Chế độ tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên được quy định và tính như thế nào?
(GDVN) – Thầy Sông Trà cung cấp, chia sẻ với độc giả về các quy định và cách tính về chế độ tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên (mới nhất).
Mấy đứa cháu của tôi đang dạy học ở các huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi cho biết:
“Cậu ơi, chú ơi, năm nay, cháu có nhiều tiết thừa giờ (vượt tiết chuẩn) do trường thiếu giáo viên nên cuối học kỳ này tụi cháu sẽ được tính chế độ tiền lương dạy thừa giờ.
Nhưng tụi cháu vẫn không rõ cách tính ấy ra sao, theo các văn bản, quy định cụ thể nào? Cậu, chú có thể chỉ cho tụi cháu được không?”
Một đứa em, mới nhận chức Hiệu trưởng trường trung học cơ sở được 4 tháng cũng đang lúng túng, chưa rõ về chế độ tính tiền lương dạy thừa giờ của giáo viên, có gọi điện thoại hỏi tôi, để chỉ đạo, hướng dẫn bộ phận kế toán thực hiện đúng, chính xác chế độ cho anh chị em giáo viên.
Và còn nhiều nhà trường, thầy cô giáo ở địa phương khác đang cần những thông tin cần thiết như vậy.
Do đó, tôi xin cung cấp, chia sẻ các quy định và cách tính về chế độ tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên (mới nhất) như sau:
1. Đối tượng áp dụng
Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (kể cả giáo viên làm công tác quản lý, kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội) thuộc danh sách trả lương đã được phê duyệt, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
2. Điều kiện áp dụng
Những đối tượng nêu trên được hưởng tiền dạy thêm khi đã được xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, các nhiệm vụ công tác khác theo chế độ làm việc quy định tại các văn bản sau:
– Quyết định 13/2013/QĐ-TTg ngày 06/02/2013;
– Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non ngày 25/10/2011;
– Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ngày 21/10/2009;
– Thông tư 01/2018/TT-BNV về hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngày 08/01/2018.
3. Cách tính tiền lương dạy thêm
Tiền lương dạy thêm giờ được tính theo các công thức sau:
Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy x 150%
Trong đó: (1) Tiền lương 01 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học): (Định mức giờ dạy/năm)] x [Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần]
Đối với giáo viên làm công tác quản lý, làm tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội ở được tính theo công thức nêu trên với định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó.
(2) Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] – (Định mức giờ dạy/năm)
(3) Định mức giờ dạy/năm được tính như sau:
– Đối với trường mầm non:
+ Định mức với giáo viên = (Số giờ dạy trẻ học 2 buổi/ngày) x (Số ngày làm việc/tuần) x (Số tuần dạy trẻ/năm học)
+ Định mức với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng = (Số giờ trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) x (Số tuần dạy trẻ/năm học)
– Đối với trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông:
+ Định mức với giáo viên = [Định mức tiết dạy (tiêu chuẩn giờ giảng)/tuần] x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học)
+ Định mức với hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, giáo viên là cán bộ Đoàn, Hội = (Định mức tiết dạy/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách; cán bộ Đoàn, Hội) x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học)
Lưu ý:
– Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu giáo viên thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi:
– Có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.
– Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
– Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm:
+ Thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;
+ Thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.
Căn cứ pháp lý: Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013.(1)
Tài liệu tham khảo:
1. https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/chinh-sach/24888/toan-bo-che-do-tien-luong-day-them-gio-cua-giao-vien-moi-nhat
SÔNG TRÀ