, kỷ luật nhà nước.

Về khái niệm chế tài hành chính, xuất phát từ sự phân chia một quy phạm pháp luật gồm ba phần là: giả định, quy định và chế tài, nhiều học giả cho rằng, chế tài hành chính là một bộ phận của quy phạm pháp luật hành chính, xác định các biện pháp xử phạt hoặc khen thưởng hành chính. Quan niệm này không phù hợp với khái niệm chế tài hành chính được thừa nhận rộng rãi, xuất phát từ đặc trưng của chế tài hành chính phải là tính trừng trị như đã trình bày ở trên. Nội dung khen thưởng đối với các cá nhân khi có những thành tích nhất định không thể nằm trong nội dung của chế tài hành chính.

Một số nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm chế tài hành chính dùng để chỉ các biện pháp chế tài hành chính mang tính trừng phạt, áp dụng đối với những đối tượng vi phạm pháp luật. Họ lý giải vi phạm pháp luật ở đây được hiểu là vi phạm hành chính và đồng ý với việc tách biệt chế tài hành chính không hoàn toàn trùng với cưỡng chế hành chính.

Như vậy, theo quan điểm trên, cưỡng chế hành chính là khái niệm rộng hơn khái niệm chế tài hành chính, bởi chế tài hành chính chỉ là nhóm cưỡng chế có tính trừng phạt, được áp dụng khi có vi phạm pháp luật (vi phạm hành chính, trong khi cưỡng chế hành chính trong nhiều trường hợp áp dụng vì những lý do an ninh, quốc phòng hay lợi ích quốc gia.

Chúng tôi cho rằng, nếu với quan điểm: “chế tài hành chính chỉ là nhóm cưỡng chế có tính trừng phạt”, thì lại mâu thuẫn khi một số nhà nghiên cứu xếp các biện pháp xử lý hành chính khác như giáo dục tại xã, phường, đưa vào cơ sở giáo dục, giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh…vào nhóm các biện pháp chế tài hành chính trong pháp luật Việt Nam. Mặt khác, nếu chế tài hành chính được áp dụng khi “có vi phạm pháp luật” thì sẽ mâu thuẫn với trường hợp các biện pháp chế tài có thể được áp dụng khi vi phạm pháp luật chưa xảy ra, hoặc để ngăn chặn, phòng ngừa hoặc vì các lý do an ninh hay lợi ích cộng đồng.

Để xây dựng khái niệm chế tài hành chính trở thành một khái niệm pháp lý chính thức ở Việt Nam, cần phải tiếp cận khái niệm này một cách chuẩn mực từ luật hành chính nước ngoài như đã giới thiệu ở trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cũng cần giữ lại những đặc trưng riêng xuất phát từ những đặc điểm khác biệt về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa pháp lý. Khi so sánh, khái niệm cưỡng chế hành chính trong Giáo trình Luật hành chính Việt Nam có nhiều điểm giống với khái niệm chế tài hành chính được thừa nhận trên thế giới. Tuy nhiên, điểm thú vị cũng cần tham khảo là nhiều nước trên thế giới xếp nhóm các biện pháp kỷ luật (disciplinaries) là một trong các biện pháp chế tài hành chính, trong khi luật hành chính Việt Nam tách biệt biện pháp cưỡng chế hành chính với biện pháp cưỡng chế kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

Chế tài hành chính là bộ phận của quy phạm pháp luật hành chính (giả định, quy định, chế tài) xác định biện pháp xử lí của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về quản lí nhà nước mà không phải là tội phạm, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Đặc điểm của chế tài hành chính

Chế tài hành chính được áp dụng không chỉ nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích công mà còn bảo vệ các quy tắc, trật tự xã hội, đảm bảo cuộc sống yên bình cho cư dân. Ngoài tính trừng phạt, chế tài hành chính còn nhằm ngăn chặn những vi phạm có thể xảy ra nguy hiểm hơn, ví dụ như xử phạt người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn cao nhằm ngăn chặn họ có thể điều khiển xe gây tai nạn, nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe của người khác, hoặc xử phạt người có hành vi trộm cắp vặt để ngăn ngừa việc họ có thể tái diễn hoặc chuyển hóa thành hành vi trộm cắp bị chế tài theo Bộ luật Hình sự. Yucel Ogurlu cho rằng, mục đích đầu tiên và chủ yếu của chế tài hành chính là đình chỉ một hành vi vi phạm hiện tại và ngăn ngừa những hành vi vi phạm trong tương lai.

Chế tài hành chính, theo các học giả, luôn luôn chứa trong nó đặc tính trừng trị. Điều đó có nghĩa, chế tài hành chính phải bao gồm các hình thức chế tài nghiêm khắc và thi hành nghiêm minh. Tính nghiêm khắc thể hiện ở mức phạt tiền, việc tước hay hạn chế sử dụng các loại giấy phép, đình chỉ việc xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng hay quyết định phá dỡ công trình xây dựng trái phép. Quan trọng nhất là đảm bảo cho các hình thức xử phạt nêu trên được áp dụng đúng đối với chủ thể, mức độ vi phạm và không để những hành vi tham nhũng, hối lộ xảy ra trong quá trình xử lý.

Chế tài hành chính có thể áp dụng đối với những người dân bình thường và cũng có thể áp dụng đối với các chủ thể là cán bộ, công chức hay những người có thẩm quyền trong quản lý hành chính. Về nguyên tắc, các chủ thể vi phạm đều phải bình đẳng trong việc áp dụng các hình thức chế tài, cần tránh tình trạng bao che, xử lý nội bộ cho những người vi phạm là cán bộ, công chức. Mặt khác, cùng một hành vi vi phạm, nếu chủ thể là cán bộ, công chức có thể bị xử lý nặng hơn do có trình độ am hiểu nhất định về lĩnh vực vi phạm, ngoài ra có thể xử lý kỷ luật đối với họ.

5. Một số nguyên tắc pháp lý và yêu cầu chung khi áp dụng các chế tài hành chính

Việc xây dựng khái niệm và xác định các hình thức chế tài hành chính cần phải dựa vào một số các nguyên tắc pháp lý sau:

– Nguyên tắc không trừng phạt như tội phạm và không áp dụng khi không có luật quy định. Về nguyên tắc, hành vi bị áp dụng chế tài hành chính không thể là hành vi tội phạm. Nghiêm cấm việc giữ hành vi có dấu hiệu tội phạm để XPHC. Mặt khác, việc xử phạt phải dựa vào điều khoản được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành.

– Nguyên tắc không áp dụng hiệu lực hồi tố. Việc áp dụng chế tài hành chính không thể dựa vào văn bản quy phạm đã hết hiệu lực.

– Nguyên tắc cung cấp chứng cứ. Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thuộc về cơ quan hành chính hay cá nhân có thẩm quyền. Các chủ thể này phải chứng minh được hành vi vi phạm và trích dẫn điều luật áp dụng.

– Nguyên tắc không áp dụng chế tài hành chính hai lần cho một hành vi. Theo nguyên tắc này, một hành vi vi phạm không thể bị xử phạt hai lần. Mặt khác, với một hành vi vi phạm, không thể vừa bị XPHC, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Nguyên tắc tính phù hợp. Về mặt nguyên tắc, một chế tài hành chính phải được áp dụng phù hợp, nhằm trừng phạt hay ngăn ngừa những hành vi vi phạm trật tự công, phù hợp với quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt phải tương xứng với hành vi vi phạm. Nguyên tắc này là một rào cản cho cơ quan hành chính khi áp dụng chế tài làm hạn chế quyền và tự do của cá nhân. Đây cũng là một nguyên tắc khiến cơ quan hành chính phải hết sức thận trọng khi áp dụng chế tài hành chính nếu không muốn các quyết định của mình có thể bị kiện ra tòa án.

Nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ và hội nhập khi áp dụng các chế tài hành chính, các cơ quan hay cán bộ, công chức có thẩm quyền cần phải tuân theo một số yêu cầu chung sau đây: chế tài hành chính phải phù hợp với bản chất và đặc điểm của đối tượng bị xử lý; chế tài hành chính phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi; chế tài hành chính phải phù hợp với tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật trong nước; chế tài hành chính phải phù hợp với sự phát triển đa chiều của xã hội và tính hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến 1900.6162để được giải đáp thêm.

Trân trọng./

Bộ phận tư vấn pháp luật hành chính – Công ty luật Minh Khuê