Chân dung người phụ nữ nhân hậu nhận nuôi đứa trẻ dị tật bị bỏ rơi
“Lỡ nó chết tại nhà…”
Cách đây 5 năm, chị Trương Hương Thủy (sinh năm 1980, ở Hà Nội) đưa bé Xíu về nhà, cô bé sơ sinh đỏ hỏn, bị bỏ rơi trước một ngôi chùa.
Ngày đưa con về, chị giấu bố mẹ, người thân bởi trước đó, khi nghe ý định của chị, mọi người trong gia đình đều phản đối dữ dội, thậm chí bố mẹ chị khi đó đòi “từ mặt” con gái. Ông bà cảnh báo, đón bé về rồi lỡ bé chết tại nhà. Nhiều người thì dèm pha: “Được ba bảy hai mốt, mà cũng không nổi hai mốt, vài ngày là hết cỡ”.
Chị Trương Hương Thủy và bé Xíu, em bé sinh ra với cân nặng chỉ 0,9kg được cứu sống một cách thần kỳ (Ảnh: H.T).
Làm mẹ của hai đứa con, hơn ai hết, chị Thủy hiểu rõ nuôi một đứa trẻ là con ruột của mình đã là việc không hề dễ dàng, đằng này, đứa trẻ chị nhận nuôi còn sinh non, khi thai mới 6 tháng, cân nặng chỉ vỏn vẹn 9 lạng với đủ thứ bệnh như suy dinh dưỡng bào thai, hở vòm họng, nhũn não… Lúc đó, không ai nghĩ bé có thể sống nổi.
Rồi nữa, các con chị cũng đã lớn, chị đang có cuộc sống tự do và cũng đã ở tuổi quên việc chăm bẵm trẻ nhỏ là như thế nào. Nhưng chị Thủy không thể quay lưng lại với đứa trẻ sinh ra đã cô độc như vậy. Làm được gì cho bé, chị tâm niệm sẽ làm ngay, vượt qua nỗi sợ của bản thân, không để những cân nhắc, tính toán vì cái này, cái kia ngăn việc nhận nuôi bé.
Thời điểm như “một mình chống lại cả thế giới”, chị gọi điện cho mẹ nuôi của bé Thiện Nhân (cậu bé bị bỏ rơi, bị súc vật cắn, được đặt biệt danh “chú lính chì dũng cảm”) nhờ tư vấn, hướng dẫn khi nhận nuôi một đứa trẻ khuyết tật. Đó cũng là cách chị tìm một điểm tựa, sự an ủi, đồng hành trong hành trình cô độc của mình.
Có lần mẹ bé đến tìm con nhưng nhìn thấy con ốm yếu, bệnh tật lại quay đi ngay. Lần khác, mẹ bé liên lạc với chị Thủy bày tỏ mong muốn nhận lại con, chị giận lắm nhưng rồi nghĩ, mình đang làm những gì tốt nhất cho Xíu thì sao lại ngăn cản mẹ con họ? Chị đồng ý để người mẹ ruột đón bé về, chị sẽ chu cấp toàn bộ chi phí nuôi và điều trị cho bé.
“Mẹ bé nói để bàn với gia đình rồi sẽ đến đón con về nhưng rồi người mẹ không quay lại và tôi cũng không liên lạc được với họ nữa. Đứa bé ấy đã từng bị bỏ rơi, giờ tiếp tục bị người thân, ruột thịt vứt bỏ, từ chối thêm một lần nữa”, chị Thủy nghẹn ngào nhớ lại.
Chị càng thương con nhiều hơn, chăm bé Xíu còn nhiều hơn cả hai con đẻ của mình trước đây vì bé quá thiệt thòi. Năm đầu tiên, chị quyết định nghỉ hẳn công việc kinh doanh để tập trung chăm sóc và điều trị cho bé. Thời gian đó, chị ăn ở tại bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Câu chuyện của chị Thủy cũng từng được kể trong chương trình “Phụ nữ là để yêu thương – Những trái tim dũng cảm” trên sóng truyền hình quốc gia, lấy đi nhiều nước mắt và cả sự cảm phục của mọi người.
“Tôi thấy mình trong cô bé ấy!”
Sự xuất hiện của bé Xíu, hành trình cực nhọc nuôi bé 5 năm qua với chị Trương Hương Thủy như một liều thuốc chữa lành. Trong sự cô đơn, lạc lõng và sức sống mạnh mẽ của đứa bé, chị nhìn thấy hình ảnh tuổi thơ của mình, một ký ức đớn đau mà giờ chị đã sẵn sàng đối diện.
Nữ doanh nhân xinh đẹp trải lòng, hồi bé chị đã không ít lần bị xâm hại tình dục. Bố mẹ khi đó bận rộn không chăm được con, chị được gửi đến nhà người quen. Bố mẹ chị không hề hay biết chính những người quen đó đã lạm dụng con mình, để con mang ám ảnh trong suốt quãng đời thơ ấu đó…
Đứa bé trở thành một phần của cuộc đời chị (Ảnh: H.T).
“Khi đó, tôi không dám mở miệng để kể với bố mẹ. Quanh tôi lúc đó là sự sợ hãi, cô đơn, không biết chia sẻ với ai. Sự cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi ngày đó của tôi hiện diện qua hình ảnh bé Xíu bị vứt trước cổng chùa”, chị Thủy nói.
Bởi vậy, chị không thể quay lưng, không thể buông tay, không thể mặc kệ đứa bé ấy. Không ngờ sự xuất hiện của bé như một phép màu xoa dịu những tổn thương trong chị. Khi chăm bé, người mẹ nuôi cũng cảm tưởng như bản thân được vỗ về.
Nhìn chị chăm bé Xíu, đưa đến cho bé một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, nhiều người dặn chị đừng để bé biết về tuổi thơ của mình, đừng để bé biết mình là con nuôi. Chị Thủy nghĩ khác. Chị không muốn giấu con điều gì, con được quyền biết sự thật về mình. Trong các sự thật đó, có một sự thật là bé được lớn lên trong tình yêu thương.
“Những trải nghiệm tuổi thơ luôn nhắc nhở tôi phải hết sức quan tâm, để ý, quan sát, lắng nghe khi nuôi dạy con”, người mẹ bộc bạch.
Người phụ nữ mạnh mẽ với nhiều tổn thương (Ảnh: H.T).
“Đám cưới chạy” với người chồng đặc biệt
Chị Thủy đón bé Xíu về nhà trong hoàn cảnh rất khó khăn, khi vừa trở thành mẹ đơn thân. Lấy chồng từ năm 19 tuổi, cuộc hôn nhân kéo dài 18 năm của chị khép lại khi chị nhận thấy trái tim mình trống rỗng, vợ chồng ngày càng xa cách…
Có thể lắm, những ký ức tuổi thơ đã hình thành ở chị một vẻ ngoài mạnh mẽ, gai góc, lúc nào cũng “xù lông nhím”. Nhưng đó chỉ là lớp vỏ được tạo để che đi sự yếu đuối, khát khao được bao bọc, che chở và bảo vệ.
Đám cưới “chạy” của chị Thủy và chồng diễn ra sau đúng 4 ngày nghe lời thủ thỉ “Cưới nhé!” (Ảnh: H.T)
Chị lao vào làm việc, xây dựng chuỗi khách sạn ở Nha Trang, thử cảm giác mạnh ở trò chơi nhảy dù như một cách để khỏa lấp sự cô đơn. Sau ly hôn, nhiều người đến với chị nhưng chị lắc đầu vì không nhìn thấy sự chân thành ở họ.
Chị cũng từng nghĩ “thì một mình nuôi con, có sao đâu”. Nhưng rồi cái duyên đưa đẩy chị gặp người chồng hiện tại, phi công Nguyễn Thế Phong, cơ trưởng Boeing 787. Anh là phi công quân sự được đào tạo tại Nga, rồi sang Úc học chuyển loại dân sự trước khi về Việt Nam làm việc năm 1998 và lên cơ trưởng khi mới 35 tuổi.
Chị Thủy tiết lộ, anh đến với chị như chơi một ván bài cuối cùng. Anh trao tất cả tình cảm cũng như toàn bộ gia sản dành dụm bao lâu cho chị. Anh nói: “Anh đối xử với em tốt nhất có thể. Để mong rằng nếu em có ý định lừa dối hay làm điều gì không đúng với anh thì em sẽ suy nghĩ lại”.
Nhưng đó không phải là điều “đốn tim” người phụ nữ đã từng trải qua nhiều tổn thương này. Người phụ nữ “một mình cân cả thế giới” ấy “gục hẳn” khi lần đầu gặp gia đình chị, anh nói với bố mẹ chị rằng: “Con trân trọng và nể phục những điều Thủy làm. Con muốn đến với Thủy để cùng cô ấy nuôi dạy bé Xíu, cùng chia sẻ bớt những khó khăn mà Thủy đang gánh vác”.
Không màu mè, hoa mỹ, anh là người đàn ông nghĩ sao nói vậy. Và anh mang đến điều chị mong chờ nhất, không chỉ là một người yêu thương mình, cho mình chỗ dựa, niềm tin mà điều quan trọng không kém là đem đến người cha cho bé Xíu.
Chị Thủy vẫn hay đùa “tôi đặt đâu anh ấy ngồi đấy”. Lần đi nghỉ ở Phú Quốc cuối tháng 2 vừa qua, đọc báo thấy thông tin ngày 22/2/2022 là ngày đặc biệt, phải 200 năm nữa mới có một ngày như thế, chị liền thủ thỉ với anh : “Cưới nhé!”. Nghe vậy, chàng cơ trưởng lập tức bấm điện thoại gọi cho mẹ, báo: “4 ngày nữa con cưới vợ”.
Họ có một đám cưới đặc biệt mà nhiều người nhìn vào tưởng là “cưới chạy”. Đến giờ chị vẫn gật gù cảm ơn mẹ chồng đã “chịu chơi” vì hạnh phúc của các con.
Chị Thủy trải lòng, việc nhận nuôi một đứa trẻ đặc biệt đã thay đổi nhân sinh quan của chị, khiến chị nhìn cuộc sống bằng góc nhìn tích cực, không để nỗi sợ lấn át bản thân, trân trọng những gì mình có. Nhìn chồng chơi đùa đầy yêu thương với bé Xíu, được gia đình chồng ủng hộ, với chị đó là hạnh phúc…
Chị tìm được bố cho đứa con đặc biệt của mình (Ảnh: H.T).
Chị nhớ mãi lời con gái mình 5 năm trước: “Mẹ nuôi em đi mẹ! Ai cũng chối bỏ em nhưng con tin mẹ làm được. Sau này con sẽ đi làm, kiếm tiền giúp mẹ phụ nuôi em!”. Đó cũng là lời động viên hiếm hoi dành cho chị thời điểm ấy.
Chị càng hiểu rằng, người làm cha làm mẹ cần sống tốt còn là để mang đến niềm hạnh phúc, tự hào cho con cái.