Chế định tài sản và quyền sở hữu trong hệ thống pháp luật dân sự
Trong pháp luật dân sự các quốc gia trên thế giới,đều có cách tiếp cận khác nhau về Chế định tài sản. Vì chế định tài sản và quyền sở hữu có tầm ảnh hưởng lớn tới các chết định khác trong pháp luật dân sự nói chung và trong pháp luật về hôn nhân gia đình nói riêng, nên bất kỳ BLDS nào, chế định hợp đồng, chế định thừa kế , chế định tài sản và quyền sở hữu cũng chiếm vị trí trọng tâm. Pháp luật dân sựnước ta đã nhiều lần được sửa đổi, nhưng lần gần đây nhất là BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 trong đó sửa đổi bổ sung nhiều vấn đề quan trọng. Trong bài viết này chúng ta tìm hiểu phần chế định tài sản và quyền sở hữu đều được quy định ở phần thứ 2 gồm 7 chương, trong đó Bộ luật dân sự năm 1995 có 113 điều (từ Điều 172 đến Điều 284), BLDS năm 2005 có 117 điều ( từ điều 163 đến điều 279). So với BLDS năm 1995 thì BLDS năm 2005 tăng thêm 4 điều, trong đó có 8 điều mới (Điều 166, 168, 188, 197, 218, 257, 258, 261), giữ nguyên 33 điều, sửa và bổ sung 76 điều. BLDS 2005 có nhiều thay đổi về câu từ cho chính xác và phần lớn việc sửa đổi và bổ sung củng cố từ ngữ cũng như nội dung các điều luật không những chính xác mà còn có nội dung mới. Các nhà làm luật đã bổ xung cho phù hợp với thực tế, những quy định để phù hợp với sự phát triển của đất nước cũng như thực tế khi phát sinh tội phạm và các tranh chấp về tài sản mà qua thực tiễn thực hiện BLDS1995 không đáp ứng được.
1. Nguyên tắc chịu rủi ro về tài sản
Đây là một chế định mới được quy định trong BLDS 2005 mà ở BLDS 1995 không có quy định này. Theo Điều 166 BLDS 2005 thì “chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu huỷ hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có quy định khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Áp dụng điều luật này vào cuộc sống, chúng ta thấy rõ được vai trò quan trọng của nó. Tài sản không thể tồn tại vĩnh viễn,mà bị hư hỏng dưới sự tác động của chính chủ sở hữu tài sản,do các thao tác sử dụng không đúng kỹ thuật của chủ sở hữu hoặc do những điều kiện khác quan tác động vào. Về nguyên tắc, chủ sở hữu là chủ thể có quyền quyết định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản, thì cũng phải chịu rủi ro với tài sản khi tài sản bị tiêu hủy hoặc do sự kiện bất khả kháng.Trường hợp tài sản được đưa vào giao dịch dân sự như thuê, mượn …Thì chủ sở hữu tài sản là người cho thuê, cho mượn tài sản, nếu không may tài sản bị tiêu huỷ hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng thì người thuê, người mượn tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Hay hai bên có sự thỏa thuận về nguyên tắc rủi ro tài sản hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản
Trong pháp luật dân sự quyền sở hữu với tư cách là một chế định. Quyền sở hữu được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự – quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu “Theo Điều 168 BLDS 2005 thì:
a. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
b. Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong BLDS 2005 đây là quy định mới và là căn cứ là căn cứ pháp lý để xác định thời điểm phát sinh quyền sở hữu trong các giao dịch mua bán, tặng cho, trao đổi tài sản, trên cơ sở đó xác định được ai phải chịu rủi ro về tài sản.
Ví dụ 1: A bán nhà cho B. A đã làm xong thủ tục sang tên trước bạ nhà cho B, nhưng chưa giao nhà thì không may sét làm hỏng nhà, trong trường hợp này dù B chưa nhận nhà, nhưng về pháp lý B đã là chủ sở hữu căn nhà đó, do đó B phải chịu rủi ro.
Ví dụ 2: A bán cho B con lợn giống, B đã trả tiền cho A nhưng chưa nhận lợn của A, con lợn tự nhiên bị chết. Trong trường hợp này không cần xem A có lỗi hay không có lỗi, vì dù A đã nhận đủ tiền, nhưng chưa giao lợn cho B thì quyền sở hữu về con lợn đó vẫn chưa phát sinh đối với B, A vẫn là chủ sở hữu nên A phải chịu rủi ro. Nếu A không có con lợn khác trả cho B hoặc có con lợn khác nhưng không được B đồng ý thì A phải trả lại tiền cho B.
Như vậy đối với động sản quyền sở hữu phát sinh đối với người mua, người đổi… tài sản kể từ khi những người này nhận được tài sản. Song đối với những trường hợp phải sang tên trước bạ (đăng ký quyền sở hữu) như việc mua bán xe máy, ô tô, tàu thuyền .v.v. thì quyền sở hữu phát sinh từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu.
3. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
Chiếm hữu chính là quyền năng tiền đề của quyền sở hữu. Đó chính là khả năng của chủ sở hữu chiếm giữ vật chất trong phạm vi kiểm soát của mình, làm chủ và chi phối vật đó về phương diện vật chất.Chiếm hữu có căn cứ pháp luật được quy định tại điều 183 BLDS 2005 trong một số điều khoản có những từ ngữ, cụm từ được sửa đổi so điều 190 BLDS 1995 để phù hợp với thực tiễn.
Tại khoản 3 điều 183 BLDS 2005 đã thay cụm từ “ hợp với ý chí của chủ sở hữu” quy định trong khoản 3 Điều 190 BLDS 1995 thành cụm từ “ hợp với quy định của pháp luật”. Sự thay đổi người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật. Việc thay đổi như khoản 3 điều 183 BLDS 2005 là hết sức chính xác vì theo khoản 3 Điều 190 BLDS 1995 chỉ quy định giao dịch giữa người được chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản với chủ sở hữu tài sản phải phù hợp với ý chí của chủ sở hữu tài sản là không khái quát, vì khi giao dịch thì có sự thoả thuận nên nó phù hợp với ý chí của hai bên, chỉ trừ trường hợp một bên bị ép buộc phải giao dịch.Trong thực tế khi giao dịch trường hợp bị ép buộc ít xảy ra mà thường xảy ra trường hợp có sự thoả thuận của hai bên, nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên thực tế, quy định giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật là bao gồm cả các trường hợp có sự tự nguyện của cả hai bên giao dịch,do đó nếu giao dịch giữa người được chuyển giao quyền sở hữu với chủ sở hữu tài sản mà không phù hợp vói ý chí của chủ sở hữu tài sản đó cũng bị coi là không phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Quyền chiếm hữu đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc:
Quyền này đã được bổ sung khoản 5 Điều 183 BLDS 2005 Đây là quy định mới phù hợp Điều 188 BLDS 2005 quy định quyền chiếm hữu gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc. Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu chưa xác định được chủ sở hữu thì được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu. Quy định như vậy để người phát hiện ra gia súc, gia cầm… bị thất lạc phải thông báo cho chủ sở hữu để chủ sở hữu tài sản đó đến nhận lại tài sản hoặc người phát hiện ra tài sản phải mang ngay tài sản đó đến trả cho chủ sở hữu. Khi thông báo không có ai nhận cũng như không biết rõ chủ sở hữu là ai thì người phát hiện ra tài sản đó được quyền chiếm hữu. Người chiếm hữu được hưởng hoa lợi do gia súc, gia cầm… sinh ra và được nhận công nuôi giữ cũng như các chi phí khác cho việc nuôi giữ khi chủ sở hữu gia súc, gia cầm đó nhận lại. Việc chiếm hữu này được xem là chiếm hữu có căn cứ pháp luật.
Pháp luật quy định một người nào đó phát hiện ra gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc mà người phát hiện ra tài sản đó không biết chủ sở hữu tài sản đó là ai để trả lại và đã thông báo công khai thì đối với gia cầm, vật nuôi dưới nước, sau 1 tháng kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận sẽ thuộc sở hữu của người bắt được gia cầm, vật nuôi dưới nước đó (Điều 243, 244 BLDS 2005). Đối với gia súc sau 6 tháng, nếu gia súc bắt được là gia súc thả rông theo tập quán thì sau 1 năm kể từ ngày thông báo công khai, không có ai đến nhận sẽ thuộc sở hữu của người bắt được gia súc đó (Điều 242 BLDS 2005)
5. Quyền định đoạt
Quyền định đoạt là làm chuyển giao quyền sở hữu đối với vật từ người này sang người khác và thông qua các giao dịch phù hợp với pháp luật và ý chí củachủ sỡ hữu như bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế… thông qua việc định đoạt mà chủ sở hữu, chuyển quyền chiếm hữu tạm thời , quyển chiếm hữu và quyện sử dụng tài sản trong một khoảng thời hạn ,hoặc chủ sở hữu chuyển giao quyển sở hữu tài sản cho người khác bằng hợp đổng bán, đổi, cho… Trong Điều 197 BLDS 2005 quy định quyền định đoạt của chủ sở hữu: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp pháp luật”. Đây là điều luật mới được tách ra trong khoản 2 Điều 201 BLDS 1995.
Tuy là điều luật mới song thực tế là tách từ đoạn 2 Điều 201 BLDS 1995 quy định về quyền định đoạt. BLDS năm 2005 đã nêu rõ được một số vấn đề về quyền định đoạt của chủ sở hữu. Bộ luật này quy định chỉ có chủ sở hữu mới có đầy đủ các hình thức thực hiện quyền định đoạt. Ngoài ra BLDS 2005 sửa Điều 203 BLDS 1995, với nội dung: “Uỷ quyền định đoạt” thành nội dung quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu (Điều 198 BLDS 2005). Và khẳng định “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật”. Điều luật này còn quy định “Người được uỷ quyền định đoạt tài sản phải thực hiện phù hợp với ý chí của chủ sở hữu”. Việc quy định quyền của ngườịtrên phạm vi định đoạt của người không có quyền sở hữu được chủ sở hữu uỷ quyền không những bị hạn chế trong phạm vi uỷ quyền mà việc định đoạt đó phải phù hợp với ý chí của chủ sở hữu. Trong trường hợp việc định đoạt vượt quá phạm vi uỷ quyền hay không phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu đều bị coi là trái pháp luật.
6. Định đoạt tài sản chung .
Việc định đoạt tài sản chung đều thực hiện trên nguyên tắc do các chủ sở hữu chung thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 223 BLDS 2005 quy định thời hạn yêu cầu về quyền ưu tiên mua của các sở hữu chung: “trong trường hợp bán phần quyền sở hữu vi phạm quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên bán có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại” Trong BLDS 1995 không quy định điều này. Đây là quy định mới nhằm bảo đảm các quan hệ dân sự trong thời gian nhất định được ổn định đồng thời chỉ ra được người có quyền ưu tiên với tài sản chung thực hiện quyền đó bằng cách nào khi bị vi phạm. Việc định đoạt giải quyết các tranh chấp về quyền ưu tiên mua giữ các chủ sở hữu phải chú ý đến thời hiệu thực hiện quyền ưu tiên và tuân theo quy định của pháp luật
7. Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung.
Muốn chia tài sản thuộc hình thức sở hưu chung, chúng ta phải khẳng định rằng đây là tài sản chung của tất cả những người cùng góp vốn, chính vì thế khi muốn phân chia khối tài sản chung này phải được sự đồng ý của những người cùng góp vốn.
Trong BLDS 1995 quy định tại khoản 2 Điều 238 như sau: “Khi có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Thực tế khi thanh toán tài sản chung nhiều khi gây phiền hà cho những chủ sở hữu chung chưa muốn phân chia tài sản chung. Ví dụ, trường hợp hai người chung nhau xây dựng căn nhà để dùng vào mục đích kinh doanh. Một người mắc nợ, theo khoản 2 Điều 238 BLDS 1995 chủ nợ có quyền yêu cầu chia căn nhà đó để nhận tiền thanh toán, trong khi người kia vẫn cần căn nhà đó để kinh doanh. Để hạn chế bớt những khó khăn, phiền phức có thể xảy ra cho chủ sở hữu chung, khoản 2 Điều 224 BLDS 2005 thêm điều kiện: “Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.Ngoài ra khoản 2 điều 224 BLDS 2005 còn bổ sung trường hợp: “Nếu không thể chia phần quyền sở hữu chung bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung phản đối thì người có quyền có quyền người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu chung của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.
Các quy định được sửa đổi bổ sung tại phần Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung trong BLDS 2005 rất quan trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.
8. Xác lập quyền sở hữu trong trường hợp sáp nhập:
Bộ luật dân sự quy định chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập có quyền yêu cầu người sáp nhập tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại.
Điều 244 BLDS 1995 không phân biệt tài sản sáp nhập là động sản hay bất động sản đều quy định: “Khi một người sáp nhập tài sản của người khác vào tài sản của mình; mặc dù đã biết tài sản đó không phải là tài sản của mình và cũng không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản được sáp nhập, thì chủ sở hữu tài sản được sáp nhập có một trong các quyền sau:
a) Yêu cầu người sáp nhập giao tài sản mới cho mình và thanh toán cho người sáp nhập giá trị tài sản của người đó.
b) Yêu cầu người sáp nhập tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại nếu không nhận tài sản mới”.
Khi đọc điều luật này chúng ta thấy quy định như vậy là chưa chính xác, các nhà làm luật quy định sáp nhập tài sản là động sản vào một tài sản khác là bất động sản hay động sản chứ không thể đem bất động sản sáp nhập vào động sản hay bất động sản khác. Hay sáp nhập tài sản là động sản vào tài sản là bất động sản thì người có tài sản là động sản không thể yêu cầu người sáp nhập tài sản giao lại tài sản đó cho mình.
Ví dụ, ông A lấy khung cửa sắt của ông B gắn vào nhà mình , không được ông B đồng ý, trường hợp này ông B không được quyền yêu cầu ông A giao cả nhà của ông A cho mình.
Chính vì không hợp lý của điều luật trên nên khi sửa đổi bổ sung BLDS 2005 các nhà làm luật đã phân tài sản thành động sản và bất động sản. Điều 236 BLDS 2005 tách thành khoản 3 với nội dung: “Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của người khác vào tài sản là bất động sản của mình, mặc dù đã biết và phải biết tài sản đó không phải là của mình và cũng không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập thì chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập có quyền yêu cầu người sáp nhập tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại”.
Khi đọng sản đã bị sáp nhập vào bất động sản, thì chủ sở hữu động sản đó chỉ có quyền yêu cầu người đã sáp nhập tái sản thanh toán giá trị tài sản. Việc bổ sung thêm thành một khoản riêng biệt.Điều này tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp tài sản giữa chủ sở hữu tài sản với người sáp nhập tài sản..
9. Xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn dấu, bị chìm đắm được tìm thấy:
Trong thực tế cuộc sống, nhiều trường hợp vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thấy khá phổ biến và không có chủ sở hữu.
Tại khoản 2 Điều 248 BLDS 1995 quy định: “Vật được tìm thấy không phải là cổ vật, di tích lịch sử, văn hoá có giá trị lớn thì người tìm thấy được hưởng 50% giá trị của vật, phần còn lại thuộc Nhà nước; nếu giá trị nhỏ thì thuộc sở hữu của người tìm thấy vật đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tại điều luật này không đề cập đến thế nào là vật có giá trị lớn, vật có giá trị nhỏ gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật.
Để có cách xử lý từng trường hợp lại khác nhau, vậy làm sao để có thể phân biệt để điều chỉnh cho phù hợp, khi sửa đổi bổ sung BLDS 2005 các nhà làm luật đã khắc phục điều này. Tại khoản 2 Điều 240 BLDS 2005 đã quy định rõ giá trị của vật tìm thấy. Vật tìm thấy có giá trị “đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần còn lại thuộc Nhà nước” như vậy giá trị của tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm tìm thấy được sẽ được tính khác nhau phụ thuộc vào quy định của Nhà nước về mức tiền lương tối thiểu và tủy thuộc vào thời điểm đang áp dụng mức lương tối thiểu.
10. Quyền đòi lại tài sản
Kiện đòi lại tài sản phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản; Theo quy định của BLDS 2005 cũng như BLDS 1995 đều quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền đòi lại tài sản ở người đang chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật trừ trường hợp người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản trừ trường hợp tài sản đó thuộc hình thức sở hữu Nhà nước.
Nhưng trong BLDS 2005 bổ sung thêm những trường hợp người chiếm hữu ngay tình động sản không phải đăng ký, chiếm hữu động sản phải đăng ký và chiếm hữu bất động sản thông qua những giao dịch dân sự trong thời hạn chưa đến 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản.
Điều 257 BLDS 2005 Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: “chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng nàylà hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
Điều 258 BLDS 2005 Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình: “Chủ sở hữu được đòi lại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa” (Chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản).
Những điều luật trên nhằm bảo đảm cho các quan hệ tài sản trong những trường hợp nhất định được mau chóng ổn định. Ví dụ 1, A cho B mượn chiếc xe đạp. B bán chiếc xe đạp đó cho C. Trường hợp này A không thể đòi lại chiếc xe đạp mà C đã mua một cách ngay tình. Ví dụ 2, H mua căn nhà của T thông qua cơ quan thi hành bán đấu giá thì dù sau này căn nhà đó được Toà án kết luận không phải của T mà là của N, thì N cũng không được đòi lại căn nhà đó.
Đây là quy định mới, do BLDS1995 không có quy định này, nên trường hợp nào chủ sở hữu cũng đòi lại được tài sán của mình, dẫn đến không bảo đảm tính ổn định của các quan hệ tài sản. Ví dụ:Bản án phúc thẩm quyết định A là chủ sở hữu căn số 15 Yên thế. A bán căn nhà đó cho B. Bđã trả đủ tiền và đã đến ở.Ba năm sau bản án phúc thẩm đó bị huỷ, để xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm. Hai năm sau toà án cấp phuc thẩm mới xử và tuyên căn nhà đó của C
Theo BLDS1995 C có quyền đòi lại căn nhà đó. Theo BLDS2005 C không có quyền yêu cầu B trả lại nhà, chỉ có quyền yêu cầu A thanh giá trị căn nhà đó.