Chế độ báo cáo trong quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 15/12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo
Theo dự thảo, chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với: Các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 36, Điều 37 và Điều 39 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; tổ chức Thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Thông tư nêu rõ, thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 15/12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước chậm nhất vào ngày 25/12 của kỳ báo cáo.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo đến Bộ Tư pháp chậm nhất vào ngày 21/12 của kỳ báo cáo.
Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo yêu cầu của cấp trên trực tiếp.
Hình thức gửi, nhận báo cáo
Theo dự thảo, báo cáo được thể hiện bằng một trong các hình thức sau: Báo cáo bằng văn bản (là bản có chữ ký, họ tên của Thủ trưởng cơ quan báo cáo và đóng dấu phát hành theo quy định) và gửi kèm theo tệp dữ liệu điện tử. Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai; báo cáo bằng văn bản điện tử có chữ ký số.
Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng phương thức gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi qua fax; gửi qua hệ thống thư điện tử dưới dạng tệp ảnh (định dạng PDF) hoặc văn bản điện tử có ký số; phương thức khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, trường hợp phải chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo, cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo đã được chỉnh lý, bổ sung, kèm theo văn bản giải trình rõ về việc chỉnh lý, bổ sung và phải có chữ ký xác nhận, đóng dấu.
Trường hợp tự ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung báo cáo, số liệu trong báo cáo và các biểu mẫu số liệu báo cáo kèm theo thì báo cáo, biểu mẫu đó không có giá trị báo cáo.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức