Châu Á và thế hệ nam giới không thể kết hôn
–
Chủ nhật, 20/03/2022 09:40 (GMT+7)
Từ việc mất cân bằng giới tính dẫn đến hàng chục triệu nam giới “ế vợ”, Châu Á đang nỗ lực cải thiện các chính sách để giảm thiểu tình trạng thừa nam, thiếu nữ cũng như khắc phục những hệ quả của vấn đề này.
“Chợ kết hôn”, mai mối hay những buổi xem mặt trở thành cứu tinh cho những người đàn ông đang tìm vợ. Ảnh minh họa
30.000 USD để cưới một người vợ
Trong cuốn “Lựa chọn không tự nhiên”, nhà khoa học Mara Hvistendahl đã chỉ ra rằng xu hướng ưa thích con trai hơn con gái của các cặp vợ chồng đã lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước Châu Á. “Dư thừa nam giới” đang là vấn đề lớn mà các quốc gia ở Châu Á phải đối mặt, đặc biệt là ở 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.
Hệ quả của vấn đề này chính là tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng, khiến hàng chục triệu nam giới không thể tìm được người để kết hôn. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội sâu sắc, không chỉ kinh tế bị ảnh hưởng, tình trạng này còn khiến nam giới ế vợ dễ mắc các vấn đề về tâm lý, đồng thời làm gia tăng tỉ lệ tội phạm, cũng như nạn quấy rối phụ nữ hay tảo hôn.
Ở Trung Quốc, chính sách một con của chính phủ kéo dài từ 1979 đến 2015 cùng với tư tưởng trọng nam khinh nữ đã dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính khi mang thai khiến sự chênh lệch giữa nam và nữ thêm trầm trọng. Thời báo Hoàn Cầu dẫn số liệu thống kê của cuộc điều tra dân số lần thứ 7 ở Trung Quốc công bố tháng 5 năm 2021 cho thấy Trung Quốc đang “dư thừa” khoảng 30 triệu nam giới. Trong đó có 17,52 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn từ 20 đến 40 độc thân và có khả năng không tìm được vợ do chênh lệch giới tính trầm trọng ở quốc gia này.
Nam giới trong độ tuổi kết hôn ở Trung Quốc, đặc biệt là ở nông thôn hoặc các gia đình không có điều kiện thì gần như không có khả năng tìm được vợ.
Giờ đây, đàn ông Trung Quốc phải đối mặt với cuộc “chạy đua tìm vợ”. Họ phải chăm chỉ kiếm tiền, mua nhà, mua xe để mong thoát khỏi cảnh “ế vợ”. Thậm chí, cha mẹ cũng cố gắng tiết kiệm và hỗ trợ tài chính cho con trai để tìm vợ. Nếu như trước đây, các gia đình sinh con trai với mong muốn được chăm sóc, phụng dưỡng khi về già cũng như có người nối dõi, thì hiện tại, nhiều cha mẹ phải tích góp đề giúp con trai lấy được vợ.
Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy các gia đình Trung Quốc tiết kiệm khoảng 37% thu nhập và dành một nửa số tiền tiết kiệm để chuẩn bị cho việc kết hôn của con trai. Để cưới vợ, số tiền thách cưới mà chú rể phải đưa cho nhà gái có thể lên tới 30.000 USD.
Wang Xiao, 33 tuổi, sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Hà Nam, đang làm việc tại một nhà máy may mặc ở Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, rất tự ti vì chưa kết hôn. Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, anh nói: “Tôi cảm thấy rất tức giận khi mọi người hỏi tôi đã kết hôn chưa và luôn bảo rằng đó không phải chuyện của họ nhưng thực ra tôi rất lo lắng, có lẽ tôi sẽ độc thân cả đời.”
Các nhà nhân khẩu học và chuyên gia hôn nhân nhận thấy rằng nam giới ở nông thôn Trung Quốc khó tìm vợ hơn nam giới ở thành phố.
Liu Zhijun, Phó Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm Khoa học Xã hội thuộc Đại học Chiết Giang, cho biết: “Ở Trung Quốc, phụ nữ luôn muốn kết hôn với người đàn ông có thu nhập cao nên đàn ông đến từ các vùng nông thôn, gia đình nghèo và trình độ học vấn thấp đương nhiên không hấp dẫn phụ nữ, dù họ sống ở nông thôn hay thành thị”.
Ở nông thôn, sính lễ hỏi vợ có thể gấp hàng chục lần thu nhập của người đàn ông. Gia đình cô dâu không chỉ yêu cầu tiền mặt mà còn đòi hỏi trang sức, nhà cửa, xe hay nhiều lễ vật khác.
Bên cạnh đó, với trình độ học vấn ngày càng cao, nhiều phụ nữ độc lập về kinh tế và không muốn kết hôn. Với họ, việc phát triển bản thân và gây dựng sự nghiệp quan trọng hơn kết hôn. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng nam giới Trung Quốc không thể tìm được vợ.
Độc thân cả đời
Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ cũng rơi vào tình trạng thiếu nữ thừa nam. Tại Ấn Độ, nhiều gia đình chọn lọc giới tính khi mang thai để chọn con trai, dù điều này là bất hợp pháp.
Jhajjar nằm cách thủ đô New Delhi 50 km về phía tây, từ lâu đã nổi tiếng với tỉ lệ sinh con trai cao bất thường. Trong cuộc điều tra dân số năm 2011, tỉ lệ giới tính tại đây là 128 bé trai trên 100 bé gái. Các cặp vợ chồng mong muốn có con trai vì con gái sau khi kết hôn sẽ đến gia đình nhà chồng sinh sống và không thể chăm sóc họ khi về già.
Không chỉ vậy, theo văn hóa truyền thống của Ấn Độ, cô dâu phải đem theo của hồi môn khi về nhà chồng và đôi khi giá trị của hồi môn còn cao hơn cả thu nhập của một gia đình trong một năm khiến nhiều cha mẹ phải bắt đầu tiết kiệm chuẩn bị hồi môn cho con gái ngay khi đứa trẻ ra đời.
Prem Chowdhry, một nhà xã hội học và nghiên cứu ở New Delhi cho biết sự mất cân bằng có thể dẫn đến “khủng hoảng nam tính”. Một người đàn ông sẽ bị đánh giá sự nam tính cũng như bị chế giễu nếu không thể kết hôn. Bởi trong xã hội nông thôn, nhiệm vụ của một người đàn ông là có gia đình riêng để chăm sóc.
Suresh Kumar, một người đàn ông Ấn Độ ngoài 30 tuổi từng mơ đến một đám cưới đông vui với cô dâu xinh đẹp nhưng sau khi bị hủy hôn một lần, anh không thể tìm thấy đối tượng khác để kết hôn dù thậm chí đã đi học trở lại để lấy bằng trung học với hy vọng sẽ có người kết hôn với mình.
Bây giờ Kumar đã qua độ tuổi kết hôn ở Ấn Độ, anh phải đối mặt với một sự thật khó khăn rằng mình có thể ế vợ. Kumar nói: “Mọi người hỏi tôi tại sao phải làm việc chăm chỉ như vậy khi không có vợ con để chăm sóc, bề ngoài tôi cười nhưng nỗi đau trong lòng thì chỉ mình tôi biết”.
Vấn đề của cả châu lục
Lượng “nam giới dư thừa” không chỉ giới hạn ở Trung Quốc, Ấn Độ. Xu hướng này đang lan rộng khắp Châu Á. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có 2,24 tỉ nam giới ở châu Á và Trung Đông vào năm 2015, so với dân số nữ là 2,14 tỉ người. Khoảng cách dân số – với con số đáng kinh ngạc 100 triệu người – đã tăng 70% kể từ năm 1985.
Ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tân – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình cho biết, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ra nghiêm trọng thì đến năm 2050 sẽ có khoảng 2,4 triệu đến 4,3 triệu đàn ông trong độ tuổi kết hôn có nguy cơ không thể lấy vợ.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, khi công nghệ siêu âm, chọc ối… phát triển cùng với quy mô gia đình ít con, mức sinh thấp đã đưa chênh lệch giới tính khi sinh của Hàn Quốc tăng rất nhanh. Sự tăng bất thường của chênh lệch giới tính khi sinh lên đỉnh điểm vào đầu những năm 1990. Hệ quả là ở thời điểm hiện tại, Hàn Quốc có hàng triệu nam giới Hàn Quốc không thể kết hôn.
Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế khó khăn, hầu hết phụ nữ đều muốn kết hôn với những người đã ổn định tài chính. Ngoài ra, bây giờ nhiều phụ nữ có thể tự chủ về kinh tế nên cảm thấy không cần lập gia đình. Điều này cũng làm tăng thêm áp lục đối với nam giới, góp phần tạo ra “những người đàn ông không thể kết hôn” dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm tình dục, quấy rối cũng như nạn buôn bán người, bắt cóc trẻ em.
Hiện nay, Việt Nam và các nước Châu Á đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như nâng cao vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ không thể được giải quyết trong một thời gian ngắn.