Chế độ nghỉ việc riêng của giáo viên theo quy định hiện nay
Giáo viên ngoài những ngày nghỉ được hưởng lương theo quy định của pháp luật còn có chế độ nghỉ việc riêng. Theo Bộ luật Lao động, nghỉ việc riêng tùy vào từng trường hợp mà có lương hoặc không được hưởng lương. Vậy cụ thể về chế độ nghỉ việc riêng của giáo viên thế nào?
Mục lục bài viết
- Những ngày nghỉ được hưởng lương giáo viên
- Chế độ nghỉ việc riêng của giáo viên thế nào?
- Hiệu trưởng có quyền cho giáo viên nghỉ việc riêng mấy ngày?
Câu hỏi: Tôi muốn biết vể chế độ nghỉ việc riêng của giáo viên, khi nào thì nghỉ việc riêng được hưởng lương, khi nào không có lương?
Những ngày nghỉ được hưởng lương giáo viên
Nghị định 84/2020 của Chính phủ quy định thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần (gồm cả nghỉ phép năm).
Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)
Bên cạnh đó, giáo viên được nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Ngoài ra, theo Bộ Luật lao động 2019 giáo viên cũng được nghỉ các ngày nghỉ như:
Nghỉ Tết Dương lịch, Ngày Chiến Thắng, Ngày Quốc tế lao động, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mỗi ngày lễ được nghỉ 1 ngày); Lễ Quốc khánh (nghỉ 2 ngày)
Giáo viên còn hưởng nguyên lương khi nghỉ làm trong các trường hợp:
– Nghỉ mỗi ngày 30 phút, đối với giáo viên nữ trong thời gian hành kinh
– Được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc đối với giáo viên nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài những ngày nghỉ trên, giáo viên còn có chế độ nghỉ thai sản, nghỉ chăm con ốm, nghỉ ốm đau, đi chữa bệnh…
Chế độ nghỉ việc riêng của giáo viên thế nào?
Nghỉ việc riêng có hưởng lương
Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, giáo viên được nghỉ việc riêng, hưởng nguyên lương và phải thông báo với cấp quản lý, lãnh đạo khi:
– Bản thân giáo viên kết hôn: được nghỉ 03 ngày;
– Khi con đẻ hoặc con nuôi của giáo viên kết hôn được nghỉ 01 ngày;
– Khi cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết được nghỉ 03 ngày.
Nghỉ việc riêng không được hưởng lương
Cũng theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì giáo viên được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với cấp lãnh đạo khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài các quy định nêu trên giáo viên có thể thỏa thuận với lãnh đạo, ban giám hiệu, cấp quản lý của mình để có thể nghỉ việc không hưởng lương.
Hiệu trưởng có quyền cho giáo viên nghỉ việc riêng mấy ngày?
Căn cứ quy định tại Thông tư 28/2020 về Điều lệ trường tiểu học và Thông tư 32/2020 về Điều lệ trường THCS, PTTH thì hiệu trưởng có quyền:
– Thực hiện các nhiệm vụ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật
– Tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp giáo viên
– Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên,
Như vậy, hiệu trưởng có quyền cho giáo viên nghỉ việc riêng không hưởng lương, nếu giáo viên có nhu cầu
Tuy nhiên, việc hiệu trưởng cho giáo viên nghỉ không hưởng lương phụ thuộc tình hình, điều kiện từng trường. Và khi cho giáo viên nghỉ phải đảm bảo:
– Phân công được giáo viên dạy thay
– Quy định về tiền lương dành cho giáo viên dạy thay
– Tiền lương của giáo viên trong các trường hợp hưởng nguyên lương
Trên đây là giải đáp về chế độ nghỉ việc riêng của giáo viên. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Giáo viên được nghỉ ốm bao nhiêu ngày?