Chế độ lao động, học nghề của trại viên tại cơ sở giáo dục bắt buộc – Lĩnh vực khác – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Con trai chị Nhung đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Qua tìm hiểu chị Nhung được biết là tại cơ sở giáo dục bắt buộc thì con trai chị sẽ phải lao động. Chị Nhung đề nghị cho biết thời gian lao động cũng như thời gian nghỉ của con trai chị được quy định như thế nào? Cháu có được học nghề gì không?
Trả lời:
– Khoản 48 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc bao gồm:
“a) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và không có nơi cư trú ổn định;
b) Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 của Luật này nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.
– Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định “Trại viên là người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc”.
– Điều 36 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ lao động, học nghề của trại viên như sau:
“1. Chế độ lao động
a) Thời gian lao động của trại viên không quá 08 giờ trong 01 ngày, không quá 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu lao động, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có thể quyết định lao động thêm giờ nhưng không quá 02 giờ trong 01 ngày, không quá 40 giờ trong 01 tháng, 200 giờ trong 01 năm và được bố trí nghỉ bù;
b) Trại viên phải hoàn thành định mức lao động được giao. Ngoài giờ lao động hằng ngày theo quy định, cơ sở giáo dục bắt buộc có thể cho phép trại viên lao động thêm để cải thiện đời sống theo nguyện vọng của họ nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật;
c) Đối với những công việc mà pháp luật quy định phải có bảo hộ lao động thì cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với yêu cầu của công việc. Trường hợp làm ca đêm, làm việc ngoài giờ, làm việc trong các điều kiện độc hại hoặc công việc nặng nhọc thì được bồi dưỡng theo quy định;
d) Trường hợp trại viên bị tai nạn lao động thì cơ sở giáo dục bắt buộc phải tổ chức cứu chữa kịp thời và làm các thủ tục cần thiết để giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Trường hợp cơ sở giáo dục bắt buộc phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức lao động cho trại viên thì chế độ lao động của trại viên được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Chế độ học nghề
a) Cơ sở giáo dục bắt buộc có đủ điều kiện trực tiếp đào tạo nghề nghiệp hoặc phối hợp với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho trại viên theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;
b) Cơ sở giáo dục bắt buộc căn cứ vào tình hình thực tế và khảo sát nhu cầu nghề, việc làm của địa phương nơi trại viên cư trú để đào tạo nghề nghiệp phù hợp.
3. Chứng chỉ học nghề theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội”.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì thời gian lao động tại cơ sở giáo dục bắt buộc là không quá 08 giờ trong 01 ngày, không quá 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ sở giáo dục bắt buộc nếu có đủ điều kiện trực tiếp đào tạo nghề nghiệp hoặc sẽ phối hợp cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho trại viên. Việc đào tạo nghề nghiệp của cơ sở giáo dục bắt buộc căn cứ vào tình hình thực tế và khảo sát nhu cầu nghề, việc làm của địa phương nơi trại viên cư trú để đào tạo nghề nghiệp phù hợp. Sau khi học nghề, trại viên sẽ được cấp Chứng chỉ học nghề theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Như Quỳnh