Chất lượng là sống còn, Bộ tiếp tục mạnh tay với các trường đại học chưa đảm bảo – Giáo dục Việt Nam
(GDVN) – Theo khẳng định của Bộ Giáo dục, việc minh bạch điều kiện chất lượng của các trường đại học là điều rất cần thiết để giúp thí sinh lựa chọn đúng cơ sở đào tạo
Hầu hết các trường đều thiếu tiêu chuẩn
Tiếp tục có “cơ chế” mạnh tay với các trường đại học không đảm bảo chất lượng, mới đây đoàn kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường đại học, đoàn đã tiến hành kiểm tra tại các cơ sở đào tạo, gồm các trường:
Đại học Võ Trường Toản, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Bình Dương, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Phan Thiết, Đại học Phan Châu Trinh, Đại học Phạm Văn Đồng.
Qua kiểm tra và khảo sát thực tế, Đoàn ghi nhận điểm mạnh về cơ sở vật chất ở một số trường, như Trường đại học Võ Trường Toản, Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh…
Với Trường đại học Võ Trường Toản, ngoài khuôn viên diện tích đất rộng với các tòa nhà hiện đại được dùng cho giảng đường, phòng thực hành, thí nghiệm; Trường còn quan tâm đầu tư xây dựng phòng ở cho đội ngũ giảng viên.
Đặc biệt, Trường đã đầu tư xây dựng bệnh viện thực hành cho ngành đào tạo y, dược với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm; bệnh viện luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, điều đó đã góp phần giúp sinh viên ngành y của Trường được thực tế, thực hành để nâng cao tay nghề.
Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc đầu tư xây dựng giảng đường, khuôn viên, kí túc xá khang trang, phục vụ tốt cho sinh viên; thư viện khá hiện đại với tài liệu, học liệu tương đối phong phú, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thực hành của giảng viên và sinh viên.
Về diện tích sàn xây dựng/sinh viên theo quy mô đào tạo năm 2018 của các trường, theo Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT (quy định là 2,8 m2/sinh viên), kết quả đạt được của các trường như sau:
Trường đại học Võ Trường Toản đạt 4,02 m2/sinh viên; Trường đại học Tài chính – Marketing đạt 2,35 m2/sinh viên; Trường đại học Bình Dương đạt 3,94 m2/sinh viên; Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đạt 3,1 m2/sinh viên.
Về tiêu chí sinh viên/giảng viên quy đổi của từng khối ngành theo Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT, trên cơ sở xác định được số lượng giảng viên quy đổi của từng khối ngành và quy mô sinh viên dự kiến năm 2018 của các trường, tiêu chí sinh viên trên giảng viên theo khối ngành của từng trường, cụ thể như sau:
Trường đại học Võ Trường Toản có 3 khối ngành là Khối ngành III, VI và Khối ngành VII.
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên dự kiến năm 2018 của Khối ngành III đạt 10,46 – quy định là 25; Khối ngành VII là 5,6 – quy định là 25; Khối ngành VI là 15,83 – quy định là 15.
Trường đại học Tài chính – Marketing có 2 khối ngành là Khối ngành III và Khối ngành VII.
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên dự kiến năm 2018 của Khối ngành III là 24,77 – quy định là 25; Khối ngành VII là 23,95 – quy định là 25.
Trường đại học Bình Dương có 6 khối ngành là Khối ngành I, III, IV, V, VI và Khối ngành VII.
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên dự kiến năm 2018 của Khối ngành I là 9,64 – quy định là 20; Khối ngành III là 24,33 – quy định là 25; Khối ngành IV là 7,44 – quy định là 20; Khối ngành V là 16,48 – quy định là 20; Khối ngành VI là 14,64 – quy định là 15; Khối ngành VII là 18,72 – quy định là 25.
Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có 52 khối ngành là Khối ngành III và Khối ngành VII.
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên dự kiến năm 2018 của Khối ngành III là 24,47 – quy định là 25; Khối ngành VII là 16,19 – quy định là 25.
Với Trường đại học Võ Trường Toản, Khối ngành VI dự kiến chỉ tiêu đào tạo năm 2018 vượt so với quy định; Đoàn đề nghị Trường điều chỉnh theo đúng quy định.
Với Trường đại học Tài chính – Marketing, Đoàn đề nghị Trường phải đảm bảo diện tích sàn xây dựng theo đúng quy định; có kế hoạch để quy hoạch nhà trường theo hướng tránh phân tán; cần nâng cấp thư viện, đầu tư các phần mềm chuyên ngành phục vụ đào tạo; có phương án giảm nhanh chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng để sớm ngừng đào tạo hệ cao đẳng theo quy định.
Với Trường đại học Bình Dương, Đoàn đề nghị Trường cần đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, đồng thời có kế hoạch trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Với Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đề nghị Trường cần trang bị các phần mềm hỗ trợ đào tạo chuyên ngành (như ngân hàng ảo, sàn chứng khoán ảo, phần mềm kế toán…); có kế hoạch đào tạo nâng trình độ của giảng viên thuộc các ngành có số lượng giảng viên trình độ cao chưa nhiều.
Đề nghị các trường chưa đảm bảo điều kiện giảm chỉ tiêu tuyển sinh
Tại Trường đại học Phan Thiết, ông Võ Khắc Thường, Hiệu trưởng báo cáo về hiện trạng và triển vọng phát triển, việc đầu tư mở mang cơ sở vật chất của Trường trong thời gian tới.
Về hoạt động đào tạo Trường hiện có 3 khối ngành trình độ đại học là khối ngành III, V, VII với tổng số quy mô 1.618 sinh viên và 225 học viên thạc sĩ khối ngành III; dự kiến năm học 2018 – 2019 nâng tổng số sinh viên lên 2.633 và giảm số học viên thạc sĩ còn 147.
Với đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm 2 Giáo sư, 9 Phó giáo sư, 15 Tiến sĩ, 75 Thạc sĩ và 39 giảng viên thỉnh giảng có trình độ thạc sĩ trở lên, quy mô đào tạo theo giảng viên quy đổi 3 khối ngành của Trường đại học Phan Thiết đều đáp ứng nhu cầu đào tạo dự kiến cho năm 2018.
Tuy nhiên Khối ngành VII quy mô có thể đào tạo quy đổi theo giảng viên khá tiệm cận với quy mô dự kiến (98,31%), Đoàn công tác đề nghị Trường cần có kế hoạch kiểm soát số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học hoặc tăng cường đội ngũ giảng viên của khối ngành này.
Việc kê khai ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận đăng ký xét tuyển đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông, ngay sau khi có phản ánh của Bộ, Trường đại học Phan Thiết đã điều chỉnh kịp thời và cập nhật lại trong Đề án tuyển sinh.
Làm việc với Trường đại học Phan Châu Trinh tại trụ sở mới ở thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, Đoàn kiểm tra ghi nhận những thay đổi theo xu hướng tích cực của Trường nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
Qua kiểm tra thực tế tại Trường, diện tích sàn trực tiếp phục vụ đào tạo là 2.606 m2; Với tổng quy mô dự kiến năm 2018 là 1.133 sinh viên thì diện tích sàn xây dựng/sinh viên đạt 2,3 m2/sinh viên, chưa đáp ứng quy định tại Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT (quy định là 2,8 m2/sinh viên).
Đoàn công tác đề nghị trước mắt Trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 phù hợp với năng lực và sớm hoàn tất thủ tục cần thiết để xác định quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để đảm bảo diện tích đất và diện tích sàn xây dựng theo quy định; hoàn thành các hạng mục đang xây dựng theo kế hoạch, sớm đưa vào phục vụ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của Trường.
Với 107 giảng viên cơ hữu và 44 giảng viên thỉnh giảng, Trường đại học Phan Châu Trinh đáp ứng đủ năng lực giảng dạy dự kiến cho 1.133 sinh viên.
Tuy nhiên, Đoàn công tác lưu ý Trường cần thực hiện việc lưu trữ hồ sơ giảng viên đầy đủ và khoa học hơn, nhất là đối với minh chứng về chuyên ngành đào tạo của giảng viên.
Trong khi đó, Trường đại học Phạm Văn Đồng là trường có quy mô lớn nhất trong 3 trường kiểm tra đợt này, đây là một trong các trường đã được kiểm định từ năm 2017, có đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng hoạt động khá hiệu quả.
Kiểm tra hồ sơ đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường với 1 Phó giáo sư, 19 Tiến sĩ, 150 Thạc sĩ cho thấy, tổng số giảng viên sau khi quy đổi Khối ngành V để tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 36,52.
Với quy mô dự kiến Khối ngành V là 696 sinh viên thì tỉ lệ sinh viên/giảng viên Khối ngành V đạt 19,06 sinh viên/giảng viên.
So với quy định, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đáp ứng năng lực đào tạo (quy định là 20 sinh viên/giáo viên).
Ngoài ra, Khối ngành V Trường còn 3 Tiến sĩ tham gia thỉnh giảng nhưng lưu trữ chưa đầy đủ các minh chứng về hồ sơ học thuật của giảng viên nên Đoàn tạm thời chưa tính chỉ tiêu cho 3 giảng viên thỉnh giảng này.
Do năng lực đào tạo khá tiệm cận với quy mô đào tạo của Khối ngành V, Đoàn đề nghị Trường có các biện pháp kiểm soát số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2018 theo kế hoạch dự kiến hoặc bổ sung giảng viên cơ hữu hoặc lưu trữ đủ minh chứng về hồ sơ giảng viên thỉnh giảng theo quy định hiện hành.
Đối với giảng viên sau khi quy đổi Khối ngành VII để tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 13,83.
Với quy mô dự kiến khối ngành VII là 361 SV thì tỉ lệ sinh viên/giảng viên Khối ngành VII đạt 26,1 sinh viên/giảng viên.
So với quy định, đội ngũ giảng viên Khối ngành VII của Nhà trường chưa đáp ứng năng lực đào tạo (quy định là 25 sinh viên/giảng viên).
Đoàn đề nghị Trường giảm số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2018 xuống còn 250 chỉ tiêu Khối ngành VII hoặc bổ sung giảng viên.
Việc kê khai ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận đăng ký xét tuyển đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông, ngay sau khi có phản ánh của Bộ, Trường đại học Phạm Văn Đồng đã điều chỉnh kịp thời và cập nhật lại trong Đề án tuyển sinh.
Tuy nhiên, Đoàn vẫn lưu ý Trường cần rà soát cẩn thận việc kê khai trên Đề án tuyển sinh để công khai trước xã hội, khắc phục ngay những thiếu sót như khai chưa chính xác diện tích sàn xây dựng, chưa kê khai đội ngũ giảng viên thỉnh giảng…
“Qua công tác kiểm tra, điều chúng tôi nhận thấy là các trường đã từng bước ý thức được việc đảm bảo chất lượng là yếu tố sống còn đối với chính nhà trường; tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình và công khai trước xã hội, không phân biệt trường công hay trường tư, trường quy mô nhỏ hay quy mô lớn” – Tiến sĩ Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay.
Bài và ảnh: Bích Ngọc