‘Chạy xe ôm công nghệ sướng hơn làm công nhân’

Đình công vì giảm thu nhập, nhưng nhiều thanh niên thà chạy xe ôm công nghệ hơn làm việc trong các khu công nghiệp.

Vụ việc Hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng từ sáng đến chiều 7/12 để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2% nhận được nhiều quan tâm tranh luận.

Độc giả Mạnh đặt vấn đề: Kiếm nghề khác đi các bạn trẻ ơi, đừng đốt tương lai vào cái nghề này. Khu công nghiệp ở Việt Nam rất nhiều, vào đó tu chí làm sẽ có một công việc lâu dài mà nuôi gia đình, lại đóng góp phát triển kinh tế.

Độc giả Lê Đình Long phân tích:

1. Nghề này không có bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm thất nghiệp, nếu lỡ may xảy ra tai nạn thôi thì các bạn tài xế chỉ có cách bán tài sản, xe máy để mà chi trả viện phí. Mà nếu đóng bảo hiểm Y tế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nữa thì các bạn chỉ nhận được trên dưới khoảng năm triệu đồng mỗi tháng. Mức này đủ chi tiêu ở các tỉnh lân cận TP HCM hoặc Hà Nội, không thể đủ trang trải ở thành phố, nếu có con nhỏ nữa thì sẽ thiếu thốn.

>> ‘Ngõ cụt’ khi người trẻ làm shipper, chạy xe ôm công nghệ

2. Nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp đang rất thiếu nhân lực, điều kiện phúc lợi rất tốt (bao ăn, chỗ ở, bảo hiểm đầy đủ) không hiểu các bạn có khó khăn gì để tiếp cận được những công việc này?

3. Các nghề truyền thống như làm nông chẳng hạn, rất đang thiếu nhân lực tại sao lại cứ bám với nghề cực khổ như vậy? Nghề chạy xe công nghệ này không phù hợp lâu dài, cái kết tương lai cũng chả tốt đẹp gì, các tài xế nên cân nhắc chuyển nghề là vừa.

Đồng quan điểm trên, độc giả khongloxoaacc phân tích thêm:

Bản chất xe ôm công nghệ là kiếm tiền khi rảnh người rảnh xe, chứ không phải là một nghề fulltime. Các bạn trẻ có bằng cấp mà lại đi kiếm tiền bằng cách chạy xe ôm công nghệ thì phí phạm quá. Vừa ngắn hạn, vừa khó phát triển, vừa không đóng góp cho xã hội cho xứng tầm với tấm bằng, với tri thức của các bạn đang có.

Chạy xe ôm công nghệ chỉ cần biết lái xe, cao cấp hơn thì biết tiếng Anh để nói chuyện với khách nước ngoài, nhưng cũng ít khi dùng tới, các bạn bao năm đèn sách để làm việc này sao?

Độc giả Tôi là tôi: Chạy xe ôm công nghệ kiếm tiền trang trải cuộc sống thì không có gì đáng chê trách cả, nhưng lấy lý do là không kiếm được việc làm khác nên phải chạy chuyên nghiệp thì nên suy nghĩ lại về bản thân.

Có bố mẹ nào cho con cái ăn học 12 năm, cho lên thành phố học đại học để rồi tuần bảy ngày hôm nào cũng chạy xe ôm công nghệ, vì đồng tiền mà quên sự nghiệp học hành? Thời buổi khó khăn kiếm được việc làm cũng không dễ, nhưng không có nghĩa là chấp nhận số phận, còn trẻ thì nên học, học để kiếm được công việc ổn định, chứ không phải chạy xe ôm mỗi ngày.

Nhớ ngày xưa người lái xe ôm thường già lắm, toàn tuổi các chú các bác, thiết nghĩ cũng vì họ đã luống tuổi rồi, khó cạnh tranh với người trẻ nên an phận như vậy, nhưng bây giờ các xe ôm phần lớn toàn các bạn trẻ, chẳng lẽ các bạn cũng chịu an phận mất rồi?

Trong khi đó, độc giả lexuansypt1991 trả lời cho câu hỏi vì sao giới trẻ thích chạy xe công nghệ hơn làm công nhân:

Giới trẻ không thích đi làm khu công nghiệp vì:

– Tác phong công nghiệp không cao: Thiếu tuân thủ giờ giấc; kỷ luật lao động thấp (làm việc riêng, chuyện phiếm, lưu trình làm việc có nhưng tuân thủ kém…). Công ty đưa ra chế tài, đánh mạnh vào tài chính thì miễn cưỡng, không thoải mái.

– Tính tự giác còn rất hạn chế: Làm việc không chuyên tâm đã đành, trong khi làm việc rất dễ chểnh mảng, bất cẩn, gây ra lỗi dây chuyền).

– Rất hay tỏ thái độ: bất cần, văng lời không hay kiểu “không làm ở đây, làm chỗ khác có sao?”. Họ muốn làm việc tự do, không bị gò bó.Vậy nên điều đầu tiên, họ cần phải thay đổi suy nghĩ và ý thức làm việc.

Độc giả Jessie Dang cảnh báo: Thấy công việc dễ làm, không cần đầu tư chất xám hay vốn, nếu nhạy bén thu nhập 10-20 triệu đồng mỗi tháng, nên ai cũng lao vào. Tuổi trẻ thường không muốn làm việc gò bó, tương lai ngắn có vẻ thuận lợi nhưng đường dài lại không ổn định, đến những lúc thay đổi luật lệ thế này mới thấy được sự bấp bênh của công việc.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.