Chế độ nghỉ phép của giáo viên: 3 điều cần biết – Luật Hành chính
Đánh giá post
Hiện nay, chế độ nghỉ phép của giáo viên được quy định như thế nào? Có gì khác so với các cán bộ, công chức, người lao động khác?
Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên
Theo khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: Nghỉ hè, nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể:
– Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 – có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);
– Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong đó, tại Điều 112 Bộ Luật lao động quy định, các ngày nghỉ lễ, tết bao gồm: Tết Dương lịch; ngày Chiến thắng giải phóng miền Nam; ngày Quốc tế lao động 01/5; Quốc khánh 02/9; ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.
Như vậy, tương tự như đối với cán bộ, công chức, người lao động khác, giáo viên cũng được nghỉ các ngày lễ, tết. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên còn có thêm nghỉ học kỳ và 02 tháng nghỉ hè (bao gồm cả ngày nghỉ hằng năm).
Các trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương
Căn cứ Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, giáo viên được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo trước trong trường hợp:
– Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
– Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Ngoài ra, giáo viên được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Như vậy, giáo viên cần lưu ý các quy định trên để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
Giáo viên sinh con trùng với thời gian nghỉ hè có được nghỉ bù?
Như đã nêu trên, thời gian nghỉ hè của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động) được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Bên cạnh đó, theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con của lao động nữ là 06 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì cứ mỗi con, người mẹ sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp giáo viên nữ nghỉ sinh trùng với thời gian nghỉ hè. Vì vậy, để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của giáo viên, tại Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giải quyết chế độ thai sản của giáo viên trùng với thời gian nghỉ hè theo 02 phương án:
– Phương án 1: Căn cứ vào kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, giáo viên sẽ được sắp xếp nghỉ bù.
Thời gian nghỉ bù của giáo viên sẽ được tính giống như thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111, 112 Bộ luật Lao động:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, cứ đủ 05 năm làm việc thì số ngày nghỉ hằng năm được tăng thêm tương ứng 01 ngày (căn cứ Điều 114 Bộ luật Lao động).
– Phương án 2: Nếu do yêu cầu công tác, nhà trường không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên thì giáo viên được thanh toán tiền nghỉ hằng năm.
Mức chi trả sẽ căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị, nhưng tối đa không quá mức tiền lương làm thêm giờ vào ngày thứ bảy, chủ nhật theo quy định hiện hành.
Như vậy, nếu giáo viên có thời gian nghỉ sinh trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được bố trí nghỉ bù hoặc được thanh toán tiền nghỉ hằng năm.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
-
Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
-
Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
-
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:
1900 6198
, E-mail:
.