Chậm trễ thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên chịu thiệt thòi

Huyên Nguyễn

  –  

Thứ sáu, 29/04/2022 16:48 (GMT+7)

Giáo viên 11 năm không được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên có trình độ đại học, đủ tiêu chuẩn thăng hạng nhưng mãi vẫn hưởng lương trung cấp… là những vấn đề nóng tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục thành phố của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 29.4.

Chậm trễ thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên chịu thiệt thòi
Vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp làm “nóng” buổi tiếp xúc cử tri ngành Giáo dục ngày 29.4. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Bằng đại học, hưởng lương trung cấp

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là vấn đề làm “nóng” buổi tiếp xúc cử tri ngành Giáo dục. Với tư cách cá nhân, cử tri Nguyễn Đình Tuấn – chuyên viên phòng GDĐT Tân Bình cho rằng việc triển khai thực hiện bổ nghiệm chức danh nghề nghiệp theo các Thông tư 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20.3.2021 hiện đang gặp khó khăn, có quá nhiều hướng dẫn từ các cấp nên đến nay nhiều nơi chưa triển khai xong.

Việc chậm trễ này ảnh hưởng lớn tới việc xếp lương cho giáo viên, lương thấp hơn so với năng lực thực tế.

“Nơi nào làm trước thì giáo viên được hưởng trước, nơi nào chưa làm thì giáo viên chưa được hưởng dù tiêu chuẩn và điều kiện giống nhau. Cơ quan nhà nước làm chậm nhưng giáo viên không được truy lĩnh”, ông Tuấn bày tỏ. Cử tri này kiến nghị để đảm bảo quyền lợi công bằng nên ấn định mốc thời gian chung cho giáo viên cả nước theo hiệu lực của các thông tư. Mốc thời gian được tính là thời điểm giáo viên đáp ứng đủ điều kiện chứ không lệ thuộc vào thời điểm mà cơ quan quản lý nhà nước triển khai.

Cử tri Nguyễn Đình Tuấn kiến nghị chính sách thăng hạng giáo viên. Ảnh: Huyên NguyễnCử tri Nguyễn Đình Tuấn kiến nghị chính sách thăng hạng giáo viên. Ảnh: Huyên Nguyễn

Ông Tuấn thẳng thắn bày tỏ thêm: Chế độ chính sách cho giáo viên nói riêng và người lao động ngành Giáo dục nói chung còn chậm, từ chủ trương đến khi người lao động nhận được quyền lợi có khi là một khoảng thời gian dài và lắm nhiêu khê. Chủ trương ở trên thì rất tốt nhưng lí do chậm trễ nằm ở vai trò tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn trong đó có tâm lý sợ trách nhiệm, né trách nhiệm.

Cử tri này dẫn chứng thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non, để trả lời cho cơ sở 1 vấn đề chưa rõ để thực hiện thì phòng Tài chính kế hoạch có văn bản đề nghị phòng GDĐT hỏi Sở GDĐT. Tính thời gian từ lúc phòng Tài chính kế hoạch có văn bản đề nghị phòng GDĐT làm văn bản hỏi đến khi có văn bản gửi lên Sở GDĐT thì đã mất 23 ngày, chưa kể thời gian đợi câu trả lời của Sở GDĐT.

“Người lao động vẫn ngóng trông, mỏi mòn từng giây từng phút. Còn cơ sở thì chưa có hướng dẫn nên chẳng dám thực hiện”, ông Tuấn kể và nhấn mạnh thêm: “Nếu cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ không thay đổi suy nghĩ về việc sợ trách nhiệm, né trách nhiệm thì đó là sự vô cảm, vô cảm với người lao động, với nhân dân”.

Gửi đơn kiến nghị tới Báo Lao Động, cô giáo T.N (giáo viên quận 7) cho biết cô tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TPHCM và chính thức vào biên chế từ năm 2019 đến nay nhưng mãi cũng chỉ được hưởng lương trung cấp. Trong khi đó, nhiều giáo viên khác mới ra trường lại được hưởng bậc lương cao hơn. Nguyên nhân là do hồ sơ xét thăng hạng của cô đã nộp lên quận nhưng đơn vị này chưa tổ chức xét.

“Hiện nay, mức lương của tôi chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Việc không được hưởng lương đúng bậc đại học cũng kéo theo ảnh hưởng tới thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM. Tính ra một năm tôi bị mất khoảng 20 triệu đồng từ việc chậm trễ này”, nữ giáo viên chia sẻ.

Cử tri quận 6, quận 12 tại TPHCM cũng nêu ra nhiều kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tới nội dung này, trong đó có người 11 năm có bằng đại học nhưng vẫn không được thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bổ sung thêm nội dung, cử tri Võ Cao Long – Trưởng phòng GDĐT quận Phú Nhuận cho biết, việc bồi dưỡng chuyên môn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp thầy cô phải tham gia rất tốn kém do phải tự bỏ tiền cá nhân, đặc biệt là bồi dưỡng theo chương trình GDPT 2018. Ông kiến nghị cần có sự tháo gỡ để giáo viên an tâm.

Nhiều giáo viên đủ điều kiện thăng hạng để nhận lương bậc đại học nhưng đang phải hưởng hệ trung cấp. Ảnh minh hoạ: Huyên NguyễnNhiều giáo viên đủ điều kiện thăng hạng để nhận lương bậc đại học nhưng đang phải hưởng hệ trung cấp. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Nhiều lí do gây chậm trễ

Đáp lại ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Duy Tân – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM lí giải vấn đề xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp còn chậm trễ 2 năm qua do tình hình dịch bệnh không tổ chức được kỳ thi, dự kiến tháng 6.2022 sẽ có đợt thi mới. Cùng với đó, có một số nội dung khi trình lên các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ và Chính phủ thì hiện có một số đề án đã có thay đổi.

ông Nguyễn Duy Tân – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCMÔng Nguyễn Duy Tân – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM trả lời kiến nghị cử tri. Ảnh: Huyên Nguyễn

Ông Tân hướng dẫn, những trường hợp thăng hạng thì phải thi chứ không phải đương nhiên có bằng đại học là xét. Tuy vậy, ông vẫn thừa nhận quy định 9 năm từ hạng 3 lên hạng 2 là một thời gian quá dài và sẽ có đề xuất về việc này.

Theo thống nhất của các đơn vị, việc giáo viên có trình độ đại học chuyển sang ngạch, nâng hạng thuộc thẩm quyền của Sở GDĐT, còn chuyên viên chính sẽ thuộc Sở Nội vụ.